Khu vực tư nhân có vai trò quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam
Sáng ngày 30/8, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ và một số tổ chức quốc tế tổ chức hội thảo về sự tham gia của khu vực tư nhân trong Chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam nhằm điểm lại những tiến bộ, cơ hội và thách thức làm cơ sở đưa ra các định hướng chiến lược tiến tới 'Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030'.
Hiện nay, nguồn tài trợ quốc tế giảm mạnh cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đang là một thách thức lớn đối với Chính phủ trong việc đảm bảo duy trì Chương trình phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu 90- 90 -90 vào năm 2020 do Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS đề ra và kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Trong những năm vừa qua, ngoài nguồn lực tài chính từ Bảo hiểm Y tế và Ngân sách Nhà nước, việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân đóng góp cho các hoạt động tạo cầu, cung cấp hàng hóa và dịch vụ HIV cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng để duy trì chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế - Tiến sĩ Trương Quốc Cường cho biết: “Trong suốt thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm, triển khai rất nhiều biện pháp phòng chống HIV/AIDS. Hơn 200 văn bản, quy định được ban hành, trong đó nhiều nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng, của Bộ Y tế giúp chúng ta hoàn thiện quy định pháp lý.
Các mô hình hoạt động chuyên môn phòng chống HIV/AIDS cũng được triển khai một cách toàn diện, phong phú và cập nhật một cách có hiệu quả. Nhờ đó, trong 10 năm qua số người bị nhiêm HIV đã giảm đáng kể, khoảng trên 400.000 được dự phòng không bị nhiễm HIV, 150.000 thoát khỏi tử vong do AIDS”.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đánh giá cao vai trò của khu vực tư nhân trong Chương trình phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Bên cạnh các cơ sở y tế công, hệ thống tư nhân cũng tham gia tích cực trong việc phòng và điều trị HIV/AIDS. Hiện nay, ước tính khoảng 10.000 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở tư nhân, trong khi nhà nước 148.000 bệnh nhân.
Đặc biệt, hệ thống tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị phơi nhiễm, cả nước hiện nay có khoảng 3.000 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có khoảng 75 % số bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở y tế tư nhân. Các doanh nghiệp y tế tư nhân trong nước cũng đã tham gia tích cực trong việc cung ứng thuốc, gia dụng điều trị HIV/AIDS.
Đánh giá về việc các tổ chức kinh tế tư nhân có nhiều vượt trội khi tham gia vào phòng chống AIDS, ông Nguyễn Hoàng Long – Cục Trưởng Cục Phòng, Chống HIV/AIDS cho rằng: “Khu vực tư nhân thì có 1 số lợi thế, thứ nhất là dễ tiếp cận, trong đó có vấn đề liên quan đến địa lý như gần dân, gần người bệnh tính thông tin bảo mật cao, quy trình thủ tục đơn giản. Đặc biệt, các tổ chức tư nhân rất linh hoạt và năng động có nhiều mô hình mới”.
Cục Trưởng Cục Phòng, Chống HIV/AIDS cũng cho rằng về lâu dài thì chắc chắn chúng ta vẫn phải tiếp tục phát huy vai trò của khu vực tư nhân vì phòng chống HIV/AIDS là một biện pháp đặc thù, đây vẫn là bệnh kỳ thị trong xã hội, vì thế tư nhân sẽ có thuận lợi là dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là tiếp cận cộng đồng.
“Và cơ sở y tế nhà nước mà không có tư nhân tham gia thì rất là khó. Thế nên là về lâu dài chúng ta vẫn cần có sự tham gia này, nhưng làm sao cho nó bền vững hơn. Cụ thể là phải có cơ chế rõ ràng, nguồn tài chính lâu dài”, ông Nguyễn Hoàng Long cho biết.
Bà Kimberly Green – Giám đốc Dự án Healthy Markets, Giám đốc Toàn cầu của PATH về HIV/TB cho biết:“Sự tham gia của khu vực tư nhân chính là một cột mốc quan trọng trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Năm 2014, khoảng 80% các quỹ tại Việt Nam đến từ các nhà tài trợ nước ngoài. Và đã đến lúc cần thiết phải khuyến khích huy động nguồn tiền trong nước và nó đến từ sự tham gia đóng góp đặc biệt là về mặt tài chính của khu vực tư nhân tại Việt Nam. Với sự lãnh đạo của Bộ Y tế, Cục phòng chống HIVAIDS chúng tôi cùng nhau thực hiện các dự án và nhận định sự đóng góp to lớn của khu vực tư nhân, đặc biệt về mặt tài chính”.