Khúc tráng ca bất tử về huyền thoại con đường 'Trường Sơn - Chân trần chí thép'

Chương trình nghệ thuật 'Trường Sơn - Chân trần chí thép' do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Binh đoàn 12 và tỉnh Quảng Trị tổ chức đã tái hiện những tháng ngày oanh liệt, hào hùng của toàn dân tộc 65 năm trước. Mỗi tiết mục đều thể hiện sự tri ân sâu sắc và đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn' đối với các thế hệ cha ông đã hi sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân...

Cựu chiến binh Cao Thanh Đạm - chiến sĩ lái xe Đoàn 559 giao lưu tại Chương trình nghệ thuật “Trường Sơn - Chân trần chí thép”. Ảnh: Trúc Hà

Cựu chiến binh Cao Thanh Đạm - chiến sĩ lái xe Đoàn 559 giao lưu tại Chương trình nghệ thuật “Trường Sơn - Chân trần chí thép”. Ảnh: Trúc Hà

Huyền thoại một con đường

Ngày 19/5/1959, Bác Hồ, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược để chi viện cho miền Nam và các nước bạn với đơn vị đầu tiên là Đoàn 559 (sau này là Binh đoàn Trường Sơn). Với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Bộ đội Trường Sơn từ một đơn vị nhỏ đã trưởng thành nhanh chóng, bao gồm nhiều lực lượng, trở thành một hướng chiến trường tổng hợp, lực lượng hiệp đồng binh chủng trên quy mô lớn “Ðánh địch mà đi, mở đường mà tiến”.

Bộ đội Trường Sơn cùng các lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến luôn luôn nắm vững tư tưởng cách mạng tiến công, chủ động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, mưa bom bão đạn và mọi thủ đoạn chiến tranh tàn bạo của kẻ thù, đã làm nên tuyến giao liên, giao thông huyết mạch đặc biệt quan trọng để chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn. Ngày 19/5/1959, tuyến vận tải quân sự chiến lược được thành lập để chi viện cho miền Nam ruột thịt - người Mỹ từng ví con đường này như "cuống nhau" mà tiền phương miền Bắc dành dụm, chắt chiu để "nuôi" miền Nam thương yêu. Với vai trò hết sức quan trọng ấy, Mỹ đã thả gần 4 triệu tấn bom đủ loại, ngày đêm rung chuyển, cày xới đất đá nhằm chặt đứt tuyến chi viện.

65 năm đã qua, "Trường Sơn - Chân trần chí thép" là câu chuyện về những con người "gan vàng, dạ ngọc", "tường đồng, vách sắt" đã viết nên huyền thoại Trường Sơn. Nơi binh chủng nào cũng là binh chủng Anh hùng, con đường nào cũng là mảnh đất thiêng rực lửa. Những con người bình thường ấy đã chủ động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, không hề chùn bước trước bất cứ khó khăn ác liệt nào để làm nên huyền thoại phi thường đường Hồ Chí Minh. Đó cũng là lí do để Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Binh đoàn 12 và tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình nghệ thuật vào ngày 19/5, tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, đúng vào ngày kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2024).

Thắp sáng đêm Trường Sơn

Đêm giao lưu nghệ thuật "Trường Sơn - Chân trần chí thép" thể hiện xuyên suốt tiến trình lịch sử hào hùng về sự ra đời đường Trường Sơn huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ, sự tiếp nối phát triển của đường Hồ Chí Minh hôm nay. Chương trình gồm ba chương: Chương 1 với chủ đề "Nơi huyền thoại bắt đầu", tái hiện câu chuyện về thời kỳ đầu, những bước chân đầu tiên "vượt trên triền núi cao Trường Sơn/ Đá mòn mà đôi gót không mòn...". Phương thức vận chuyển giai đoạn này chủ yếu là gùi thồ hàng do người vận hành, phải giữ bí mật tuyệt đối theo yêu cầu "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng". Giữa khó khăn ấy, người Việt Nam lại viết nên nhiều kỳ tích về những con người "chân đồng, vai sắt" gùi hàng, hay những chiến sĩ lái xe "gan vàng, dạ ngọc" dám xông vào hiểm nguy mở đường vận tải để chi viện cho chiến trường miền Nam.

Tiết mục Bài ca thống nhất trình diễn tại Chương trình nghệ thuật "Trường Sơn - Chân trần chí thép". Ảnh: Trúc Hà

Tiết mục Bài ca thống nhất trình diễn tại Chương trình nghệ thuật "Trường Sơn - Chân trần chí thép". Ảnh: Trúc Hà

Chương 2 được mang tên "Kỳ tích giữa rừng sâu" kể về từ chuyến gùi hàng đầu tiên, cùng với yêu cầu cấp bách từ chiến trường miền Nam ta đã mở ra nhiều tuyến đường từ Đông sang Tây, trên đất bạn Lào, Campuchia. Từ đó, viết nên những huyền thoại, những kỳ tích về đường ống xăng dầu, những đường kín, cầu di động... mà sau này, chính người Mỹ thừa nhận "không thể chặt đứt con đường này, cứ chặt đường này lại mọc ra đường khác". Và chương cuối có tên "Viết tiếp bản hùng ca" thể hiện ý nghĩa lịch sử đặc biệt của tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm tháng trôi qua, nhưng quyết định mở đường Trường Sơn là một quyết định lịch sử, mang tầm chiến lược của Đảng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Tại chương trình, các tiết mục hát múa kết hợp với lời bình, hình ảnh tư liệu, giao lưu trực tiếp đã tái hiện những mốc son chói lọi lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong kháng chiến chống Mỹ; tinh thần kiên cường, bất khuất, kiên trung của quân và dân ta trong suốt 16 năm liền đương đầu với cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt với bao hi sinh, mất mát của các lực lượng trên tuyến đường Trường Sơn. Chương trình đã mời cựu chiến binh, lái xe Trường Sơn là ông Cao Thanh Đạm tới tham dự và giao lưu. Niềm hạnh phúc của người cựu chiến binh, thương binh quê Thanh Hóa này đó là gặp lại được người tiểu đoàn trưởng năm xưa. Niềm hạnh phúc ngày gặp lại của những người lính từng vào sinh, ra tử cùng nhau đã lấy đi nước mắt của người ngồi dưới khán đài và biết bao nhiêu khán giả theo dõi qua kênh VTV1.

Bà Nguyễn Thị Bình (cựu chiến binh Đoàn 559) chia sẻ: “Một thời các cô đã sống, chiến đấu cùng các đồng đội ở Quảng Trị, đây được xem như quê hương thứ hai của các cô, các chú. Mỗi lần về thăm chiến trường, về thắp nhang tại các nghĩa trang Trường Sơn, lúc nào các cô cũng rất xúc động, tiếc thương các anh hùng, liệt sĩ, đồng đội đã nằm lại nơi đây. Ước mơ của các cô là mỗi năm còn sức khỏe, để được về tri ân các anh hùng, liệt sĩ, được thắp nhang và hát cho các anh, đồng đội của các cô nghe...”.

Chương trình nghệ thuật “Trường Sơn - Chân trần chí thép” đã khép lại, nhưng còn đó là niềm tự hào về những tháng ngày oanh liệt, hào hùng của toàn dân tộc 65 năm trước. Tinh thần bất diệt của Trường Sơn mãi còn đó, là niềm tin thắp lên ngọn lửa cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khuc-trang-ca-bat-tu-ve-huyen-thoai-con-duong-truong-son-chan-tran-chi-thep-post476256.html