'Thợ cả Biên phòng' hai mươi năm xây nhà cho dân
Hơn 20 năm qua, Thiếu tá QNCN Nguyễn Đình Thủy, Đồn Biên phòng Kỳ Khang, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Tĩnh được giao nhiệm vụ chỉ huy tổ thợ mang quân hàm xanh giúp nhân dân xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Anh được gọi là “Thợ cả Biên phòng", cùng đồng đội lặng thầm giúp hàng trăm hộ gia đình nghèo hiện thực hóa giấc mơ được an cư trong những ngôi nhà mới kiên cố, khang trang. Khi được hỏi về nhiệm vụ đặc biệt, Thiếu tá QNCN Nguyễn Đình Thủy chia sẻ rằng, các anh luôn đặt niềm hạnh phúc của nhân dân lên trên hết.
Tổ thợ lính giữa bản làng
Khi đồng hồ mới điểm 3 giờ 15 phút của ngày giữa tháng 3-2025, Thiếu tá QNCN Nguyễn Đình Thủy đã đến từng phòng nghỉ đánh thức đồng đội, nhanh chóng khoác lên mình bộ quân phục dã chiến. Sau đó các anh buộc đầy đủ, cẩn thận các dụng cụ từ cuốc, xẻng, xe rùa, thước, bai... lên phía sau xe máy cá nhân.
Rồi anh Thủy cùng đồng đội khẩn trương điều khiển phương tiện rời khỏi dừng nghỉ ở Đồn Biên phòng Bản Giàng (BĐBP tỉnh Hà Tĩnh) đi về hướng địa bàn dân cư biên giới. Không bao lâu sau, hình bóng những người lính khuất dần sau màn sương dày đặc, trắng xóa của núi rừng biên cương. Khi anh Thủy cùng tổ thợ BĐBP đến bản Giàng 2, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, phần lớn các hộ gia đình đồng bào dân tộc Chứt còn chìm trong giấc ngủ. Chỉ có nhà ông Hồ Văn Sơn, 68 tuổi, đã bật đèn điện chiếu sáng cả một góc đồi.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Đình Thủy cùng đồng đội xây dựng nhà mới cho hộ gia đình đồng bào dân tộc Chứt ở bản Giàng 2 (xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).
Trong sương lạnh, người đàn ông cao tuổi đi lại nhiều lần ở cổng, khuôn mặt nhiều lo âu. Chỉ khi Thiếu tá QNCN Nguyễn Đình Thủy cùng đồng đội đến, ông Sơn mới nở nụ cười và cất lời: “Trời lạnh quá, bố cứ lo các con xuống muộn giờ thôi. Bố và mẹ đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, đúng 4 giờ 7 phút, chúng ta làm lễ cúng giàng (trời) rồi tiến hành đào móng theo kế hoạch”. Nghe ông Sơn nói, anh Thủy vui vẻ đáp: “Bố lại lo lắng quá rồi! Bộ đội chúng con giờ giấc chuẩn lắm, chậm sao được”. Cũng như nhiều hộ dân trong bản biên giới xa xôi, gia đình ông Sơn vốn nghèo khó, suốt bao nhiêu năm qua phải sinh sống trong ngôi nhà tạm đã xuống cấp với nhiều nỗi lo khi mùa mưa bão đến.
Đầu năm 2025, ông Sơn được Nhà nước hỗ trợ 70 triệu đồng để xây dựng một căn nhà mới, tổ thợ của BĐBP tỉnh Hà Tĩnh do Thiếu tá QNCN Nguyễn Đình Thủy làm tổ trưởng được điều động trực tiếp thi công. “Cả đêm hôm qua, tôi gần như không ngủ được, chỉ mong trời sáng đến giờ ấn định để cùng bộ đội làm lễ khởi công. Mong cho trời thuận gió hòa để ít tháng nữa, gia đình tôi sẽ được sống trong ngôi nhà mà cả cuộc đời tôi đã mơ ước”, ông Sơn cho biết.
Trong lúc chờ đến “giờ đẹp" do gia chủ chọn, anh Thủy cùng đồng đội tranh thủ chuyển đồ nghề phía sau xe máy vào cất gọn gàng trong ngôi lán tạm được chủ hộ và dân bản dựng lên trước đó. Ngôi lán tạm bảo đảm kín đáo, chắc chắn, có 3 tấm phản rộng làm chỗ ngủ nghỉ, trên được trải những tấm chiếu vẫn còn mùi thơm, lán có góc nấu ăn riêng biệt. Ngôi lán tạm là nơi anh Thủy và những người lính biên phòng sẽ ăn nghỉ, sinh hoạt trong suốt thời gian dài ở bản Giàng 2 để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng 5 căn nhà mới cho các hộ dân trong bản.
Suốt 20 năm qua, “thợ cả” Nguyễn Đình Thủy và đồng đội đã quen với việc được cấp trên “gửi” trong dân để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Trong câu chuyện với những người lính, được biết, nhiều năm về trước, đời sống của nhân dân sinh sống ở khu vực biên giới tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ. Nhiều gia đình người dân vẫn phải sinh sống trong những ngôi nhà tạm bợ là nỗi trăn trở lớn với những người lính biên phòng. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp giúp dân xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt chú trọng huy động các nguồn lực, cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xây dựng nhà mới cho nhân dân. Tổ thợ mang quân hàm xanh do Thiếu tá QNCN Nguyễn Đình Thủy làm tổ trưởng được thành lập và hoạt động liên tục từ đó cho đến tận bây giờ.
"Nhà của dân như nhà của mình"
Hơn 20 năm về trước, khi còn là một quân nhân trẻ, biết được thông tin đơn vị thành lập một tổ thợ với mục đích giúp nhân dân biên giới xóa nhà tạm, nhà dột nát, anh Thủy đã tình nguyện đăng ký tham gia. Nhờ có thời gian làm thợ xây trước khi vào quân ngũ, cùng với tinh thần trách nhiệm, anh Thủy đã nhanh chóng thích ứng với nhiệm vụ đặc biệt.
Cùng thời gian, kinh nghiệm tay nghề thêm vững vàng, ý thức kỷ luật tốt, tận tụy hỗ trợ nhân dân, anh Thủy được chỉ huy đơn vị tin tưởng giao làm tổ trưởng tổ thợ xây mang quân hàm xanh. Từ đó, Thiếu tá QNCN Nguyễn Đình Thủy đã điều hành tổ thợ thực hiện nhiệm vụ ở nhiều địa bàn biên giới khác nhau. Có quãng thời gian người ta bắt gặp tổ thợ “cắm chốt” ở những bản làng biên giới giáp ranh Việt Nam-Lào. Rồi năm sau, các anh lại bám các làng ven biển giúp đồng bào giáo dân xây những căn nhà mới.
Mang trên mình bộ quân phục nhưng thời gian sinh hoạt, thực hiện nhiệm vụ ở trong dân nhiều hơn tại đơn vị đóng quân, quanh năm lặng thầm với công việc nặng nhọc, vất vả. Đối với Thiếu tá QNCN Nguyễn Đình Thủy và tổ thợ mang áo lính, một ngày làm việc có thể bắt đầu khi mặt trời còn chưa lên khỏi đỉnh núi và kết thúc vào lúc màn đêm đã buông xuống. Có những thời điểm các anh làm việc xuyên trưa, thi công cả ban đêm với mong muốn hoàn thành nhà mới cho hộ dân trước khi mùa mưa bão đến. Nói về nhiệm vụ, anh Thủy cho biết: “Chúng tôi chỉ có 6-7 đồng chí nhưng đảm nhận tất cả mọi việc lớn, nhỏ từ lúc bắt đầu đến khi bàn giao chìa khóa cho nhân dân...

Vợ chồng ông Hồ Văn Sơn rót nước mời Thiếu tá QNCN Nguyễn Đình Thủy (ngoài cùng, bên phải) cùng đồng đội trong thời gian nghỉ giải lao.
Nghề thợ xây vất vả, nặng nhọc, thường xuyên làm việc ngoài trời nhưng không phải cứ mệt là nghỉ được. Xây một ngôi nhà thì có những công đoạn như việc đổ trụ, dầm bê tông, dù thời gian có muộn cũng phải làm cho xong, rồi một mẻ hồ trộn dở cũng quyết tâm làm cho hết, không được lãng phí. Có khi phải tranh thủ thời gian làm ngày làm đêm để hoàn thành công trình cho nhân dân trước khi mùa mưa bão đến. Nhưng anh em chúng tôi đều hiểu công việc, động viên nhau phát huy tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, đặt hạnh phúc của nhân dân lên trên hết. Khi mỗi ngôi nhà của nhân dân được khánh thành, tổ thợ lính chúng tôi cũng vui sướng, hạnh phúc như đó chính là ngôi nhà của mình”.
Sương tan dần, mặt trời lên cao trên vùng đất biên giới, dưới bàn tay, công sức của tổ thợ biên phòng, phần móng căn nhà của gia đình ông Sơn đã bắt đầu lộ diện. Theo sự phân công của anh Thủy, các quân nhân nhịp nhàng, vui vẻ thực hiện nhiệm vụ. Cái nắng gắt gao đầu mùa khiến cho khuôn mặt của “Thợ cả Biên phòng" và đồng đội đỏ bừng, quần áo ướt sũng mồ hôi. Thỉnh thoảng, anh Thủy lại đưa ống tay áo lên quẹt ngang mặt, không để mồ hôi chảy vào khóe mắt.
Theo những đồng đội chia sẻ, khi nhận nhiệm vụ từ cấp trên, tổ trưởng của họ sẽ tìm đến và bàn bạc ý tưởng với các hộ dân, tự tay thiết kế bản vẽ những ngôi nhà mà nhân dân mơ ước. “Thợ cả Biên phòng" cũng đi liên hệ giúp bà con mua vật liệu xây dựng tập kết về bản, chuẩn bị làm nhà. Nói về nhiệm vụ, anh Thủy chia sẻ rằng: “Trên cơ sở số tiền được hỗ trợ, chúng tôi phải bàn bạc, tính toán rất chi tiết với suy nghĩ phải làm sao xây dựng được cho gia đình ngôi nhà kiên cố, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sinh hoạt thường ngày. Quá trình mua vật liệu, tôi thường giải thích mong các cơ sở kinh doanh cung cấp các mặt hàng với giá cả phải chăng nhất. Một số hộ kinh doanh khi biết bộ đội mua sắt thép, xi măng để xây nhà cho người dân nghèo đã chủ động bán với giá không lấy lãi”, Thiếu tá QNCN Nguyễn Đình Thủy chia sẻ.
Quanh năm bám địa bàn biên giới, giúp dân xây dựng nhà ở, Thiếu tá QNCN Nguyễn Đình Thủy cùng đồng đội chấp hành nghiêm kỷ luật, đoàn kết quân dân. Do yêu cầu nhiệm vụ xây nhà cho dân kéo dài, chỉ khi được sự cho phép của cấp trên, các anh mới được cắt phép, tranh thủ về thăm gia đình. Khi gia đình cất nhà mới cho riêng mình, anh Thủy và đồng đội cũng chỉ trao đổi, còn phần lớn mọi việc đều do vợ lo liệu. Nói về điều này, anh Thủy khẳng định: “Mình là bộ đội, dù xa sự chỉ huy của đơn vị nhưng sống trong dân càng phải chấp hành tốt kỷ luật, thực hiện nhiệm vụ trách nhiệm cao hơn. Có như vậy mới được dân tin tưởng, đùm bọc, góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ”.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Thái Bình, Chính ủy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Xác định giúp dân xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị trong thời bình, hơn 20 năm trước, BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương lựa chọn những cán bộ có sức khỏe, khả năng về xây dựng, ý thức kỷ luật tốt để triển khai nhiệm vụ giúp dân kiên cố hóa nhà ở. Từ đó, tổ công tác do Thiếu tá QNCN Nguyễn Đình Thủy làm tổ trưởng thường xuyên bám địa bàn, thực hiện nhiệm vụ được cấp trên giao phó. Các anh luôn được nhân dân yêu quý, góp phần tăng cường tình đoàn kết quân dân nơi biên giới”.