Khu vực nào có nguy cơ lũ quét, ngập úng cao nhất sau bão số 3?

Sau bão số 3, người dân cần đề phòng một số cây có thể vẫn chưa đứt hết chân trong đợt gió mạnh vừa qua, có thể đổ khi có tác động. Do mưa lớn kéo dài nên rất nhiều điểm có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.

Tâm điểm nguy cơ lũ quét là Yên Bái

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo từ ngày 8-9/9, hoàn lưu sau bão số 3 sẽ gây mưa lớn cho cả khu vực các đồng bằng, trung du và vùng núi phía Bắc, với lượng mưa trung bình trong 24 giờ có thể lên tới 100-150mm, có nơi có thể trên 200mm.

Nguy cơ cao xảy ra lũ trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương, trong đó đặc biệt cần lưu ý: Các sông nhỏ ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình lũ có thể lên mức báo động 2 đến báo động 3. Lũ trên sông trên các sông Ngòi Thia (Yên Bái), Sông Bôi (hòa Bình), Hoàng Long (Ninh Bình) lên trên mức báo động 3; hạ lưu sông Lục Nam lên mức báo động 2.

Hoàn lưu bão số 3 gây mưa rất lớn, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.

Hoàn lưu bão số 3 gây mưa rất lớn, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, thành phố và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ do mưa lớn, đặc biệt tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội.

Nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đối với các tỉnh: Lạng Sơn (11 huyện), Bắc Kạn (6 huyện), Thái Nguyên (9 huyện), Bắc Giang (8 huyện), Vĩnh Phúc (5 huyện), Hòa Bình (11 huyện), Phú Thọ (9 huyện), Tuyên Quang (6 huyện), Yên Bái (9 huyện), Sơn La (8 huyện), Lai Châu (3 huyện), Lào Cai (4 huyện).

Yên Bái là địa phương có mức cảnh báo cao nhất về lũ quét, sạt lở đất. Trong 24 giờ qua, do ảnh hưởng mưa bão số 3 tại Yên Bái dã có mưa rất to, tổng lượng mưa đo được phổ biến từ 100-250mm, đặc biệt có nơi trên 400mm (huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn). Mực nước sông Ngòi Thia, Ngòi Hút dao động trên mức báo động 2; sông Thao tại Yên Bái trên báo động 1 0,66m.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới qua khu vực Bắc Bộ nối với hoàn lưu của vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 3 nên từ đêm 8/9 đến ngày 11/9 ở khu vực Yên Bái tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 150-300mm, có những điểm trên 400mm.

Nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông suối, khu đô thị đặc biệt tại các huyện: Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, TP. Yên Bái. Độ ẩm đất trên toàn bộ tỉnh Yên Bái đang ở mức bão hòa, lũ quét, sạt lở đất đang được cảnh báo ở mức rất cao và tiếp tục duy trì trong 24 giờ tới.

Đề phòng nguy cơ bão chồng bão

Chiều ngày 8/9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đặc biệt lưu ý nguy cơ cao xảy ra lũ trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương. Người dân cần đề phòng một số cây có thể vẫn chưa đứt hết chân trong đợt gió mạnh vừa qua, có thể đổ khi có tác động.

Thêm vào đó, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhấn mạnh lũ quét, sạt lở là điều đáng rất đáng lo, mưa nhiều nơi đã ở vào khoảng 200-300mm nên bà con cần chú ý các khu vực đã xác định nguy cơ cao, tạm thời không di chuyển qua. Những ngày tới vẫn còn mưa, bà con nên lưu ý khi qua sông suối, đập tràn và nên hạn chế hoặc dừng các hoạt động mưu sinh đi vào rừng.

Ngoài ra, vị đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết trong thời gian tới không loại trừ khả năng sẽ có bão chồng bão và trung tâm vẫn đang theo dõi sát sao.

Hiện nay, vùng biển ngoài khơi Philippines đang tồn tại hai vùng áp thấp nhưng theo các chuyên gia, còn rất xa để nhận định về khả năng hình thành bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông từ các vùng áp thấp này.

Ngoài ra, trong nửa cuối tháng 9, trên Biển Đông có thể hình thành dải hội tụ nhiệt đới. Trên dải hội tụ nhiệt đới này có thể xuất hiện các nhiễu động mạnh lên thành bão/áp thấp nhiệt đới.

Ông Mai Văn Khiêm dự báo từ nay đến hết năm 2024 còn khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó khoảng 3-4 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Bên cạnh đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và các đơn vị dự báo ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến mưa, lũ tại các khu vực nêu trên và cung cấp thông tin chi tiết, kịp thời cho các cơ quan phòng chống thiên tai của Trung ương và các địa phương để có biện pháp chỉ đạo, điều hành, ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Miền Bắc nước ta vừa hứng chịu cơn bão mạnh nhất 30 năm qua đổ bộ. Đến sáng nay, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão YAGI tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực tỉnh Sơn La, dự báo tan dần trong đêm nay.

Cập nhật con số thiệt hại mới nhất tính đến 14h chiều nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết bão số 3 đã làm 14 người chết, trong đó do bão là 8 người, do sạt lở đất là 6 người. 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh.

Tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng. - Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 7.394 nhà ở bị hư hỏng; 05 đoạn đường dây 500KV, 31 đường dây 220kV, 97 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,…

Về nông nghiệp, bão số 3 làm 97.735 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại, 11.746 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 6.902 ha cây ăn quả bị hư hại; trên 1.100 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh).

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khu-vuc-nao-co-nguy-co-lu-quet-ngap-ung-cao-nhat-sau-bao-so-3-169240908152527875.htm