Khu vực kinh tế tập thể cần thay đổi để thích ứng với yêu cầu mới

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng và công bố Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam và tổ chức Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong năm nay.

Năm 2023 là năm cả nước tập trung triển khai nhiều giải pháp quan trọng về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. (Ảnh: CVT/Vietnam+)

Khu vực kinh tế tập thể hiện có gần 8 triệu thành viên với khoảng 30.000 hợp tác xã, 125 liên hiệp hợp tác xã và 71.000 tổ hợp tác. Trong thời gian qua, khu vực kinh tế này có nhiều chuyển biến tích cực trong quá trình phát triển cả về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả.

Tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, ngày 7/4, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết năm 2023 là năm cả nước tập trung triển khai quyết liệt nhiều nhiệm vụ giải pháp quan trọng về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Các nội dung thực hiện bám sát Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XIII để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” và triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ban hành kèm theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 2/2 của Chính phủ.

Tính đến hết năm 2022, các chỉ tiêu về kết quả hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác đều tăng so với năm 2021.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn chỉ ra khu vực kinh tế này đến nay vẫn chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu đề ra cũng như chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng và Nhà nước. Trên thực tế, năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế.

“Hơn nữa, phong trào hợp tác xã gặp nhiều khó khăn và thách thức trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như ảnh hưởng từ những cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng. Những điều này đòi hỏi khu vực kinh tế tập thể phải có sự thay đổi và chủ động thích ứng,” Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra.

Với những yêu cầu đặt ra, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, cho biết phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 là tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện và cụ thể hóa toàn diện Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Theo đó, Ban Chỉ đạo sẽ ban hành và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và các chương trình, kế hoạch thực hiện ở các bộ, ngành, tỉnh ủy, thành ủy. Bên cạnh đó, khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác sẽ được nghiên cứu hoàn thiện.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực Ban Chỉ đạo kiến nghị ngành cần theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Mặt khác, Kế hoạch và Đầu tư cần hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cũng như chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quyết định 1804/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Bên cạnh việc hoàn thiện và và trình Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ban Chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xây dựng và công bố Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam và tổ chức Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong năm nay.

Tại hội nghị, Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng ghi nhận các của nhà khoa học và cho biết Ban Chỉ đạo sẽ có những tham mưu xác đáng cho Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để góp phần tạo chuyển biến tích cực cho khu vực kinh tế tập thể, để các nội dung của Nghị Quyết số 20/NQ-TW sớm đi vào cuộc sống./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/khu-vuc-kinh-te-tap-the-can-thay-doi-de-thich-ung-voi-yeu-cau-moi/855931.vnp