TP.HCM phản ứng nhanh, giữ mục tiêu tăng trưởng 8,5%

Việc Mỹ hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày cùng với các tín hiệu lạc quan khác cho thấy TP.HCM có thêm cơ sở để nỗ lực hướng đến mục tiêu tăng trưởng ở mức 8,5% trong năm 2025.

Việc chính quyền Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế đối ứng lên đến 46% với hàng hóa từ Việt Nam (VN) từ ngày 9-4, sau đó tạm hoãn 90 ngày kế hoạch này đã có tác động đến việc dự báo tình hình tăng trưởng của TP.HCM. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ThS Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), nhận định: Các chuyển động mới nhất cho thấy từ nay đến hết quý II-2025, TP.HCM có thêm cơ sở để nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8,5% trong năm nay, hướng đến tăng trưởng hai con số trong trung và dài hạn.

TP.HCM đã phản ứng rất kịp thời

. Phóng viên: Thưa bà, những diễn biến về chính sách thuế của Mỹ trong gần 10 ngày qua đã tác động như thế nào đến dự báo tình hình tăng trưởng kinh tế - xã hội của TP.HCM trong năm 2025?

 ThS Nguyễn Trúc Vân

ThS Nguyễn Trúc Vân

+ ThS Nguyễn Trúc Vân: Ngay sau khi có thông tin Mỹ sẽ áp thuế đối ứng 46% từ ngày 9-4 (theo giờ Mỹ), lãnh đạo TP.HCM đã xác định rõ tính chất quan trọng của sự kiện này. Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của các doanh nghiệp TP. Chỉ tính riêng năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM sang Mỹ đạt mức cao nhất với 7,4 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng đạt 24,27%. Nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thị trường TP.HCM cũng rất lớn.

Vì vậy, lãnh đạo TP đã chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan rà soát, đánh giá tình hình và tìm giải pháp trước tình hình mới. Ví dụ, Sở Công Thương TP.HCM đã cấp bách gặp doanh nghiệp, nắm bắt tác động Mỹ áp thuế mới và lắng nghe các đề xuất, kiến nghị phù hợp. Sở này cũng ngay lập tức có báo cáo đánh giá tác động về việc Mỹ áp thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với khó khăn.

 Chủ tịch UBND TP.HCM gặp gỡ chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp bàn về giải pháp tăng trưởng kinh tế TP.HCM trước chính sách thuế quan của Mỹ. Ảnh: THUẬN VĂN

Chủ tịch UBND TP.HCM gặp gỡ chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp bàn về giải pháp tăng trưởng kinh tế TP.HCM trước chính sách thuế quan của Mỹ. Ảnh: THUẬN VĂN

Song song đó, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Tăng trưởng kinh tế TP.HCM trước tác động của chính sách thuế quan mới của Mỹ”. Tại đây, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã trình bày báo cáo tác động của chính sách thuế từ Mỹ với mục tiêu tăng trưởng hai con số của TP.HCM. Có ba kịch bản được đưa ra, bao gồm: Nếu Mỹ áp thuế đối ứng 46% thì tăng trưởng kinh tế TP năm 2025 khoảng 4,63%-5,75%; nếu áp thuế 25% thì TP tăng trưởng 6,23%-7,35% và nếu áp thuế 10%-15% thì TP tăng trưởng 7,37%-8,49%. Điều đó cho thấy TP đã rất chủ động, quyết liệt và nhanh chóng trong việc tìm ra các giải pháp để thích ứng tình hình mới.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ hoãn việc áp thuế đối ứng lên một số nước 90 ngày, trong đó có VN thì kịch bản tăng trưởng kinh tế của TP kỳ vọng sẽ ở mức tăng trưởng 7,37%-8,49%. Như vậy, mục tiêu của TP ở mức 8,5% vẫn có thể đạt được khi kịch bản tích cực nhất diễn ra trong năm 2025 với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, ít nhất là cho tới khi Mỹ và VN đạt thỏa thuận mới trong ba tháng tới hoặc chính quyền Mỹ ra tuyên bố khác.

Thêm cơ sở để giữ mục tiêu tăng trưởng 8,5%

. Nói như vậy là TP.HCM sẽ tiếp tục nỗ lực để giữ mục tiêu tăng trưởng 8,5%?

+ Có thể nói là như vậy, thậm chí nếu mọi chuyện tích cực hơn thì TP có thể tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng hai con số (tức từ 10% trở lên) ở giai đoạn tiếp theo.

Việc ông Trump hoãn áp thuế 90 ngày là tín hiệu lạc quan. Cùng với đó, Mỹ và VN có mối quan hệ tốt đẹp, nhất là khi hai nước đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, chuẩn bị kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ.

Đảm bảo các chính sách “an dân”

Trong khi chú trọng vào các chính sách vĩ mô để ứng phó với những biến động như việc Mỹ áp thuế, TP.HCM cũng cần triển khai song song các chính sách để trấn an người dân, doanh nghiệp như đảm bảo chính sách an sinh xã hội, giúp đỡ người lao động, hỗ trợ cho doanh nghiệp chịu tác động từ tác động bên ngoài. Khi người dân an tâm, doanh nghiệp tin tưởng, đảm bảo sự đồng thuận cao thì việc thực thi các chính sách kinh tế - xã hội sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.

ThS NGUYỄN TRÚC VÂN

Phía VN khi tiếp nhận thông tin áp thuế đối ứng 46% đã bình tĩnh, nhanh chóng, thiện chí đưa ra các chủ trương đàm phán và phía Mỹ cũng dành những không gian đàm phán tích cực cho cả hai bên. VN từ năm 2024 đã có chủ trương giảm thâm hụt thương mại song phương, cụ thể là cam kết tăng nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ nước bạn, trong đó có những hợp đồng giá trị lớn.

Mặt khác, từ nay cho tới khi hết hạn 90 ngày hoặc hai bên có kết quả đàm phán, các doanh nghiệp VN, đặc biệt là các doanh nghiệp TP.HCM, sẽ chủ động tận dụng thời gian quý báu này để: (i) Một mặt điều chỉnh chiến lược, mục tiêu, phương pháp kinh doanh; mặt khác sẽ (ii) duy trì, thúc đẩy các cơ hội hợp tác hiện hữu và mở rộng đối tượng khách hàng mới, không để tắc nghẽn dòng chảy cung ứng hàng hóa.

Từ những lý do đó, tôi tin việc TP.HCM kiên định trong giữ vững các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế - xã hội là hoàn toàn có cơ sở, dù thách thức đã nhiều hơn trước. Mục tiêu ấy cũng cho thấy cam kết của lãnh đạo TP về tinh thần không ngại khó, chủ động và linh hoạt để thích ứng với những biến động xung quanh.

Tăng trưởng dài hạn: Những “biến số” quan trọng

. Những biến số nào từ bên ngoài có thể tác động đến kinh tế - xã hội TP?

+ Thứ nhất, thời hạn đàm phán 90 ngày không phải quá dài, chúng ta có thể giữ mục tiêu tăng trưởng hiện nay đến hết quý II-2025. Tuy nhiên, hiện nay tâm lý của nhà đầu tư, sự bất an của thị trường thương mại quốc tế đã cao hơn trước sau khi Mỹ tuyên bố về thuế, hãy nhìn biến động thị trường chứng khoán sẽ rõ. Điều đó ít nhiều sẽ khiến một số doanh nghiệp, nhà đầu tư có tâm lý phòng thủ.

Ngoài ra, vì đặc thù về thể chế và cách ban hành chính sách, các quyết định về rào cản thuế quan, các quyết sách kinh tế từ chính quyền Mỹ và một số nước khác trong giai đoạn hiện nay được giới chuyên gia dự báo là khó lường. Điều đó cũng đặt ra thách thức đối với khả năng linh hoạt, ứng biến chính sách từ phía VN.

Một thách thức nữa là các áp lực từ rủi ro an ninh quân sự và kinh tế từ bên ngoài, điển hình là cuộc chiến Nga - Ukraine, chiến tranh ở Trung Đông và việc Mỹ - Trung áp thuế nhau lên đến mức 125%. Đây đều là các biến số tác động đến VN nói chung và TP nói riêng, cần được ước tính, dự báo để có phương án ứng phó.

. Còn về những vấn đề nội tại thì sao, thưa bà?

+ Ngay cả khi không có yếu tố từ tuyên bố đánh thuế đối ứng của Mỹ thì để đạt được tăng trưởng 8,5% trong năm 2025, hay tăng trưởng hai con số trong trung và dài hạn thì TP.HCM phải đảm bảo thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ.

Các công việc này đã được lãnh đạo TP triển khai từ cuối năm ngoái, giám sát và đốc thúc từ đầu năm đến nay. Ví dụ nổi bật là các hoạt động cải cách hành chính phải tiếp tục quyết liệt và có hiệu quả hơn nữa; thúc đẩy thực hiện các đề án lớn của TP như trung tâm tài chính quốc tế, thực hiện Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh đầu tư công, đảm bảo tiến độ các công trình trọng điểm về hạ tầng, giao thông, nhà ở…

Một vấn đề khác cũng rất thời sự đó là sáp nhập TP.HCM với Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Việc này mở ra rất nhiều cơ hội, không gian phát triển cho TP.HCM trong thời gian tới. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu trước và mới sáp nhập, phải cần thời gian ổn định tổ chức, bộ máy, quy hoạch lại các không gian và lĩnh vực phát triển (mũi nhọn hay ưu tiên), điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế… Đây cũng là những biến số quan trọng để xác định mục tiêu tăng trưởng của TP trong thời gian tới.

. Xin cảm ơn bà.

Bốn nhóm giải pháp tổng thể thúc đẩy tăng trưởng

Bốn nhóm giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng gồm: (i) Các giải pháp về xuất nhập khẩu; (ii) Giải pháp giải quyết các rào cản liên quan đối với hàng hóa nhập khẩu; (iii) Giải pháp về thúc đẩy tiêu dùng nội địa và (iv) Giải pháp về thu hút đầu tư.

Lưu ý một số nhiệm vụ quan trọng trong gói bốn giải pháp này như tăng cường kiểm soát “gian lận xuất xứ”; nhập khẩu các mặt hàng công nghệ cao từ Mỹ; đa dạng hóa thị trường thương mại; xem xét bãi bỏ các quy định về cấm nhập khẩu một số loại hàng hóa mà Mỹ quan tâm; mở rộng không gian kinh tế TP bao gồm mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa đi khắp cả nước và các nước lân cận; cải thiện môi trường kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư FDI...

ĐỖ THIỆN thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/tphcm-phan-ung-nhanh-giu-muc-tieu-tang-truong-85-post844351.html