Khúc khải hoàn vang mãi cùng năm tháng

Những ngày tháng Mười, khi đi trên các con phố rực rỡ cờ hoa của đất Hà thành, chúng ta có thể được nghe những ca từ hào hùng lan trong gió Thu: 'Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố'... Có thể nói, bài hát 'Tiến về Hà Nội' là khúc khải hoàn của dân tộc, đánh dấu ngày trở về vinh quang của đoàn quân chiến thắng.

Hà Nội trong tôi

Màn thực cảnh tái hiện hình ảnh Thị trưởng Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng trên xe dẫn đầu đoàn quân Giải phóng tiến vào Hà Nội ngày 10/10/1954 trong sự hân hoan chào đón của người dân Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy

Màn thực cảnh tái hiện hình ảnh Thị trưởng Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng trên xe dẫn đầu đoàn quân Giải phóng tiến vào Hà Nội ngày 10/10/1954 trong sự hân hoan chào đón của người dân Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy

Bài hát “Tiến về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Văn Cao được nhiều nhạc sĩ đánh giá, là tác phẩm âm nhạc có tính “dự báo” về ngày Giải phóng Thủ đô. Ca khúc được nhạc sĩ sáng tác năm 1949, nhưng có sự trùng khớp đến bất ngờ với những diễn biến xảy ra sau đó 5 năm.

Với nhiều người, ca khúc “Người Hà Nội” tựa như lời thề son sắt buổi lên đường thì ca khúc “Tiến về Hà Nội” là khúc khải hoàn ngày chiến thắng. Với tiết tấu hành khúc, chúng ta có thể nghe trong câu hát không khí tràn đầy khí thế hào hùng, niềm hạnh phúc của đoàn quân chiến thắng ngày trở về Thủ đô yêu dấu.

Ngày 10/10/1954, Ủy ban quân chính thành phố và các đơn vị của quân đội tiến vào Hà Nội từ 5 cửa ô. Người dân Thủ đô náo nức đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về với cờ hoa rực rỡ. Đúng 15h, khi tiếng còi ở Nhà hát Lớn vang lên, cả Hà Nội hướng về Cột Cờ, tiến hành Lễ chào cờ lịch sử. Lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên, giai điệu bài hát “Tiến quân ca” vang lên thật hào hùng. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô trong không khí trang nghiêm và xúc động.

Năm 2024 là một năm đặc biệt bởi kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Những ngày này, không khí hân hoan thấm đến từng từng con ngõ nhỏ, phố Hà Nội rực rỡ cờ hoa, băng rôn, áp phích, khẩu hiệu... gửi đi thông điệp về một Hà Nội với bề dày lịch sử hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.

Những hình ảnh lịch sử giúp người dân Thủ đô như được sống lại một lần nữa trong không khí hào hùng của cha ông trong ngày Thủ đô giải phóng. Ảnh: Khánh Huy

Những hình ảnh lịch sử giúp người dân Thủ đô như được sống lại một lần nữa trong không khí hào hùng của cha ông trong ngày Thủ đô giải phóng. Ảnh: Khánh Huy

Để chào mừng sự kiện trọng đại này, Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, tổ chức các sự kiện văn hóa, hội thảo, triển lãm mang đậm giá trị lịch sử. Tại không gian bích họa Phùng Hưng, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Tạp chí Xưa và Nay tổ chức chương trình “Ký ức Hà Nội 70 năm”. Chương trình tái hiện đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng Thủ đô với sự tham gia của đoàn viên thanh niên và Hội cựu chiến binh quận Hoàn Kiếm. Triển lãm ảnh “Hà Nội – Ngày tiếp quản năm 1954” và chiếu phim tài liệu “Ký ức Hà Nội” được tổ chức tại trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm...

Đặc biệt, sự kiện ghi lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân là “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô và 25 năm Hà Nội được vinh danh Thành phố vì hòa bình. Người dân Thủ đô nhiều thế hệ như được sống trong những giây phút hào hùng của dân tộc, hòa mình cùng các đại thực cảnh và sự tái hiện đầy sống động.

Trong 70 năm qua, quân và dân Hà Nội luôn phát huy nội lực, vượt qua bao khó khăn, thách thức, đưa Thủ đô phát triển lên tầm cao mới. Khúc khải hoàn ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 mãi ngân vang trong trái tim của những người con đất Việt. Giờ đây, chúng ta có quyền tự hào khi Thủ đô Hà Nội ngày càng lớn mạnh, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước và hội nhập sâu rộng với thế giới.

Vy Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khuc-khai-hoan-vang-mai-cung-nam-thang-397529.html