Khu vực nào có giá phát điện mặt trời cao nhất?
Bộ Công Thương vừa phê duyệt khung giá phát điện áp dụng cho loại hình nhà máy điện mặt trời năm 2025
Khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời được quy định theo dự án điện mặt trời mặt đất và điện mặt trời nổi, theo miền và hệ thống có pin tích trữ hay không.

Điện mặt trời là nguồn năng lượng được ưu tiên phát triển trong thời gian tới
Cụ thể, đối với nhà máy điện mặt trời mặt đất không có hệ thống pin tích trữ, mức giá tối đa (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho khu vực miền Bắc là 1.382,7 đồng/kWh; miền Trung là 1.107,1 đồng/kWh; miền Nam là 1.012,0 đồng/kWh.
Đối với nhà máy điện mặt trời nổi không có hệ thống pin tích trữ, mức giá tối đa (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho khu vực miền Bắc là 1.685,8 đồng/kWh; miền Trung là 1.336,1 đồng/kWh; miền Nam là 1.228,2 đồng/kWh.
Đối với nhà máy điện mặt trời mặt đất có hệ thống pin tích trữ, mức giá tối đa (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho khu vực miền Bắc là 1.571,98 đồng/kWh; miền Trung là 1.257,05 đồng/kWh; miền Nam là 1.149,86 đồng/kWh.
Đối với nhà máy điện mặt trời nổi có hệ thống pin tích trữ, mức giá tối đa (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho khu vực miền Bắc là 1.876,57 đồng/kWh; miền Trung là 1.487,18 đồng/kWh; miền Nam là 1.367,13 đồng/kWh.
Căn cứ khung giá phát điện này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị phát điện ký hợp đồng mua bán điện theo quy định.
Hiện, Chính phủ cũng đang xem xét phê duyệt Quy hoạch điện VIII điều chỉnh theo hướng tăng thêm quy mô điện mặt trời và điện gió, nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện được đánh giá chiếm từ 28%-36% trong tổng sản lượng điện vào năm 2030.
Mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, đến năm 2030: điện gió trên bờ và gần bờ tăng thêm so với hiện nay từ 4.100 - 16.000 MW, điện mặt trời tăng từ 25.000 - 52.000 MW so với hiện nay.
Tại tọa đàm "Năng lượng sạch và giải pháp giảm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp (DN)" do Báo Người Lao Động phối hợp với Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) vừa tổ chức, ông Hà Đăng Sơn - chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, cho rằng hiện nay, lượng điện dư thừa từ hệ thống mặt trời mái nhà chỉ được phép bán ra ở mức 10–20% tổng công suất.
Vì vậy, cần xem xét việc nâng mức bán điện vượt ngưỡng 20% để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nguồn năng lượng sạch.
Một giải pháp có thể là doanh nghiệp phối hợp với ngành điện lực, trả thêm chi phí vận hành công suất dưới hình thức thuê bao, cho phép ngành điện vận hành công suất dự phòng và doanh nghiệp được bán phần điện dư nhiều hơn.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khu-vuc-nao-co-gia-phat-dien-mat-troi-cao-nhat-196250411085915323.htm