Khu vườn của má

Có tiếng gà mẹ cục tác gọi con, rồi như có tiếng xe máy anh Hai vừa đi làm về trước ngõ, rồi tiếng con chị ra đón ba thì phải. Chị Hậu giật mình nhìn lên thì thấy má đã ra chỗ ảng nước mỉm cười chờ chị rồi. Hương bồ kết vẫn đượm lên trên bếp củi đun từ lá tre theo gió tỏa khắp mọi ngóc ngách. Chị chưa bao giờ cảm thấy yêu khu vườn này đến vậy. Bữa cơm tối nay má đã bắc nồi cá kho quẹt lên rồi!

Má bắc nồi cá kho lên bếp củi, vừa khom người hì hục thổi lửa vừa ho sằng sặc. Nhà có bếp ga đã lâu, nhưng má vẫn nấu ăn bằng bếp củi mỗi ngày. Má bảo nấu bếp ga má ăn không ngon miệng, cái mùi tro trấu quyện với mùi than củi mới làm má thấy ngon. Má nói thế cũng có thể đúng, nhưng cũng có thể má tiếc mớ rơm mớ củi trong vườn nhà hoặc cũng có thể để tiết kiệm tiền ga cho con cái. Nhưng khổ nỗi, chỗ má bắc bếp củi nấu là nhà bếp trong ngôi nhà ba tầng kiên cố xây theo kiểu biệt thự Pháp của anh chị Hai mới vừa hoàn thành xong tháng vừa rồi. Chị Hậu vợ anh Hai là dâu không dám nói trước mặt má, nhưng hễ má ra vườn quét lá là chị lại vặn sườn anh Hai chì chiết:

- Biết vậy tôi cho thợ bê tông luôn cái vườn sau nhà cho sạch sẽ, không cây cối, rơm rạ, củi nẻo gì hết. Ai đời nhà biệt thự mà mỗi lần bạn bè đến lại thấy cái bếp củi chình ình ngay cạnh bếp ga. Họ nói tôi là nửa mùa đấy!

Anh Hai không dám cãi, lựa lời to nhỏ:

- Thôi mà em, tháng sau má sang nhà chú Ba ở rồi!

- Ơ hay, mỗi người nuôi má một tháng luân phiên chớ có phải má ở hẳn bên ấy đâu. Anh tính ru… ngủ tôi à! Tôi không muốn mang tiếng con dâu mẹ chồng xích mích nhau. Anh làm gì làm, tháng sau tôi không muốn thấy khói củi ám bếp nhà mình nữa.

Chị Hậu đon đả dắt xe ra ngoài, bỏ lại phía sau anh Hai đang mặt mày méo xệch đứng trông người như bù nhìn rơm sau mùa gặt. Nói cho rành rọt thì lâu nay chị Hậu cũng chẳng bếp núc gì, đường đường là công chức có địa vị, sáng có xe rước đi, tối về anh Hai đã cơm nước đủ đầy chị chỉ việc ăn thôi. Chợ búa, con cái hằng ngày anh Hai lo. Hiếu hỉ hai bên nội ngoại cũng anh Hai liệu.

Trước khi xây nhà má có bảo để lại cho má cái vườn sau nhà để má tự do đi lại chăm bẵm luống rau, con gà. Già rồi, bao năm nhà phên tre nay cứ nghe mùi vôi vữa má lại thấy lạnh người và chua miệng. Thương con thương dâu má mới đồng ý cho đập cái nhà cũ đi, chứ ở đó biết bao nhiêu là kỷ niệm. Má với ba kén duyên rồi về đây sinh sống, rồi thằng Hai, thằng Ba, …rồi đến Út thêm, Út ráng đều ra đời ở nhà này. Ba vắn số đi trước, để lại má với ngôi nhà và khu vườn cùng nhau che chở, nuôi sống bầy con thành người. Tất cả đều chơi đùa, học hành ở vườn này mà lớn nên người như hôm nay.

Minh họa: Đỗ Dũng

Minh họa: Đỗ Dũng

Anh Hai cũng chẳng sĩ diện gì với ai, nhưng nhà đã xuống cấp rồi, phải xây lại. Hơn nữa nhà này thờ phụng ông bà nên anh muốn có thêm chỗ cho con cháu tụ tập mỗi ngày chạp, giỗ. Còn cái vườn anh tính để lại cho má vui. Nhưng kẹt nổi chị Hậu sĩ diện với thiên hạ rằng người có học, làm cao mà nhà lại không có phong cách, không tân tiến chút nào. Chị bảo đốn hết cây trong vườn đi cho đỡ vướng mắt, vướng chân, vướng tai nghe bè bạn vào ra mỗi ngày. Anh Hai không dám cãi. Bởi từ khi chị Hậu lên chức lên quan, và từ khi anh chấp nhận lui về để hỗ trợ vợ đường công danh sự nghiệp thì anh chẳng bao giờ dám cãi ý chị. Phải tội “miệng quan có gang có thép”, dù là “quan bà” thì những lời nói của chị Hậu cũng đã có cái “uy” khác xưa rồi. Dù gì chị Hậu giờ cũng là người gồng gánh kinh tế cho cả nhà mà.

Nhà cũ đập đi xây mới. Má buồn mấy hôm. Lúc xây tường rào tính chặt hết cây trong vườn luôn, xót vườn, xót cảnh, xót những kỷ niệm quặn lên trong lòng, má ra chặn thợ lại, bảo để lại cái vườn cho má ra vô, đừng chặt trụi cây cối bao năm, đừng bê tông hết mà con gà bới gãy móng mấy đứa ơi. Má đứng dang tay như ngày xưa chặn lũ giặc phá làng. Anh Hai sợ quá chạy ra quỳ xuống dưới chân má rồi nói tốp thợ thôi thôi, cứ xây rào nhưng để vườn lại. Chị Hậu từ trên lầu nhìn xuống mặt tối sầm lại nhưng kìm mình chặn cổ họng không lên tiếng. Chỉ còn biết chì chiết anh Hai mỗi đêm.

Má sang nhà anh Ba ở được đúng một ngày. Sáng sớm hôm sau khi gà còn chưa cất tiếng, chị Hậu đã lôi anh Hai khỏi giường ra phía ban công nhìn về phía vườn lên giọng chắc nịch.

- Tôi nói anh nghe nhé, nhân tiện má sang chú Ba tháng sau mới về. Anh gọi thợ đến bê tông cái vườn sau nhà cho tôi. Nhà công chức phải hiện đại, sạch đẹp để còn làm gương với người dân chứ. Sau này má có hỏi cứ nói nông thôn mới người ta không cho để cây cối ùm tùm trong vườn. Mà chuyện đã rồi, chắc má cũng không biểu anh phải cậy bê tông lên mà trồng chuối, trồng tre lại đâu.

Anh Hai mặt còn ngái ngủ, dù từ lâu cũng không muốn bê tông hết cái vườn nhà, nhưng giờ anh sợ vợ nổi tiếng vùng này chẳng ai không biết. Cũng được má cho học hành đàng hoàng, cũng từng làm lương có đồng ra đồng vào với thiên hạ. Nhưng từ khi vợ lên chức to thì chẳng ai thấy anh đi làm nữa. Hàng ngày ở nhà lo cơm nước và đưa đón hai đứa con đi học là chính. Mấy lần đám giỗ chạp, má và mấy em có biểu anh đi làm lại đi. Chứ đàn ông đàn ang mà ai ngược đời thế.

Anh Hai nhìn chị Hậu, chị Hậu hất mặt ra ngoài sân như tìm thứ gì đó. Anh vừa nói vừa nhăn trán như thanh minh rằng anh muốn chăm cho sắp nhỏ “cứng cáp” một chút nữa rồi sẽ đi làm lại. Tụi nó mới vào cấp ba thôi, còn nhỏ dại lắm! Thế nhưng mãi đến khi hai đứa con đã tốt nghiệp cấp ba, rồi đi du học ở nước ngoài hết nhưng cũng chẳng thấy anh Hai đi làm lại. Có ai đó nhắc thì anh cũng ậm ừ, giờ lớn tuổi rồi, có nơi đâu nhận nữa đâu. Thôi ở nhà nội trợ phục vụ gia đình cũng là lao động chính đáng mà! Lúc nào nói đến đấy anh Hai cũng quay mặt đi chỗ khác. Má và các em vẫn cứ giục anh Hai đi làm lại chứ ai đời đàn ông mà để mang tiếng ăn bám bao giờ. Nhưng lòng anh Hai thì cứ như có chân chì kéo xuống, nặng trĩu, buồn thiu!

Sáng nay vợ đã quyết vậy, Anh Hai đành ậm ừ, rồi nhấc máy gọi cho thợ. Chị Hậu thấy vậy yên tâm vào trong thay bộ váy mới trắng tinh. Chị nói phải đi công tác hơn tuần mới về. Chị muốn khi về thì cái vườn sau lát đá nền đã lên vân trắng tinh như màu váy của chị, muốn anh Hai cho thợ lắp thêm một bộ bàn ghế đá, trên bàn có một bức tượng thần vệ nữ ôm bình nước hoặc một bộ đèn đồng kiểu châu Âu để thắp sáng hàng đêm. Ở góc vườn làm một hồ cá Koi với hòn non bộ theo kiểu Nhật. Sẽ có thêm lò nướng và một cái quầy bar nhỏ cạnh tường đặt những chai rượu vang, sâm banh mà lâu nay mỗi độ tết đến hay lễ lạt chị thường được tặng. Nơi này sẽ là nơi để tiếp khách hoặc tổ chức các buổi tiệc có thịt nướng, rượu tây… nó phải phù hợp với phong cách của những vị khách là quan chức hoặc doanh nghiệp hoặc chí ít cũng thể hiện được sự tân thời của một công chức hiện đại.

Chị cảm thấy tất cả những điều đó mới xứng đáng với địa vị chị đang có, đó mới là phong cách thức thời. Chị không coi thường chồng mình, chị vẫn sẽ giới thiệu rằng người lên mọi ý tưởng là chị, nhưng để có được tất cả mọi thứ hoàn hảo này thì chồng chị đã dày công thực hiện. Chị vẫn sẽ ghi công anh với mọi người rằng cũng nhờ bàn tay anh hỗ trợ mà chị có hai đứa con chăm ngoan, học giỏi, có mẹ chồng luôn mạnh khỏe, an vui, có được sự nghiệp bằng bạn bằng người. Thời đại nào rồi chứ, chị muốn mọi người thấy sự hiện đại, sự linh hoạt trong chuyển đổi vai trò của người phụ nữ hôm nay. Chị là chủ gia đình này, chị có cái quyền mà lâu này đàn ông đương nhiên có, rằng: “đằng sau một người phụ nữ thành công luôn có một người đàn ông không nên xấu hổ”. Và như vậy mới xứng đáng với danh hiệu “phụ nữ 2 giỏi” mà công đoàn cơ quan ưu ái tặng cho chị lâu nay.

Tà váy trắng của chị nhún nhảy theo đôi chân tròn lẳn bước lên xe ô tô đi công tác. Cánh cửa xe đóng rầm lại. Chuyến công tác của một phụ nữ tân thời lao nhanh để lại một vệt bánh xe màu đen sắc dài trên nền bê tông trắng toát. Trên ban công, một người đàn ông dáng mảnh khảnh với ánh mắt buồn bã đang đuổi theo từng vệt khói xe xa dần tầm mắt.

*

Má bỏm bẻm nhai trầu miệng đỏ au au nhìn ra phía bụi chuối có con gà mẹ dẫn đàn con thong thả bới gốc tìm giun. Mắt má không còn tỏ như xưa, chân cũng đã yếu. Má ra vườn bằng cái cảm quan của sự thân thuộc. Má biết nếu má có ngã thì cũng có luống rau gốc khoai đỡ lấy má. Má không phải không thích sự tinh tươm, sạch sẽ, hiện đại. Nhưng má muốn các con, các cháu được hít thở mùi của quê hương, chứ không phải là sự ngồn ngộn của mùi vật liệu nhân tạo. Má vừa nhai trầu vừa nghĩ ngợi rồi “chút chút” cho đàn gà đến gần chân mình, rắc thêm cho chúng vài hạt bắp hạt lúa. Má cười ngước nhìn bóng tre cong mình tỏa bóng che mặt trời cho khu vườn của má luôn xanh mát.

Tiếng xe ô tô đanh lạnh phanh kít trước ngõ nhà. Từ trên xe chị Hậu bước xuống cũng với tà váy trắng lúc đi. Chị ngoái đầu lại tươi cười vẫy tay chào ai đó trong xe sau lớp cửa kính đen ngòm. Rồi động tác hôn gió kín kẽ được chị thực hiện quyến rũ theo đúng phong cách người phương Tây hay nói đúng hơn là sự thức thời với phong cách giao tiếp hiện đại. Chiếc va li màu hồng được người tài xế trẻ lom khom trao qua tay chị. Chuyến công tác của người phụ nữ tân thời trở về với gấu váy vẫn nhún nhảy theo từng điệu vui trước ngõ.

Chị bấm chuông nhưng không thấy ai ra mở cửa. Quái lạ, giờ này chồng chị phải đang ở nhà chứ nhỉ. Thôi kệ, chị lấy chìa khóa riêng mở cửa, đôi mắt với hàng mi giả cong vuốt lượn nhanh ra phía vườn trông chờ sự thay đổi sau những lời chị dặn chồng trước lúc đi. Nhưng… chẳng có gì trở nên hoành tráng, diễm lệ hơn như tưởng tượng cả. Thậm chí, mọi thứ còn như có vẻ trở về với đúng cái bản chất của một ngôi nhà ở thôn quê hơn xưa.

Chị rảo nhanh chân ra sau hè suýt vấp phải vài ba cục đất hòn ở giồng đất vừa được ai đó mới đào lên để chuẩn bị trồng khoai. Chị khựng lại giữa chừng khi thấy má ngồi trên chõng tre, mái tóc mây búi gọn đang chăm chút nhìn đàn gà, phía xa chỗ bụi tre, hình như má đang đun một nồi nước bồ kết bằng lá tre quét ở trong vườn. Mùi bồ kết đượm lên thơm nồng cả một khoảng trời con con.

Sao má lại về nhà khi chưa hết tháng nhỉ? Khu vườn “hiện đại” mà chị ấp ủ đâu? Chồng chị đâu? Anh dám không làm theo lời chị ư? Mọi người nên nhớ một tay gồng gánh gia đình này là do chị tất thảy...?

Thấy chị về má lại cười hiền bỏm bẻm:

- Hậu về đó hả con, má nấu nước bồ kết cho bây rồi đây này! Ra ảng má gội đầu cho mát! Đi xa về mệt lắm đúng không con?

- Sao má lại về…, mà chồng con đâu ạ?

- Thằng Hai bảo con nhớ má nên nó qua đón má về đây! Nó nói con muốn được má nấu bồ kết cho gội đầu, kho cá quẹt cho ăn. Nó còn bảo vợ con dạo này thèm rau nhà trồng dữ lắm, má về trồng thêm vài giồng rau cho vợ con hái nhé. À! thằng Hai đi làm lại rồi! Nó xin làm kỹ thuật nông nghiệp ở dưới hợp tác xã hồi đầu tuần. Kể ra vậy nó là cấp dưới của con rồi! Nhưng thời nay chồng thua vợ cũng có gì xấu đâu con ha!

- Ai biểu ảnh đi làm vậy. Nhà này con lo đủ rồi, có thiếu thốn gì đâu chứ?

- Con nói ba đi làm đấy ạ! Nhà này đang dần thiếu không khí gia đình và sẽ thiếu mùi vị quê hương nếu bê tông hết mọi thứ má ạ!

Tiếng của con trai lớn chị Hậu từ trong nhà bước ra. Nó là đứa đã được chị cất công cho đi du học, chị nghĩ nó sẽ rất vui nếu ngôi nhà này được thiết kế theo phong cách hiện đại phương Tây chứ. Nhưng có lẽ mọi thứ không như chị đã nghĩ và cố công sắp đặt lâu nay.

- Má ạ! Không những ba mà cả tụi con cũng sẽ về đây làm việc! Ở những nước tiên tiến chẳng ai đập bỏ vườn nhà mình để cố bắt chước vườn của những nước khác. “Văn hóa là thứ còn lại sau khi tất cả những gì đã mất đi” mà má. Bà nội là hiện thân của cội nguồn văn hóa, truyền thống dân tộc và gia đình. Chúng ta không nên ở với bà theo kiểu tính tháng tính ngày vậy được. Còn ba, ba là đàn ông, vẫn là trụ cột của gia đình trước mọi phong ba bão tố. Nếu ba đập bỏ khu vườn này thì cũng là chính tay ba đang đập bỏ mọi tình cảm gia đình mình lâu nay. Cú điện thoại ba điện hồi đầu tuần sau khi má muốn bê tông hóa khu vườn này chính là điện cho con đấy ạ! Con hiểu ba đang ở vào tình cảnh nào của cuộc đời mình và con cũng muốn má hiểu ba hơn. Ba rất yêu má dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù không thực hiện theo đúng những lời má dặn nhưng ba nói sẽ cố gắng chăm chỉ làm việc để có tiền tự tay đưa má đến những nơi má muốn đến.

Chị Hậu sững người rồi trầm mắt xuống nhìn con, đuôi chiếc váy trắng như thôi nhún nhảy, nó trở nên lạc lõng giữa khung cảnh này. Lời nói của con xoáy sâu vào tâm trí của chị, đánh thức tất cả mọi giác quan. Chị cảm thấy như mình đang bỏ quên thứ gì đó lâu nay. Một thứ gì đó khó gọi bằng lời cụ thể nhưng luôn hiện hữu trong gia đình này. Đó là tình yêu, sự sẵn lòng dang đôi tay đón lấy những giông bão của cuộc đời để bảo vệ những gì thân yêu nhất của má, của anh Hai, của các anh chị em và cả các con của chị bây giờ.

Một ngày nào đó chị cũng sẽ phải nhường cái địa vị mình đang có lại cho người khác. Lúc đó sẽ chẳng còn có những chuyến công tác dài ngày. Những buổi tiệc mang đậm phong cách thượng lưu. Chẳng có những chiếc ô tô sang trọng nào đưa đón. Và những tình cảm mập mờ đầy tính vụ lợi cũng sẽ như vệt khói ô tô bay lên bầu trời rồi biến mất giữa hư không, chỉ để lại trong lòng một vết đen sắc lẹm đau đớn trên nền trắng toát của kiếp nhân sinh. Vậy khu vườn này sẽ đón ai đến nếu nó không còn là nó nữa…

Đó là lúc chị phải trở về. Ai sẽ đón chị? Chắc chắn chỉ có gia đình với tình cảm luôn đong đầy mà thôi. Chị đã đến đây làm con của má, làm vợ của anh Hai, làm chị của các em. Chị đã sinh con tại đây trong ngôi nhà có khu vườn đầy cây lá này. Các con của chị cũng đã lớn lên từ đây với những năm tháng đầy khó khăn của gia đình. Nhưng có má đi cùng, vợ chồng chị cũng đã vượt quá tất cả. Lúc đói lúc no cũng nhờ một mảnh vườn của má với giồng rau luôn xanh tốt, con gà, con vịt say sưa cho quả trứng tròn. Và rồi một ngày nào đó chị cũng sẽ là bà như má bây giờ mà thôi. Và chính hành động của mình hôm nay sẽ là tấm gương phán chiếu cho con mình mai sau mà thôi.

Có tiếng gà mẹ cục tác gọi con, rồi như có tiếng xe máy anh Hai vừa đi làm về trước ngõ, rồi tiếng con chị ra đón ba thì phải. Chị Hậu giật mình nhìn lên thì thấy má đã ra chỗ ảng nước mỉm cười chờ chị rồi. Hương bồ kết vẫn đượm lên trên bếp củi đun từ lá tre theo gió tỏa khắp mọi ngóc ngách. Chị chưa bao giờ cảm thấy yêu khu vườn này đến vậy. Bữa cơm tối nay má đã bắc nồi cá kho quẹt lên rồi!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/khu-vuon-cua-ma-i707218/