'Khu tập thể đường tàu': Thời bao cấp qua ánh mắt trẻ thơ

Lấy bối cảnh 'dự án thế kỷ' xây dựng cầu Thăng Long - công trình cầu vượt sông lớn nhất Đông Nam Á vào thời điểm khởi công, trong tác phẩm 'Khu tập thể đường tàu', nhà văn Đặng Ngọc Hưng, đã tái hiện lại những ngày xưa yêu dấu dưới góc nhìn tinh khôi của những đứa trẻ.

Từng đoạt giải B tại giải thưởng Sách Quốc gia 2019 với cuốn tiểu thuyết lịch sử Hùng binh, không ngoa khi nói dòng chảy hoài niệm thường trực ẩn hiện trong các tác phẩm của Đặng Ngọc Hưng. Trong tác phẩm mới, ông đã đưa độc giả bước vào miền Bắc thời kỳ bao cấp với những chuyện dở khóc dở cười, để thông qua đó ta cũng nhìn thấy rất nhiều sự kiện nối tiếp diễn ra: Chiến dịch biên giới Tây Nam 1978, Chiến dịch biên giới Thu Đông 1950…

Nhà văn Đặng Ngọc Hưng. Ảnh: Tư liệu

Nhà văn Đặng Ngọc Hưng. Ảnh: Tư liệu

Ký ức xa xưa

Cuốn sách, theo đó, được kể dưới góc nhìn của cậu bé “Cả thộn” xoay quanh những chuyện xóm giềng cũng như những trò quấy phá cùng bạn bè mình. Có cấu trúc như một tác phẩm coming-of-age mà mạch truyện phát triển song song cùng sự trưởng thành của nhân vật chính, tác giả đã rất tinh ý chọn một ngôi kể đặc biệt để giúp cuốn sách trở nên hài hước, mới mẻ, không quá bi lụy, kể khổ nhưng cũng không kém phần hấp dẫn với những trò đùa lắm khi để lại hậu quả không thể đoán trước.

Một trong những điểm đặc biệt của Khu tập thể đường tàu là đã tái hiện thành công những hoài niệm xưa giờ đã không còn. Ta thấy nó trong rất nhiều điểm xuyết được tác giả lẫy ra, từ nhà ray (toàn bộ kết cấu làm từ những thanh ray đường tàu), nhà cuba (bê tông đúc sẵn, lắp ghép)… đến bát ô tô, cặp lồng hay việc bốc thăm các hàng phân phối dù có đôi khi những lon sữa đặc không khác gì nhau...

Hồi ức xưa ấy cũng đến tinh khôi với trò đùa nghịch của bọn trẻ con. Là một tác phẩm dành cho những ai “từng là trẻ con”, nên khi đọc sách, không ít người sẽ nhìn thấy lại bóng dáng bản thân dù đến từ đâu, sinh dưới thời nào, bởi những nghịch ngợm là điều tất yếu ở lứa tuổi ấy.

Chẳng hạn việc “cả thộn” và cậu bạn Thủy cứ nói một câu lại cãi một câu khiến ta nhớ đến người bạn thiếu thời, trong khi những trò nghịch ngợm như trêu người lớn, chơi đùa trên cát, ngắt hoa hút mật… dường như ai ai cũng đã từng trải qua.

Quá trình xây dựng cây cầu Thăng Long là cảm hứng cho cuốn sách này. Ảnh: Tư liệu

Quá trình xây dựng cây cầu Thăng Long là cảm hứng cho cuốn sách này. Ảnh: Tư liệu

Đến tuổi đi học thì những trò ấy càng “tinh quái” hơn. Chi tiết nhà văn kể về ngày đầu tiên đi học của bọn trẻ con để rồi… lạc đường, không biết về nhà theo lối nào đây để lại nhiều nỗi hoài nhớ. Ông cũng thêm vào những tình tiết kịch tính như khi thằng bạn bị té xuống cống hay là cả lũ bị gà tây đuổi… đầy hồi hộp, khiến cho độc giả không ngừng lật trang.

Tuy vậy vượt trên tất cả, điểm đáng nhớ nhất của cuốn sách này chính là những lời “tự trào” của bọn trẻ con. Như khi biện hộ cho việc phá hoa chỉ để hút mật, “cả thộn” đã phân trần rằng: “Mong muốn dạo bước trong vườn hoa chỉ dành cho những người lớn có tâm hồn lãng mạn, có gu thẩm mỹ và yêu cái đẹp. Còn đối với lũ trẻ con chúng tôi thì chỉ có hoa dong riềng và hoa thanh táo là có giá trị”. Chúng cũng biện luận: “Những loài hoa không có mật ngọt là để dành riêng cho người lớn. Còn những loài hoa có mật ngọt là để dành riêng cho bọn trẻ con”…

Để rồi vừa mới bắt đầu đi học vỡ lòng, ở tuổi chưa lớn hơn ai, nhưng bọn trẻ ấy cũng rất… tự hào được làm “người lớn”. Thế mới có chuyện bọn chúng quay trở lại để “trả thù” bọn “chíp hôi” ở trường mẫu giáo đã bắt mình phải đút cơm. Độc giả không thể ngừng cười khi “cả thộn” và bạn bè mình mài củ khoai ngứa giả làm khoai tây cho bọn nhóc ăn, để rồi sợ hãi mình sẽ bị mắng…

Tình người cao quý

Không chỉ dừng lại ở việc tái hiện ký ức, vì là một khu tập thể dành cho công nhân xây dựng công trình nên việc mô tả tương tác giữa người với người cũng là một nét rất riêng của tác phẩm này. Trong đó các bãi dầm (nơi tập hợp dầm sắt), hố phòng mục (ngâm tà vẹt vào hóa chất sao cho không mục)… đã được tả lại một cách thú vị mà không phải ai cũng biết…

Và cũng chính từ những tương tác ấy, tác giả đã xây dựng được những chi tiết vô cùng cảm động. Vì là công nhân rày đây mai đó theo các công trình, tuy qua góc nhìn của một đứa trẻ nên những trăn trở, suy tư giảm bớt phần nào, nhưng ta vẫn thấy ở đó một sự an lòng khi những người lớn giờ đã ổn định, không phải sầu não lo bọn trẻ con sẽ học ở đâu trong nhiều năm tới như những công trình quy mô ngắn ngày trước đây...

Bìa sách Khu tập thể đường tàu do NXB Trẻ ấn hành. Ảnh: NXB Trẻ

Bên cạnh cái nhìn tinh khôi của bọn trẻ con, tác giả Đặng Ngọc Hưng cũng thả vào đây nhiều chi tiết đẹp. Chẳng hạn khi hai anh em “cả thộn” muốn đi cùng cha đến lớp học xóa mù chữ, thì hình ảnh người cha cõng em nhỏ, trong khi cầm tay chính mình để không lọt chân vào khe tà vẹt dưới ánh trăng sáng để lại rất nhiều cảm xúc. Hay hình ảnh người mẹ cõng hai anh em sau lưng khi trời nổi bão để rồi về nhà thì đã ướt mèm để lại những khoảng lặng ngắn và đầy xúc động…

Thời bao cấp thiếu thốn vật chất khiến cho người lớn không ngừng lo toan cũng được tái hiện. Như khi cậu bé hỏi cha mẹ vì sao mua toàn thịt mỡ mà không biết rằng chỉ bởi mỡ mới để được lâu, hay khi những cậu bé chia nhau vét lon sữa đặc được cho để rồi đổ nước lã vào tráng thật sạch… cũng đầy thương nhớ.

Nút thắt của cuốn tiểu thuyết lên đến cao trào khi liên tục biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc có nhiều biến động. Tác giả theo đó khắc họa những ngày tháng đào hầm trú ẩn của các công nhân, cũng như những tháng ngày huấn luyện quân sự chờ sẵn tình hình xấu nhất. Qua đó cũng làm nổi bật một lớp thanh niên không ngại gian khó, tình nguyện gia nhập quân đội để giữ ổn định biên cương để rồi khi về chỉ còn lặng yên một nấm mồ nhỏ…

Nhưng may mắn là trong những ngày ấy tình cảm xóm giềng vẫn luôn hiển hiện, đùm bọc lẫn nhau. Tác giả đã tả lại những ngày Tết đến rộn ràng với pháo nổ, với nhiều ước vọng cho một năm mới. Nhưng bất ngờ nhất là cảnh mổ trâu, khi cả khu tập thể mua được hai con trâu và phải bốc thăm để chia vì không thể nào phân chia đồng đều. Rồi khi những công nhân ở xa muốn bốc thăm sớm để nhận phần thịt về với gia đình, những người khác cũng rất sẵn lòng ưu tiên cho họ mà không kể cả hay toan tính gì…

Ta cũng không khỏi cảm động cảnh làm bánh quy, bởi vì thiếu thốn nên nhà nào cũng vét sạch hẳn thau bột khiến bọn trẻ con không mót được gì. Nhưng khi biết chúng thích làm việc ấy, những lần sau người lớn trong khu lẳng lặng chừa lại một chút, khiến chúng vui vẻ dù niềm vui ấy chẳng lớn lao gì…

Với những ký ức hiện lên sống động mà một lớp người đã từng trải qua, bằng góc kể thú vị và những tình tiết vừa cảm động, vừa chân thành nhưng cũng không thiếu nét tinh nghịch, lém lỉnh của tuổi ấu thời… tác giả Đặng Ngọc Hưng có thể nói đã đánh thức một miền ký ức tập thể, qua đó đưa người đọc về một thời bao cấp ở miền Bắc Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng cũng không hề thiếu vắng tình người.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/khu-tap-the-duong-tau-thoi-bao-cap-qua-anh-mat-tre-tho-47829.html