Khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang: Nông dân tránh nôn nóng xuống giống vụ lúa hè thu

Thời điểm này bước vào đầu mùa mưa, nông dân tại các huyện, thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang đang chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu. Để đảm bảo lúa phát triển tốt, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân tránh nôn nóng xuống giống sớm khi chưa đảm bảo các điều kiện.RỤC RỊCH XUỐNG GIỐNG

Sau cơn mưa lớn vào chiều 8-5, nhiều nông dân ở các huyện, thị phía Đông của tỉnh đã bắt tay vào làm đất để chuẩn bị gieo sạ vụ lúa hè thu. Ghi nhận tại huyện Gò Công Tây vào sáng 9-5, nhiều nông dân đã ra đồng để chuẩn bị gieo sạ lại.

Đang hì hục làm mương phèn trên mảnh ruộng 5 công của gia đình, anh Nguyễn Văn Út (ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây) cho biết: “Tranh thủ đám mưa chiều qua ruộng có nước nên tôi làm mương phèn. Lịch thời vụ Nhà nước đã đưa ra rồi. Chủ máy cày chưa thông báo ngày nào sẽ cày, nhưng tôi cũng phải tranh thủ làm trước. Vụ này, 5 công đất này tôi sẽ gieo sạ giống lúa Hương Châu 6”.

Anh Út làm đất chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu.

Anh Út làm đất chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu.

Tương tự, thời điểm này, nông dân trên địa bàn TX. Gò Công cũng đang chuẩn bị làm đất để gieo sạ vụ lúa hè thu. Ông Trần Văn Hiếu (xã Tân Trung, TX. Gò Công) cho biết, dù mới xuất hiện đám mưa đầu mùa, nhưng do ruộng ở gần kinh lớn nên trong những ngày tới, ông sẽ bắt đầu làm đất để xuống giống vụ lúa hè thu. “1 ha đất của gia đình vụ này sẽ sạ giống Đài Thơm 8. Tôi hy vọng những ngày tới mưa sẽ thường hơn; bởi nếu mưa rồi mà nắng lại, lúa sẽ không phát triển tốt” - ông Hiếu chia sẻ.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, các cơ quan chuyên môn đã dự báo, năm 2023 lượng mưa sẽ ít, kết thúc sớm và không có mưa trái mùa. Đặc biệt là có sự chuyển tiếp của hiện tượng El Nino, dự báo tình hình hạn, mặn sẽ xấp xỉ năm 2016 hoặc như năm 2020. Mùa mưa năm nay đến trễ, thời gian có đủ nước ngọt phục vụ sản xuất chỉ khoảng 9 tháng nên không đủ thời gian để bố trí sản xuất 3 vụ (do các huyện, thị phía Đông sử dụng giống lúa chất lượng cao, thời gian sinh trưởng trên 100 ngày). Trước tình hình này, để sản xuất an toàn, năm 2023 nông dân cần thực hiện cắt vụ lúa thu đông 2023 (chỉ sản xuất 2 vụ/năm ăn chắc).

KHÔNG ĐƯỢC NÔN NÓNG

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, căn cứ dự báo khí tượng thủy văn và điều kiện phục vụ sản xuất, ngành Nông nghiệp thống nhất khung lịch thời vụ sản xuất lúa hè thu 2023 cho vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công từ ngày 15 đến 25-5, sau khi mùa mưa chính thức bắt đầu.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình khí tượng thủy văn diễn biến phức tạp, mùa mưa năm 2023 đến trễ hơn so với dự báo, độ mặn trên sông còn ở mức cao. Đến nay, cống Xuân Hòa (độ mặn ngày 8-5 là 2,2 g/l) vẫn chưa thể lấy nước, mực nước đồng rất thấp… nên không thể đủ nguồn nước ngọt để phục vụ gieo sạ vụ lúa hè thu 2023 ở các huyện, thị phía Đông như dự kiến.

Hiện độ mặn vẫn còn duy trì ở mức khá cao.

Hiện độ mặn vẫn còn duy trì ở mức khá cao.

Để đảm bảo sản xuất lúa an toàn, hiệu quả, Sở NN&PTNT điều chỉnh khung lịch thời vụ gieo sạ lúa hè thu 2023 ở vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công từ ngày 20 đến ngày 30-5 sau khi mùa mưa chính thức bắt đầu và cống Xuân Hòa lấy nước ổn định để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất. Nếu mùa mưa đến sớm và nguồn nước ngọt dồi dào, diện tích đầu nguồn nước có thể xuống giống sớm hơn khung lịch thời vụ nêu trên, nhưng phải xuống giống đồng loạt tập trung và quản lý chặt chẽ sâu bệnh.

Theo Sở NN&PTNT, hiện nay, một số nông dân tại các huyện Gò Công Tây và Gò Công Đông đã xuống giống với diện tích 243,45 ha (sạ khô). Trong đó, huyện Gò Công Tây hơn 122 ha, huyện Gò Công Đông 121 ha. Theo Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông, những diện tích nông dân sạ khô tập trung tại xã Tân Điền. Người dân nơi đây có truyền thống sạ khô từ nhiều năm nay.

Để đảm bảo sản xuất lúa vụ hè thu 2023 an toàn, Sở NN&PTNT đã đề nghị các địa phương tuyên truyền, vận động người dân chỉ xuống giống lúa khi có đủ nước ngọt. Một trong những giải pháp quan trọng là tổ chức tuyên truyền và quản lý chặt chẽ tránh để xảy ra tình trạng người dân nôn nóng xuống giống sớm khi xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, dẫn đến thiệt hại do phèn, thiếu nước đầu vụ.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Văn Mẫn, từ ngày 9-5, mưa trên địa bàn tỉnh sẽ tăng về lượng cũng như xuất hiện trên diện rộng. Lịch thời vụ gieo sạ vụ lúa hè thu cho các huyện, thị phía Đông đã được Sở NN&PTNT đưa ra, tuy nhiên, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để có điều chỉnh kịp thời, đảm bảo gieo sạ không bị thiệt hại.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ thăm đồng kiểm tra tình hình xuống giống lúa hè thu 2023 tại các huyện, thị phía Đông. Đồng thời, phối hợp địa phương theo dõi quản lý chặt chẽ các diện tích đã xuống giống; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ lịch thời vụ khuyến cáo, chỉ xuống giống lúa khi có đủ nước ngọt, tránh nôn nóng xuống giống sớm khi xuất hiện những cơn mưa đầu mùa. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường tập huấn đầu vụ để chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp giảm chi phí sản xuất, vừa đảm bảo năng suất cây trồng và bảo vệ môi trường.

TRỌNG ĐẠT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202305/khu-vuc-phia-dong-cua-tinh-tien-giang-nong-dan-tranh-non-nong-xuong-giong-vu-lua-he-thu-978472/