Khuất tất trong khai quật tàu cổ 48 tỉ đồng

Đầu tháng 8-2019, dư luận tỉnh Quảng Ngãi xôn xao trước báo cáo kết quả khai quật tàu cổ đắm (thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn) của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi.

Theo báo cáo, dù Bảo tàng Lịch sử quốc gia (đơn vị chủ trì khai quật) được duyệt chi ngân sách hơn 48 tỉ đồng nhưng kết quả khai quật thu được đa phần mảnh vỡ, xác tàu không thể phục dựng.

Ông Lê Văn Lý, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Hào Hưng (gọi tắt Công ty Hào Hưng - đơn vị phát hiện tàu đắm), cho biết công ty tham gia khai quật tàu đắm theo sự chỉ đạo của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

10.000 hiện vật nhưng đa phần mảnh vỡ

10.000 hiện vật nhưng đa phần mảnh vỡ

"Kết quả khai quật thu được 10.000 hiện vật nhưng đa phần mảnh vỡ là chuyện vô lý. Ai cũng biết trước khi khai quật, các cơ quan chức năng phải khảo sát, đánh giá hiện trạng... mới lên phương án khai quật và được duyệt chi hơn 48 tỉ đồng ngân sách làm kinh phí khai quật. Từ khi phát hiện tàu cổ và báo cáo cơ quan chức năng, chúng tôi không hề đụng chạm gì đến khu vực phát hiện tàu cổ. Khi kết quả khai quật không như mong đợi, họ còn đổ lỗi do quá trình thi công chúng tôi gây ra là không chấp nhận được!" - ông Lý nói.

Theo ông Lý, trong mấy tháng, đơn vị khai quật thuê công ty ông chỉ một máy xáng cạp để múc đất, cát, cổ vật từ dưới biển đổ lên bờ. "Nhìn những cổ vật vỡ nát, ai cũng xót xa nhưng chúng tôi chỉ là đơn vị cung cấp máy móc, thiết bị khai quật, không thể nói được. Làm như thế, cổ vật nào còn!" - ông Lý nói thêm.

Thợ lặn Ng.T cho biết ông được thuê tham gia khai quật tàu đắm Dung Quất, tìm kiếm cổ vật bằng phương pháp thủ công, sau đó dùng máy móc múc lên... Lẽ ra, muốn khai quật hiệu quả phải ngăn xung quanh, hút nước, rồi thổi cát để phát lộ hiện vật.

Dù việc khai quật kết thúc cách đây hơn 3 tháng nhưng toàn bộ 10.000 hiện vật khai quật được bỏ trong 2 container, để cách vị trí phát hiện tàu cổ khoảng 50 m. Cả 2 container chứa 10.000 cổ vật được khóa chặt, dán niêm phong phía ngoài, không người trông coi.

Theo một chuyên gia khảo cổ học dưới nước, việc khảo cổ học dưới nước vô cùng khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro nên việc khai quật chỉ thu được toàn mảnh vỡ cũng có thể chấp nhận được.

"Về nguyên tắc khi khai quật, cổ vật dù lành hay vỡ cũng có giá trị khoa học như nhau. Còn việc anh khai quật được cổ vật nhưng vì cho rằng mảnh vỡ nên để lại hiện trường, không bảo quản đúng cách... mới là lãng phí" - vị chuyên gia nhận định.

Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho biết số cổ vật vẫn còn ở gần hiện trường do đơn vị chủ trì khai quật chưa thanh toán hết tiền thuê máy móc cho đơn vị tham gia nên họ cố tình giữ cổ vật lại làm "con tin". Còn về nguyên nhân vì sao thu về hiện vật đa phần là mảnh vỡ, sở chỉ là đơn vị phối hợp thực hiện nên không nắm rõ.

Ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm vụ việc này. Tuy nhiên, đơn vị chủ trì khai quật là Bảo tàng Lịch sử quốc gia vẫn chưa có văn bản thông tin cho địa phương nên ông chưa thể trả lời cụ thể.

Doanh nghiệp than thiệt hại

Ông Lê Văn Lý, Phó Giám đốc Công ty Hào Hưng, cho biết sau hơn 2 năm tạm dừng xây dựng cảng để lại mặt bằng phục vụ quá trình khai quật tàu cổ đắm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia vẫn chưa bàn giao lại mặt bằng để doanh nghiệp tiếp tục thi công.

Đến nay, doanh nghiệp đã thiệt hại khoảng 150 tỉ đồng do việc chậm trễ xây dựng cảng, bồi thường hợp đồng với nhà thầu... Doanh nghiệp đã gửi nhiều văn bản khắp nơi nhưng không thấy các cơ quan chức năng trả lời.

Tử Trực

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/khuat-tat-trong-khai-quat-tau-co-48-ti-dong-2019081222045748.htm