KHÚC TRÁNG CA BẤT TỬ

Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trong tiết trời thu tháng Tám, hòa chung dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc, những người làm báo Báo Nam Định tìm về 'Địa chỉ đỏ' Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) quốc gia Trường Sơn và NTLS quốc gia Đường 9 (tỉnh Quảng Trị) - nơi yên nghỉ của hàng chục nghìn liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại; tự tay thắp nén tâm nhang, nghiêng mình tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng Liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, để qua đó tiếp tục hun đúc niềm tự hào về truyền thống yêu nước, cách mạng của dân tộc.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là nơi yên nghỉ của hơn 10 vạn liệt sĩ, trong đó có 578 liệt sĩ quê hương Nam Định.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là nơi yên nghỉ của hơn 10 vạn liệt sĩ, trong đó có 578 liệt sĩ quê hương Nam Định.

“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”

Về Quảng Trị - "Đất lửa Anh hùng" những ngày tháng Tám, trong tâm thức của mỗi người trào dâng niềm bùi ngùi, xúc động khi đến đặt vòng hoa, dâng hương tại các NTLS. Trên mộ chí của các anh, các chị, người có tên, người "chưa biết tên", nhưng các anh đã thành danh, trở thành tên chung và niềm tự hào đất nước. Ai cũng muốn được trực tiếp thắp nén hương lên các phần mộ, nghiêng mình trước anh linh các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh vì nền hòa bình của đất nước.

Đồng chí Trương Đức Minh Tứ, Tổng Biên tập Báo Quảng Trị chia sẻ: Quảng Trị có hơn 500 di tích lịch sử, văn hóa các cấp đã được quy hoạch, bảo tồn, phát triển với nhiều địa danh như: Thành cổ Quảng Trị, Dốc Miếu, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Vịnh Mốc, Đường 9, Khe Sanh, Tà Cơn... là điểm đến nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn làm lay động lương tri nhân loại yêu chuộng hòa bình. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lớp lớp người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 72 NTLS với hơn 55.300 mộ liệt sĩ, trong đó có 2 NTLS quốc gia. Chưa kể còn có những “nghĩa trang không nấm mộ”, nơi hình hài người lính đã hóa thành đất, thành sông.

Chiến tranh đã qua đi nhưng những chiến công oanh liệt, những hy sinh mất mát của các Anh hùng Liệt sĩ, những người có công với đất nước sẽ không bao giờ phai nhạt trong trái tim các thế hệ hôm nay và mai sau. Khu di tích lịch sử NTLS quốc gia Trường Sơn, NTLS quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị (Quảng Trị) không chỉ là nơi an nghỉ của các Anh hùng Liệt sĩ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta; là nơi hành hương của nhân dân khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế theo truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam "Uống nước nhớ nguồn"; là "Địa chỉ đỏ" có ý nghĩa, giá trị nhân văn sâu sắc trong giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước cho thế hệ mai sau.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến trường Quảng Trị là nơi khốc liệt nhất. Thăm “Địa chỉ đỏ” Thành cổ Quảng Trị, bước nhẹ trên thảm cỏ xanh; cùng nghe huyền tích chiến công anh hùng miền “gió Lào, cát trắng” - nơi “túi bom, vựa đạn”, trong tâm thức chúng tôi mãi vang vọng giai điệu bài hát “Cỏ non Thành Cổ” của nhạc sĩ Tân Huyền với bao cung bậc bồi hồi, trầm mặc: “Thắp một nén hương viếng người nằm dưới cỏ/Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ/Xin chớ vô tình với người hy sinh/Trên mảnh đất quê mình”.

Cuộc chiến đấu anh dũng 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28/6 đến ngày 16/9/1972) đã đi vào lịch sử như bản tráng ca hào hùng góp phần tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh, bẻ gãy ý đồ cuồng vọng tái chiếm Quảng Trị của Mỹ - Việt Nam Cộng hòa, góp phần tạo thế mạnh cho ta trên bàn đàm phán Paris, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; góp phần tạo tiền đề để quân và dân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Trong 81 ngày đêm chốt giữ Thành cổ, ước tính trung bình một chiến sĩ ở đây phải hứng chịu trên 100 quả bom và khoảng 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày các chiến sĩ phải đánh địch phản kích từ 5 đến 7 lần, có khi tới 13 lần; đồng thời phải chứng kiến nhiều loại bom đạn khác nhau như: bom đào, bom phạt, bom bi, pháo khoan, pháo chụp. Không chỉ có bom đạn, địch còn thả xuống chất độc hóa học gây nhiều khó khăn cho ta. Tổng cộng, trong cuộc chiến này, địch đã ném xuống Quảng Trị khoảng 328 nghìn tấn bom, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945 và đã phá hủy hoàn toàn 1 vạn ngôi nhà và tòa Thành cổ.

Với giá trị lịch sử và tầm vóc chiến công đã được đúc kết bằng xương máu của hàng vạn chiến sĩ và đồng bào cả nước, Thành cổ Quảng Trị được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Quốc gia theo Quyết định số 235/VH-QĐ ngày 12/12/1986. Năm 1994, Thành cổ Quảng Trị lại được xếp vào danh mục những di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.

Chiến công giữ vững Thành cổ là khúc tráng ca bất tử, đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam như một trong những trang sử hào hùng nhất. Thành cổ như một bảo tàng ghi nhận sự hy sinh cao cả của biết bao chiến sĩ Giải phóng quân và nhân dân Quảng Trị anh hùng.

Tại Quảng Trị năm 1972, hàng nghìn con em quê hương Nam Định đã tham gia chiến đấu thuộc 6 Sư đoàn chủ lực, 6 Trung đoàn độc lập và nhiều Tiểu đoàn thuộc Tỉnh Đội Quảng Trị, góp phần to lớn vào chiến công chung. Hàng nghìn người con quê hương Nam Định đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ. Trải qua tôi luyện tại “lò lửa” Quảng Trị năm 1972, nhiều người con Nam Định đã trở thành những lãnh đạo cao cấp của Đảng, của quân đội. Tiêu biểu là Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu.

Đoàn Báo Nam Định và Báo Quảng Trị đặt vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ công lao các Anh hùng Liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9.

Đoàn Báo Nam Định và Báo Quảng Trị đặt vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ công lao các Anh hùng Liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9.

NTLS quốc gia Trường Sơn thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh và NTLS quốc gia Đường 9 thuộc huyện Cam Lộ là nơi yên nghỉ của hơn 10 vạn liệt sĩ, trong đó có 578 liệt sĩ quê hương Nam Định. Trong Nghĩa trang còn có Đại Hồng chung trên thân có khắc lời đề từ của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu: "Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ/Dạt dào Đông Hải khí anh linh/Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí/Muôn dặm non song nặng nghĩa tình". NTLS quốc gia Đường 9 là nơi an nghỉ của hơn 1 vạn liệt sĩ đã hy sinh trên mặt trận Đường 9 và trên đất bạn Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; trong đó có 180 liệt sĩ là người con quê hương Nam Định.

Năm 2016, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Nam Định đã khởi công xây dựng Đài tưởng niệm Liệt sĩ tỉnh Nam Định tại NTLS quốc gia Đường 9; khánh thành năm 2017. Công trình được xây dựng trên diện tích 96m2 với các hạng mục: Đài tưởng niệm, bia ghi danh các Liệt sĩ. Đài tưởng niệm Liệt sĩ tỉnh Nam Định được xây dựng với biểu tượng Tháp Phổ Minh, có kiến trúc hiện đại nhưng vẫn đậm nét văn hóa truyền thống của quê hương Nam Định. Tháp có 14 tầng, cao 8,54m được làm bằng đá khối điêu khắc. Bia ghi danh các liệt sĩ, bàn đặt lễ, lư hương được làm bằng đá. Đài tưởng niệm Liệt sĩ tỉnh Nam Định là một công trình văn hóa tâm linh, mang đậm tính nhân văn, thể hiện trách nhiệm, tình cảm, sự tri ân của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đối với các liệt sĩ - những người con ưu tú của quê hương Nam Định đã hy sinh anh dũng vì nền độc lập tự do của dân tộc, đồng thời giáo dục các thế hệ về truyền thống yêu nước và sự hy sinh xương máu của cha ông trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Là tỉnh văn hiến, anh hùng, với hào khí Đông A, truyền thống yêu nước, cách mạng được hun đúc, kết tinh qua các thế hệ. Nhân dân Nam Định “lớp cha trước, lớp con sau”, đóng góp vẻ vang vào tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong thời đại Hồ Chí Minh; những người con quê hương Nam Định đã hăng hái xung phong lên đường chiến đấu với kẻ thù, hàng vạn người đã anh dũng ngã xuống hoặc bỏ lại một phần cơ thể nơi chiến trường để Tổ quốc được độc lập, đất nước được thống nhất, thể hiện rõ “khí phách cha ông và hồn thiêng sông núi”, làm rạng rỡ thêm trang sử hào hùng của dân tộc.

Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Nam Định có hàng triệu người tham gia cách mạng, chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước; hàng vạn người đã hy sinh xương máu. Toàn tỉnh có trên 36 nghìn liệt sĩ; trên 25 nghìn thương binh, 16 nghìn bệnh binh; trên 800 cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa; trên 2.900 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện 43 mẹ còn sống); gần 1.600 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; trên 10 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; trên 200 nghìn người có thành tích tham gia kháng chiến đã được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến, Bằng khen các loại.

Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị là nơi lưu giữ, bảo quản và trưng bày hàng trăm hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn với sự kiện: “81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972”.

Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị là nơi lưu giữ, bảo quản và trưng bày hàng trăm hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn với sự kiện: “81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972”.

Kế thừa và phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong tỉnh luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác thương binh - liệt sĩ, chăm sóc người có công: giải quyết chế độ chính sách ưu đãi cho các diện đối tượng người có công, nhất là việc xem xét, giải quyết các tồn đọng chính sách sau chiến tranh, các diện đối tượng chính sách mới được sửa đổi, bổ sung; phát động và đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia chăm sóc đối tượng chính sách, người có công. Công tác chăm sóc mộ, NTLS, đài tưởng niệm được quan tâm; hoạt động đưa, đón hài cốt liệt sĩ, tạo điều kiện cho các gia đình liệt sĩ đi thăm viếng mộ, di chuyển hài cốt liệt sĩ được thực hiện đúng chế độ quy định...

Trên địa bàn tỉnh, hiện có khoảng 45 nghìn người có công và thân nhân người có công với cách mạng đang được hưởng trợ cấp hàng tháng, với tổng kinh phí trợ cấp hàng năm gần 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 và Tết Nguyên đán hàng năm, các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh đều tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, động viên, chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; thắp nến tri ân; tổ chức các Đoàn đi viếng NTLS; huy động các nhà hảo tâm, tổ chức xã hội và toàn dân tham gia đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa; hỗ trợ xây dựng, nâng cấp, sửa chữa nhà tình nghĩa; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng...

Đây là những việc làm có ý nghĩa lớn, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh của các Anh hùng Liệt sĩ vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau; khẳng định đạo lý, truyền thống "Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc. Đáp lại sự quan tâm chăm lo, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội, các gia đình chính sách, người có công đã nêu cao truyền thống cách mạng, nỗ lực phấn đấu vượt khó vươn lên trong cuộc sống, xây dựng gia đình, đóng góp cho sự nghiệp phát triển quê hương.

Việt Thắng (Ghi chép)

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/dat-nuoc-con-nguoi/202408/khuc-trang-ca-bat-tu-2166ec6/