Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ tầm nhìn 2050 - Bài 2: Ba trụ cột chiến lược cho phát triển vùng
Ba trụ cột hạ tầng - thể chế - con người là nền tảng chiến lược giúp vùng Đông Nam Bộ hiện thực hóa quy hoạch, tạo đà phát triển toàn diện đến năm 2050.

Sân bay quốc tế Long Thành là một trong những dự án hạ tầng chiến lược đóng vai trò then chốt trong kết nối vùng và hội nhập quốc tế.
Hạ tầng kết nối, động lực vật chất cho tăng trưởng vùng
Sau khi Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 370/QĐ-TTg, một giai đoạn phát triển mới đã mở ra cho khu vực được mệnh danh là "trái tim kinh tế" của cả nước. Tuy nhiên, tầm nhìn này sẽ chỉ là khát vọng nếu thiếu hành động cụ thể, quyết liệt và đồng bộ.
Theo các chuyên gia kinh tế vùng, để hiện thực hóa quy hoạch vùng, Đông Nam Bộ cần triển khai chiến lược phát triển trên ba trụ cột cốt lõi: hạ tầng, thể chế, con người. Đây là bộ ba nền tảng có tính chất xuyên suốt, bổ trợ lẫn nhau và nếu được tổ chức đồng bộ, sẽ trở thành động lực dẫn dắt vùng chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh cạnh tranh khu vực và toàn cầu ngày càng gay gắt.
Việc quy hoạch vùng đã nhấn mạnh vai trò của hạ tầng như một trụ cột không thể thiếu trong mô hình phát triển vùng hiện đại. Các dự án giao thông trọng điểm đang và sẽ triển khai trong vùng có tính chiến lược cao, gồm: Sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Biên Hòa - Vũng Tàu, TP HCM - Chơn Thành, Vành đai 3 và 4 TP HCM, cùng tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, hệ thống logistics tại Long Thành, Thị Vải - Cái Mép, Bình Dương…
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Các trục giao thông kết nối vùng hiện đang được triển khai nhanh chóng, đây sẽ là cú hích lớn giúp phát huy thế mạnh cảng biển nước sâu, đưa logistics và công nghiệp tỉnh nhà hòa nhập sâu hơn với chuỗi giá trị khu vực”.
Không dừng ở hạ tầng giao thông, Đông Nam Bộ cần đi đầu trong phát triển hạ tầng số, trụ cột mới của nền kinh tế số. Vùng cần đầu tư đồng bộ vào hạ tầng viễn thông, dữ liệu lớn (big data), trung tâm số, trí tuệ nhân tạo (AI), cùng với các nền tảng quản trị đô thị thông minh. Song song là hạ tầng năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch, điện áp cao, nước sạch và xử lý chất thải công nghiệp, để phục vụ cho sự gia tăng nhanh chóng của dân số đô thị, công nghiệp và dịch vụ hiện đại.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia quy hoạch vùng nhấn mạnh: “Không có hệ thống hạ tầng tích hợp, không thể nói tới một vùng kinh tế hiện đại. Hạ tầng phải đi trước một bước, là nền móng để kích hoạt đầu tư, công nghiệp hóa và đô thị hóa có chất lượng”.
Thể chế liên kết, đòn bẩy thúc đẩy quản trị vùng hiệu quả
Bên cạnh hạ tầng, thể chế điều phối vùng là điều kiện cần để bảo đảm sự phát triển hài hòa và không bị phân mảnh. Trong bối cảnh các địa phương trong vùng vẫn vận hành tương đối độc lập, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm thành lập Ban Điều phối phát triển vùng Đông Nam Bộ với quyền hạn đủ mạnh, có thể chỉ đạo, giám sát, điều tiết chiến lược và các dự án mang tính liên kết vùng.

Đông Nam Bộ cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đào tạo gắn với thị trường.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định: “Liên kết vùng không thể hiệu quả nếu thiếu một cơ chế điều phối mạnh. TP HCM sẵn sàng là hạt nhân phát triển và chia sẻ nguồn lực, nhưng cần một cơ chế đủ sức tập hợp, điều phối để bảo đảm lợi ích chung”.
Để thúc đẩy hiệu quả đầu tư công và phát triển cân bằng, Chính phủ cũng cần xem xét cơ chế ngân sách đặc thù cho các địa phương đầu tàu như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai cho phép chủ động thu hút vốn, thử nghiệm các chính sách đột phá (sandbox) và tăng cường hợp tác công - tư (PPP) trong các lĩnh vực thiết yếu.
Cùng với đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao tính tự chủ của địa phương trong thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, giảm chi phí không chính thức, tăng độ minh bạch, đây là “chìa khóa” để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và cạnh tranh.
Nếu hạ tầng là nền tảng vật chất, thể chế là khung vận hành, thì con người chính là trung tâm và động lực dài hạn của quá trình phát triển vùng.
Để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, Đông Nam Bộ cần đẩy mạnh đào tạo gắn với nhu cầu thị trường, thông qua liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp, cơ quan quản lý, trong các lĩnh vực như: logistics, tài chính, công nghệ cao, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết: “Chúng tôi đang triển khai các chương trình đào tạo liên kết với doanh nghiệp FDI, kết nối khu công nghiệp và đại học. Điều này không chỉ giải “bài toán” nhân lực tại chỗ, mà còn tạo động lực lan tỏa trong cả vùng”.
Song song đó, cần xây dựng cơ chế thu hút chuyên gia, trí thức Việt kiều và nhà khoa học quốc tế bằng chính sách đãi ngộ linh hoạt, nhà ở, môi trường làm việc sáng tạo, cơ hội phát triển sự nghiệp.
Đặc biệt, các thành phố lớn như TP HCM, Biên Hòa, Thủ Dầu Một cần được quy hoạch trở thành đô thị học tập, trung tâm tri thức với hệ sinh thái học tập suốt đời, đổi mới sáng tạo thường trực và lan tỏa.
Phát triển liên kết vùng, đòn bẩy then chốt cho tăng trưởng bền vững
Ba trụ cột sẽ không thể phát huy trọn vẹn nếu thiếu một không gian phát triển liên kết vùng thực chất. Liên kết vùng không chỉ là kết nối hạ tầng, mà là phối hợp chiến lược giữa các địa phương, phân vai hợp lý, chia sẻ nguồn lực, tránh trùng lắp chức năng và cạnh tranh không lành mạnh.

Hạ tầng là một trong 3 trụ cột chính để vùng Đông Nam Bộ vươn lên trở thành vùng kinh tế, tài chính, sáng tạo hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo định hướng quy hoạch, cần phân chia vai trò theo cụm chức năng, theo đó; TP HCM sẽ trở thành trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo, dịch vụ quốc tế, giáo dục, y tế chất lượng cao; Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thành cụm công nghiệp công nghệ cao, logistics, năng lượng, cảng biển; Tây Ninh, Bình Phước sẽ trở thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, kinh tế biên giới.
Trong bối cảnh tái cơ cấu đơn vị hành chính, có thể xem xét mô hình liên kết hoặc hợp nhất hành chính giữa một số địa phương, đây có thể là cơ sở hình thành các đơn vị hành chính, kinh tế đặc thù, giúp quản trị hiệu quả hơn, phân bổ đầu tư hợp lý và tổ chức không gian phát triển tích hợp.
TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế đánh giá: “Liên kết vùng phải đặt trên nền tảng thể chế đủ mạnh và cam kết hợp tác thực chất. Không có quy hoạch tích hợp, vùng sẽ tiếp tục phát triển manh mún, thiếu lan tỏa”.
Một trụ cột quan trọng của phát triển vùng là thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng tới giá trị gia tăng cao. Thay vì ưu tiên số lượng, Đông Nam Bộ cần xác định rõ danh mục lĩnh vực ưu tiên: bán dẫn, công nghiệp sạch, công nghệ số, logistics quốc tế, giáo dục, y tế chất lượng cao, du lịch xanh.
Các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo, khu tài chính quốc tế, khu chế xuất thông minh cần được quy hoạch bài bản, đồng bộ hạ tầng và có cơ chế vận hành linh hoạt, phù hợp chuẩn mực toàn cầu.
Đi đôi với đó là nhiệm vụ then chốt: cải thiện môi trường đầu tư, thông qua minh bạch hóa quy trình, cắt giảm chi phí không chính thức, tăng cường đối thoại doanh nghiệp, chính quyền và nâng cao năng lực quản lý công.
Chỉ khi doanh nghiệp yên tâm với môi trường đầu tư minh bạch, ổn định và có thể dự đoán dài hạn, vùng mới duy trì được sức hút, tránh nguy cơ dịch chuyển dòng vốn sang các thị trường cạnh tranh trong khu vực.
Hiện nay, vùng Đông Nam Bộ đang đứng trước cơ hội vàng để khẳng định vị thế trung tâm kinh tế, tài chính, sáng tạo hàng đầu của cả nước và khu vực. Tuy nhiên, cơ hội chỉ thành kết quả khi có hành động bài bản, đồng bộ và thực chất.
Ba trụ cột “hạ tầng - thể chế - con người”, nếu được đặt trong một hệ sinh thái liên kết vùng chặt chẽ và thu hút đầu tư có chọn lọc, sẽ trở thành bệ phóng chiến lược để hiện thực hóa Quy hoạch 370/QĐ-TTg. Chỉ khi đồng bộ ba trụ cột ấy, Đông Nam Bộ mới có thể không chỉ dẫn dắt kinh tế Việt Nam, mà còn vươn tầm khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong kỷ nguyên mới.
Việc tái cấu trúc hành chính, phân vai chiến lược và thiết lập thể chế điều phối đủ mạnh sẽ là tiền đề để Đông Nam Bộ vươn lên trở thành vùng kinh tế, tài chính, sáng tạo hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2050.