Khu vườn Phú Yên xưa
Xuất phát từ ý tưởng muốn giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Phú Yên cho du khách, anh Nghiệp đã sưu tầm, trưng bày trong khuôn viên Gành Đá Đĩa (còn gọi là Ghềnh Đá Đĩa – NV) hàng vạn cối xay đá, gốm Quảng Đức và cổ vật.
Khu du lịch không thu tiền tham quan
Anh Nguyễn Minh Nghiệp (SN 1978, ngụ thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) cho hay, cơ duyên đưa anh đến với việc sưu tầm những món đồ “độc nhất vô nhị” này từ hơn 20 năm trước. Khi đó là một thanh niên làng biển vật lộn tìm kế sinh nhai, anh chế tác các đồ lưu niệm bằng vỏ ốc, đá, gốm... với nhiều kích cỡ, kiểu dáng mang bán cho khách du lịch.
Lời lãi được bao nhiêu, anh rong ruổi khắp các huyện miền núi Phú Yên mua lại các món đồ độc, lạ từ xa xưa. Anh chỉ mua, cất giữ, tích trữ chứ chưa bán lại bao giờ.
Với ước muốn lưu giữ và phát huy giá trị tinh thần, văn hóa, lịch sử của vùng đất Phú Yên cho đời sau, cuối năm 2018, anh âm thầm gõ cửa Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch xin mở khu trưng bày trong khuôn viên Gành Đá Đĩa. Anh kể: “Mình trình bày xong là được Sở đồng ý ngay. “Hồn Xưa” cũng là cái tên mà Giám đốc Sở đặt cho”.
Ngày mùng Một Tết 2019, Hồn Xưa chính thức mở cửa đón khách tham quan, chụp hình miễn phí. Ngoài trưng bày gốm, cối xay đá, đàn đá… Hồn Xưa còn dành hẳn không gian cho loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian bài chòi đặc trưng Trung Bộ.
“Số tiền bỏ ra không nhỏ nhưng ban đầu tôi chưa đặt nặng lợi nhuận. Học sinh, sinh viên có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về đàn đá, cồng chiêng… có thể đến đây, tôi có thể chia sẻ trong khả năng hiểu biết của mình. Riêng bài chòi, tôi mong muốn được phục vụ khách đoàn không chỉ dịp lễ, Tết mà cả ngày thường”, chủ nhân Hồn Xưa bộc bạch.
Ở Hồn Xưa, anh Nghiệp chia thành 4 chủ đề trưng bày gồm: Văn hóa đá, gốm Quảng Đức, đồ kim khí và đồ đan lát. Trong đó kỳ công và giá trị lớn có thể kể như các hiện vật gốm cổ Quảng Đức. Gốm Quảng Đức có từ thế kỷ 17, phát triển rất mạnh vào thế kỷ 18.
Đây được coi là một trong những làng nghề hình thành phát triển sớm nhất Phú Yên. Nguyên liệu làm gốm ngoài đất sét ở An Thạch còn có loại đất sét khai thác từ vùng An Định liền kề. Đất sét đem ủ, pha chế, sàng lọc, băm thật nhuyễn… mất thời gian khá lâu mới có nguyên liệu đạt tiêu chuẩn để làm nên sản phẩm gốm Quảng Đức.
Gây tò mò nhiều trong Hồn Xưa là những bộ đàn đá với đủ thanh sắc, là minh chứng của mảnh đất Phú Khánh xưa (nay tách thành Phú Yên và Khánh Hòa – NV) là địa danh duy nhất trên cả nước có mỏ đá om, chính là bí mật khiến các thanh đá phát ra tiếng kêu, có thể dùng làm nhạc cụ. “Có bộ đàn đá phải đi tìm ở An Xuân, An Lĩnh (Tuy An) mới có, tìm mấy ngàn viên mới được một viên ghép lại cho đủ bộ. Cực lắm...”, anh Nghiệp kể lại.
Xem kỷ vật, hồi tưởng quá khứ
Xếp chồng lên nhau xung quanh Hồn Xưa là 1.100 bộ cối đá, dụng cụ của người dân nông thôn Phú Yên một thời dùng để xay bột làm bánh tráng hoặc làm các loại bánh từ bột gạo, bột nếp... Những vật dụng tưởng như đã bị lãng quên lại xuất hiện ở Hồn Xưa, được bài trí sắp xếp như một triền núi, khiến ai cũng thích thú.
“Tôi đến đây mà như sống lại với tuổi thơ của mình, với những chiếc cối đá gắn bó món bánh làm từ gạo mà năm xưa gia đình tôi ăn hàng ngày”, anh Lâm Thiên, một du khách địa phương nói.
Kể lại chuyện sưu tầm những chiếc cối đá, anh Nghiệp cho hay tìm đến khắp các làng biển, khu dân cư lâu đời, anh phát hiện ra các cối đá xay bột cũ bị vứt lăn lóc cùng các máng đá đựng thức ăn gia súc; anh xin hoặc mua về.
“Tôi cảm nhận được đời sống, văn hóa, cách nghĩ, nét sinh hoạt của người dân làng biển một thời gửi cả vào những vật dụng bằng đá đó. Đá tưởng như vô tri giác, nhưng đá ở Tuy An là hồn đất, tình người nên tôi quyết định sưu tầm lại để lưu giữ một thời kí ức đã từng gắn bó”, anh kể.
Tết 2020 này là tròn một năm anh trưng bày miễn phí Hồn Xưa cho du khách tham quan. Bước vào cơ ngơi đồ sộ, kỳ công này, mọi người được đón tiếp niềm nở và không thu phí; chỉ hy vọng du khách ủng hộ mua nước uống để có ít lời lãi duy trì trông coi, thuyết minh khu trưng bày.
Hơn 20 năm qua, cứ hễ làm được được đồng nào, anh Nghiệp ngược xuôi tìm mua cối đá, cồng chiêng, dụng cụ làm rẫy, đồ trang sức của người đồng bào… “Lúc bấy giờ người ta bảo tôi bảo là khùng. Người ngoài nói ít, người nhà nói nhiều vì mình toàn bỏ tiền làm chuyện không ra hồn, trong khi kinh tế chưa ổn định. Nghe ở đâu có là mình khăn gói đi, không nhớ nổi bao lần đã ngủ ở bìa rừng chờ trời sáng để đi tiếp. Khó có thể tính toán chính xác mình đã bỏ ra bao nhiêu. Nhưng giờ mình trưng bày ở đây thì hoàn toàn miễn phí, người ta lại nói mình “khùng nặng”, anh cười.
Câu chuyện với anh đến đây chưa hết. Anh muốn khu vườn này phải đẹp hơn, đầu tư nhiều hơn, xứng đáng như một bảo tàng tư nhân. “Vốn văn hóa thời nào cũng vậy, phần nhiều ẩn mình trong dân chúng. Tụ lại thành bộ nhóm trưng bày cũng là hiếm có. Tôi chỉ muốn lưu giữ một phần kí ức nào đó của ông cha ta và muốn phát triển Hồn Xưa lớn hơn nữa”, anh Nghiệp nói.
Nói về không gian Hồn Xưa, ông Nguyễn Danh Hạnh (Phó ban Quản lý di tích tỉnh Phú Yên) nhận định: “Tại Phú Yên nói riêng và miền Trung nói chung, có nhiều nhà sưu tầm nhưng tập hợp đến hơn 1.100 cối xay đá, gốm Quảng Đức, cồng chiêng, đàn đá… thì chưa ai có. Hồn Xưa không chỉ lưu giữ giá trị tinh thần mà còn là điểm đến thu hút du khách tham quan Gành Đá Đĩa, tìm hiểu cuộc sống, văn hóa, lịch sử xa xưa của vùng đất này”.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-song-hom-nay/khu-vuon-phu-yen-xua-487997.html