Khúc giao hòa văn hóa Đông Dương: Việt - Lào - Thái
Rong ruổi trên những cung đường di sản Việt Nam - Lào - Thái Lan, du khách như lạc vào khúc giao mùa văn hóa đầy sắc màu, nơi quá khứ và hiện tại đan xen, nơi tâm hồn được chạm đến những cung bậc cảm xúc sâu lắng nhất.
Điểm đến đầu tiên là Đông Hà chào đón chúng tôi bằng bầu không khí trong lành, mát rượi. Hành trình hôm nay đưa chúng tôi về với Quảng Trị - miền đất thiêng liêng ghi dấu những năm tháng oai hùng của dân tộc.
Bước chân trên Đại lộ Kinh Hoàng, lòng chùng xuống trước sự tàn khốc của chiến tranh. Những thân cây khô cằn, những mảnh bom, mảnh đạn còn sót lại như lời khẳng định về một thời kỳ lịch sử bi tráng.
Thành Cổ Quảng Trị hiện ra với vẻ đẹp trầm mặc, uy nghi. Từng viên gạch, từng bức tường đều in hằn dấu vết thời gian, như lời kể thầm lặng về ý chí kiên cường, bất khuất của cha ông.
Vượt qua những cung đường uốn lượn, chúng tôi đến với Lao Bảo - cửa ngõ kết nối Việt Nam với đất nước Triệu Voi. Thủ tục xuất nhập cảnh diễn ra nhanh chóng, mở ra trước mắt chúng tôi một thế giới mới với những trải nghiệm đầy thú vị. Lào chào đón du khách bằng nụ cười hiền hậu, bằng những bản làng yên bình nép mình bên dòng Mekong lững lờ trôi.
Savnnakhet - thành phố lớn thứ hai của Lào hiện ra thơ mộng với những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn Pháp cổ. Chúng tôi dừng chân bên đường, thưởng thức món "Gà bản" nổi tiếng, cảm nhận hương vị ẩm thực độc đáo của đất nước Triệu Voi.
Chiều buông, chúng tôi đến với Viêng Chăn - trái tim của Lào. Thành phố hiện đại nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, trầm mặc. Khác với sự hối hả của những thành phố lớn, Vientiane mang đến cảm giác bình yên đến lạ. Dạo bước trên những con phố nhỏ xinh, thưởng thức ly cà phê đậm đà bên bờ sông Mekong, thời gian như ngừng trôi. Bữa tối ấm cúng khép lại ngày dài di chuyển, để lại trong lòng mỗi người những dư vị khó quên.
Sáng sớm, Viêng Chăn hiện ra với vẻ đẹp thanh bình, cổ kính. Chùa Mẹ Xì Mương linh thiêng với kiến trúc độc đáo, dát vàng lấp lánh, là nơi chúng tôi gửi gắm những lời cầu nguyện cho bình an, may mắn. Hơn cả một ngôi chùa, Mẹ Xì Mương được xây dựng vào năm 1566, là "linh hồn" của đất nước Triệu Voi, là nơi người dân gửi gắm niềm tin và hy vọng. Chúng tôi sẽ được trải nghiệm nghi thức cầu phúc độc đáo của người Lào, thử xin quẻ bằng cách gieo những đồng xu cổ, và cảm nhận bầu không khí linh thiêng bao trùm cả không gian. Choáng ngợp trước kiến trúc độc đáo, mang đậm dấu ấn Phật giáo Lào với những họa tiết tinh xảo, sắc nét, chúng tôi ngồi thiền và cảm nhận tâm hồn an yên đến lạ.
Rời chùa Mẹ Xì Mương, chúng tôi đến với Patuxay - biểu tượng của Vientiane. “Khải hoàn môn” của người Lào sừng sững giữa lòng thành phố, là minh chứng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của nhân dân Lào trong cuộc chiến chống Pháp. Từ trên cao nhìn xuống, Viêng Chăn như một bức tranh thủy mặc hữu tình.
Mỗi bước chân là mỗi bước an yên, chúng tôi tham quan That Luống - công trình kiến trúc Phật giáo ấn tượng với ngọn tháp cao vút dát vàng lấp lánh. That Luống không chỉ là biểu tượng cho sự thịnh vượng của Phật giáo mà còn là niềm tự hào về lịch sử và văn hóa của người dân Lào. Tương truyền, That Luống là nơi cất giữ xá lợi ngực của Đức Phật, mang ý nghĩa tâm linh vô cùng to lớn. Chúng tôi được hướng dẫn đi bộ 3 vòng theo chiều kim đồng hồ quanh That Luống, vừa đi vừa cầu nguyện để gửi gắm những ước nguyện của mình.
Rời Viêng Chăn, chúng tôi đến với Udon Thani - thành phố năng động của Thái Lan. Công viên bãi tượng Phật Sala Keoku với hơn 200 bức tượng Phật khổng lồ khiến chúng tôi choáng ngợp bởi sự hùng vĩ, tráng lệ. Mỗi bức tượng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, cũng là một câu chuyện, một triết lý sâu sắc về cuộc sống và tâm linh.
Nakhon Phanom - vùng đất giàu truyền thống văn hóa của Thái Lan chào đón chúng tôi bằng nắng vàng rực rỡ. Tháp Đồng Hồ - biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Thái Lan sừng sững giữa lòng thành phố, là minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc. Năm 1960, trước khi hồi hương xây dựng đất nước theo lời kêu gọi của Bác Hồ, để ghi ơn đất nước Thái Lan đã giúp đỡ, người Việt tại đây đã quyên tiền xây dựng công trình Tháp đồng hồ lưu niệm ở trung tâm tỉnh Nakhon Phanom, cạnh bờ sông Mekong. Phần mái của tháp được thiết kế theo kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam. Phía sau cột tháp là một ngôi nhà nhỏ, nơi lưu giữ những dấu tích, tranh ảnh của người Việt.
Đi bộ dọc sông Mekong, chúng tôi checkin và chiêm bái tại Paya Sri Satta Nakarat linh thiêng với kiến trúc độc đáo cùng những truyền thuyết huyền bí khiến chúng tôi không khỏi tò mò, thích thú. Ngôi chùa linh thiêng thờ thần rắn Naga 7 đầu - vị thần được người dân trong vùng tôn kính, vị thần biểu tượng cho sự màu mỡ, giàu sang và may mắn. Mỗi buổi chiều tối, người dân hướng về vị thần Naga cùng reo hát lời ca cầu nguyện khiến cả không gian càng trở lên huyền bí.
Sau khi thưởng thức bữa trưa với Xôi gà nướng, cá nướng muối mang đậm văn hóa tiểu vùng sông Mekong, chúng tôi ghé thăm chùa Phra That Phanom. Đây là thánh địa phật giáo của linh thiêng của một vùng sông Mekong rộng lớn, nơi thờ xá lợi xương ức của Phật Ca Diếp – đại đệ tử đầu tiên của Đức Phật Thích ca Mâu Ni. Đây là 1 trong 4 ngôi chùa tháp được bảo trợ bởi Hoàng Gia, là nơi các vị vua Thái Lan đến hành lễ trước khi đăng quang. Điều khiến chúng tôi choáng nghợp với ngôi chùa được xây trên nền móng cổ từ thế kỷ thứ 7 này là cả không gian phật giáo được thiếp vàng lộng lẫy. Đặc biệt là ngọn tháp cao 53m với đỉnh tháp được trang hoàng bằng khối vàng 110kg.
Chiều tối, chúng tôi di chuyển về tỉnh Mukdahan qua cánh đồng cối xay gió khổng lồ để đến chiêm bái tại Chùa Phu Monorom nằm trên đỉnh núi thuộc vườn quốc gia Phu Pha Thoep – nơi có tượng phật trắng lớn nhất Đông Nam Á. Từ trên cao, chúng tôi ngắm toàn cảnh thành phố Mukdahan và dòng Mekong hùng vĩ. Ngay sát chùa, chúng tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp khó tả của tượng thần rắn Naga uy nghi nằm uốn lượn bên sườn núi. Khác với những tượng thần rắn Naga với các biến thể nhiều đầu thì thần rắn Naga ngự tại Phu Pha Thoep chỉ có 1 đầu, vảy màu ngọc lam huyền bí, Bức tượng thần rắn dài 122 m, cao 20m này cũng trở thành biểu tượng du lịch của tỉnh Mukdahan với lượng khách du lịch khổng lồ tìm đến chiêm bái, checkin.
Kết thúc hành trình khám phá Đông Dương với chúng tôi nhiều cảm xúc mang theo. Bữa trưa trên đất Lào thật vội nhưng cũng thật lạ. Nhiều người trong chúng tôi là những khách du lịch lọc lõi những trải nghiệm từ khắp nơi trên thế giới, nhưng trải nghiệm 1 ngày ăn cơm 3 nước, khám phá văn hóa, tín ngưỡng, vẻ đẹp của Lào, Đông Bắc Thá Lan khiến chúng tôi bồi hồi với nhiều dư vị lạ. Về tới Huế, chúng tôi được sắp xếp bay trở về Hà Nội, mang theo hành lý đầy ắp quà lưu niệm và những kỷ niệm khó quên.
Chương trình Tour Du lịch đặc biệt được giới thiệu bởi Tổng cục Du lịch Thái Lan vo do WonderTour với 5 ngày.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/khuc-giao-hoa-van-hoa-dong-duong-viet-lao-thai-a25307.html