Khu kinh tế Nam Hải Phòng: Cú hích để thành phố Cảng 'dọn tổ' đón 'đại bàng'

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhận định: Việc thành lập Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng sẽ là cú hích quan trọng đối với sự phát triển của thành phố, là giải pháp căn cơ để Hải Phòng 'dọn tổ' đón 'đại bàng' - những nhà đầu tư lớn trong tương lai.

Khơi thông động lực tăng trưởng

Hải Phòng vừa hoàn thành Đề án thành lập Khu kinh tế (KKT) ven biển phía Nam Hải Phòng (gọi tắt là KKT phía Nam Hải Phòng), trình Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương. KKT mới có những lợi thế vượt trội với kết nối từ sân bay quốc tế Tiên Lãng, cảng biển nước sâu Nam Đồ Sơn và định hướng phát triển thành KKT sinh thái thế hệ 3.0.

Theo phân tích của Ban Quản lý KKT Hải Phòng, khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Hải Phòng 10 năm qua. KKT Đình Vũ – Cát Hải (thành lập năm 2008) đã phát triển tương đối hoàn thiện, hiện nay tỷ lệ lấp đầy gần 80%.

Khoảng 3 năm gần đây, Hải Phòng chưa có thêm khu công nghiệp mới hình thành. Hiện, KCN Tiên Thanh còn chậm triển khai do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; KCN và khu phi thuế quan Xuân Cầu mới được khởi công xây dựng. Trong khi do vị trí gần biển, KKT Đình Vũ - Cát Hải chưa phù hợp để thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chip, bán dẫn, điện tử do hơi nước biển làm giảm chất lượng của các sản phẩm điện tử.

Phần diện tích quy hoạch xây dựng KKT phía Nam Hải Phòng. Ảnh: Ban Quản lý KKT Hải Phòng.

Phần diện tích quy hoạch xây dựng KKT phía Nam Hải Phòng. Ảnh: Ban Quản lý KKT Hải Phòng.

Nếu không có bước đi đột phá để hình thành những dự án mới, tăng trưởng GRDP của thành phố khó đạt mức bình quân 13,5% một năm cho giai đoạn 2021-2030 như mục tiêu đã đặt ra. Do đó, theo Ban Quản lý KKT Hải Phòng, nhiệm vụ rất cấp thiết đặt ra phải khơi thông động lực tăng trưởng mới, bảo đảm cho sự phát triển của thành phố trong 10 - 20 năm tới. Từ đó, Hải Phòng đã gấp rút hoàn thành Đề án thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng trình Trung ương xem xét, phê duyệt trong năm 2024.

Theo đề án được xây dựng, KKT phía Nam Hải Phòng rộng khoảng 20.000 ha, nằm trên địa bàn của 22 xã, phường thuộc 5 quận huyện: Đồ Sơn, Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.

Trong đó, huyện Kiến Thụy gồm toàn bộ xã Đoàn Xá, Tân Trào, một phần xã Đại Hợp, Tú Sơn, Kiến Quốc, Ngũ Phúc. Huyện An Lão gồm một phần xã An Thọ, Chiến Thắng. Huyện Tiên Lãng gồm toàn bộ xã Vinh Quang, Hùng Thắng, Đông Hưng, Tây Hưng, Nam Hưng, Bắc Hưng, một phần xã Tiên Thắng, Tiên Minh. Huyện Vĩnh Bảo gồm toàn bộ xã Trấn Dương, Hòa Bình, Vĩnh Tiến, Cổ Am. Quận Đồ Sơn gồm một phần phường Bàng La.

“Dọn tổ” đón “đại bàng”

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng cho biết: Về mặt định hướng, KKT phía Nam Hải Phòng sẽ trở thành KKT sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành; tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, logistics hiện đại; là đầu mối của Hải Phòng tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới.

“KKT ven biển thứ hai của TP Hải Phòng (sau KKT Đình Vũ - Cát Hải) là trung tâm của các lĩnh vực công nghiệp mới; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại nhờ gắn kết tuyến cao tốc ven biển, cảng nước sâu Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Tiên Lãng được hình thành trong tương lai. Nếu triển khai, đây là nơi duy nhất tại Việt Nam tới nay có chính sách hội nhập cao tạo lợi thế vượt trội thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Lê Trung Kiên nhấn mạnh.

Cảng Nam Đồ Sơn, 1 trong 7 phân khu của KKT phía Nam Hải Phòng. Ảnh: Ban Quản lý KKT Hải Phòng.

Cảng Nam Đồ Sơn, 1 trong 7 phân khu của KKT phía Nam Hải Phòng. Ảnh: Ban Quản lý KKT Hải Phòng.

Dự kiến, kinh phí để lập KKT phía Nam Hải Phòng là khoảng 400.000 tỷ đồng đến 600.000 tỷ đồng, từ ngân sách và các nguồn vốn khác. Trong đó, phần vốn Bộ Giao thông Vận tải đầu tư để đầu tư hệ thống công trình dùng chung của cảng Nam Đồ Sơn khoảng 30.000 tỷ đồng.

Dự kiến năm 2028, KKT phía Nam Hải Phòng bắt đầu xây dựng. Vào năm 2030, một số khu chức năng trong KKT bắt đầu được khai thác, với nhu cầu lao động sản xuất năm đầu khoảng 20.000 người và tăng đều 20.000 người mỗi năm. Đến năm 2044, quy mô lao động theo thiết kế là 300.000 người.

Mục tiêu TP Hải Phòng đặt ra là vào năm 2030, KKT phía Nam Hải Phòng hoạt động ở mức 80% của khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải hiện nay. Đồng thời, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối với các KKT lân cận, tạo thành chuỗi KKT ven biển, làm động lực phát triển của cả vùng.

Phối cảnh sân bay quốc tế Tiên Lãng - động lực thúc đẩy quan trọng cho KKT phía Nam Hải Phòng. Ảnh: Ban Quản lý KKT Hải Phòng.

Phối cảnh sân bay quốc tế Tiên Lãng - động lực thúc đẩy quan trọng cho KKT phía Nam Hải Phòng. Ảnh: Ban Quản lý KKT Hải Phòng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hải Phòng hoàn thành Đề án thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng để trình Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, phê duyệt. Cùng với đó, Hải Phòng đã có những bước chuẩn bị, xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn lớn trong và ngoài nước tham gia các dự án hạ tầng lớn trong KKT như sân bay quốc tế Tiên Lãng, cảng Nam Đồ Sơn...

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhận định: Việc thành lập KKT mới sẽ là cú hích quan trọng đối với sự phát triển của thành phố, là giải pháp căn cơ để Hải Phòng “dọn tổ” đón “đại bàng” - những nhà đầu tư lớn trong tương lai. Việc thành lập KKT mới cũng nằm trong lộ trình phát triển thành phố Cảng theo đúng tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.

Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg xác định rõ khâu đột phá về phát triển cảng biển và dịch vụ logistics là “thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng, trong đó nghiên cứu khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, nổi trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới”.

Phương Thanh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khu-kinh-te-nam-hai-phong-cu-hich-de-thanh-pho-cang-don-to-don-dai-bang-10286562.html