Khúc tráng ca về người lính tình báo và mẹ Việt Nam anh hùng

Vở diễn 'Con đò của mẹ' - Tác phẩm ngợi ca người lính tình báo, tôn vinh người mẹ Việt Nam anh hùng, được Nhà hát CAND dàn dựng để chào mừng Đại hội lần thứ 13 của Đảng, đã chinh phục người xem ngay trong đêm diễn đầu tiên.

Giữa không khí Giáng sinh rộn ràng và cái rét ngọt của mùa đông phía Bắc, rạp Hồng Hà của Nhà hát Tuồng Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội lại nhộn nhịp khán giả. Họ là các nghệ sĩ, nhà quản lý, những người yêu mến các diễn viên Nhà hát CAND.

Màn tung hứng của NSƯT Hồng Quân và Huyền Trang khiến khán giải cười nghiêng ngả nhưng là "cười ra nước mắt" ngay phần đầu vở diễn

Màn tung hứng của NSƯT Hồng Quân và Huyền Trang khiến khán giải cười nghiêng ngả nhưng là "cười ra nước mắt" ngay phần đầu vở diễn

Ngay từ những phút đầu tiên, người xem “Con đò của mẹ” đã lập tức bị cuốn vào vở diễn, mặc dù, đây là một mô – típ đã khá quen, kể cả trong tác phẩm văn học lẫn sân khấu, đặc biệt là sân khấu Chèo. Đó là hình ảnh về một gia đình địa chủ với ông chồng già (ông Bường), sợ vợ nhưng hám gái, đêm hôm dắt theo đầy tớ đi rình mò, tìm cơ hội gạ gẫm, ép buộc thôn nữ (Thắm) nhà nghèo xinh đẹp, đang phải làm con sen con ở để trả nợ cho gia đình. Bà vợ (bà Bường) già, nanh nọc, đang cơn “ngứa ghẻ hờn ghen”, dắt đám gia nô vác theo gậy gộc muốn bắt tại trận ông chồng mê trống bỏi và tiện bề trừng trị, vùi dập tình địch.

Con trai của họ (Quang) lại hiền lành, đã thề non hẹn biển cùng cô người ở xinh đẹp (Thắm), đã bất chấp sự ngăn cản của cha mẹ, cùng người yêu bỏ trốn, đi theo cách mạng… Nhưng với sự "thiết kế" của đạo diễn, NSND Lê Hùng, bằng sự tung tẩy của bộ đôi diễn viên lành nghề - NSƯT Hồng Quân và Huyền Trang, khán giả vẫn cười rần rần, bị hút theo từng lớp diễn.

Nói như nhận xét của NSND Trịnh Thị Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam là đạo diễn có những thủ pháp dẫn dắt, cuốn hút người xem từ đầu đến cuối. Cái hài ở đây rất sâu sắc, hài ra nước mắt, xúc động. Cười mà đau.

Thanh Mai (vai Thắm), Việt Tùng (vai Quang) trong "Con đò của mẹ".

Thanh Mai (vai Thắm), Việt Tùng (vai Quang) trong "Con đò của mẹ".

Theo chia sẻ của lãnh đạo Nhà hát CAND, tác giả kịch bản – NSƯT Bùi Vũ Minh và đạo diễn, NSND Lê Hùng, vở diễn “Con đò của mẹ” tập trung ngợi ca người lính tình báo, ca ngợi người mẹ Việt Nam anh hùng thông qua câu chuyện về những cống hiến, hy sinh cao cả của một gia đình cách mạng. Tuy nhiên, trong thực tế, “đất diễn” cho Việt Tùng – diễn viên thủ vai Quang, con trai địa chủ Bường, người yêu và là người chồng của Thắm, sau này là người lính tình báo thì không hẳn nhiều.

Sau cảnh hẹn hò cùng Thắm trên con đò ven sông, những mâu thuẫn kịch liệt cùng gia đình trong đoạn đầu vở diễn và giai đoạn hoạt động cách mạng trên chiến khu rồi nhận nhiệm vụ hoạt động trong lòng địch, Quang gần như không hiện diện trực tiếp trên sân khấu, trừ ít phút tái hiện cảnh anh trong vai sĩ quan ngụy trên chiến trường, khi quân Giải phóng đánh vào Buôn Ma Thuột.

Thiết kế sân khấu khá đơn giản nhưng vẫn hợp lý.

Thiết kế sân khấu khá đơn giản nhưng vẫn hợp lý.

Giữa hang ổ của kẻ địch với vô vàn hiểm nguy rình rập, trên vai là nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, cách mạng giao phó, phút rảnh rỗi hiếm hoi, Quang vẫn đau đáu nhớ về đồng đội, về người vợ trẻ tảo tần và người con trai nơi quê nhà.

Quang sau đó cũng chỉ xuất hiện trực tiếp trong 2 cảnh: Gặp lại con trai trên chiến trường và phút khép lại vở diễn – khi linh hồn 3 cha con trở về, bên người vợ, người mẹ cô đơn bên mâm cơm đủ đầy mà lạnh lẽo, nước mắt đã cạn khô bởi những năm tháng mỏi mòn thương nhớ chồng con. Thế nhưng, người xem vẫn cảm nhận được sự hiện diện của Quang trong suốt phần lớn thời lượng còn lại của vở diễn.

Người lính tình báo ấy hiện diện qua những cống hiến, hy sinh vô bờ, trong cuộc sống nghèo khó và đầy tủi nhục của người vợ trẻ cùng 2 cậu con trai ăn chưa no lo chưa tới, của ông bà Bường, những địa chủ đi theo cách mạng sau này… chỉ bởi nghi vấn Quang đã theo địch, phản bội cách mạng. Những đau đớn, tủi nhục, nghèo khó bởi điều tiếng của làng xã, của chính quyền địa phương đối với gia đình Quang ở quê càng nhiều, người xem càng cảm nhận được những cống hiến, hy sinh của Quang càng lớn. Tất nhiên, hình tượng người lính tình báo cũng theo đó càng được tô đậm, càng đẹp hơn, cao cả hơn.

Thắm thời thiếu nữ và ông Bường khi còn là địa chủ giai đoạn kháng chiến chống Pháp

Thắm thời thiếu nữ và ông Bường khi còn là địa chủ giai đoạn kháng chiến chống Pháp

Trong khi đó, vai Thắm của diễn viên Thanh Mai là một “mảnh đất vàng” cho nghệ sĩ tung tẩy nhưng cũng là áp lực lớn cho người nghệ sĩ. Nữ diễn viên cho biết, chỉ riêng việc hóa trang sao cho đạt yêu cầu của đạo diễn đã khá vất vả. Vai Thắm thời trẻ cho đến thời làm mẹ, làm vợ của Quang trên chiến khu khá phù hợp với ngoại hình, tuổi tác ngoài đời thực của Thanh Mai nên không khó lắm trong hóa trang nhân vật. Nhưng các đoạn cuối, khi Thắm nuôi con trưởng thành và khi Thắm trở thành một bà cụ Thắm thì khá khó khăn.

Chưa kể, các cảnh diễn liên tiếp, đòi hỏi thay phục trang rất nhanh. Để làm được điều này, Thanh Mai mặc rất nhiều lớp áo. Hết cảnh này, nữ diễn viên chỉ vào cánh gà cởi bỏ một lớp áo quần bên ngoài là thành phục trang của một cô Thắm, bà Thắm khác trên sân khấu.

Tuy nhiên, nặng và khó nhất là các trường đoạn độc thoại trên sân khấu. Một mình thoại, diễn, không có bạn diễn và nhiều yếu tố phụ trợ khác nhưng phải làm sao để khán giả vừa thấy, vừa cảm nhận được, bị cuốn theo tâm trạng, cảm xúc của nhân vật, mạch truyện của vở diễn vô cùng khó. Nếu bị cảm xúc chi phối nhiều quá thì diễn không được. Nếu thoại không khéo, diễn sẽ vô hồn. Đến nay, Thắm cũng là vai diễn khiến Thanh Mai nhiều đêm mất ngủ nhất trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình.

Cảnh trong vở "Con đò của mẹ"

Cảnh trong vở "Con đò của mẹ"

Thực tế, ngày ra mắt, “Con đò của mẹ” mới chạy vở lần thứ hai, trong khi những người làm nghề lão luyện đều cho rằng, muốn vở thật hoàn thiện, diễn viên phải được chạy vở đến 5 lần thì mới diễn được thật “nhuyễn”. Thế nhưng, vở diễn đã chinh phục không chỉ khán giả thông thường mà còn cả người trong giới. Người xem như bị thôi miên, cuốn theo mạch cảm xúc của các diễn viên, khóc, cười cùng các nhân vật.

Âm nhạc là một điểm sáng khác của vở diễn, tạo hiệu quả rất tốt trong quá trình dẫn dắt cảm xúc của người xem, nhất là các đoạn đòi hỏi chiều sâu nội tâm phong phú, các đoạn độc thoại dài của diễn viên.

Chia sẻ về vở diễn, NSND Trịnh Thị Thúy Mùi mãi khen, “Con đò của mẹ” đã chạm đến cảm xúc, trái tim của người xem. Đây là điều không dễ đối với một tác phẩm sân khấu hiện nay. Đặc biệt là cảnh cuối của vở diễn, nếu đạo diễn, diễn viên có thời gian trau chuốt thêm một chút, khi bà Thắm lưng còng, tóc bạc, cô độc bên mâm cơm, trò chuyện trong tưởng tượng cùng chồng con, phía sau là 3 tấm bằng Tổ quốc ghi công, linh hồn người chồng và 2 người con trai thì người xem muốn “nổi da gà”.

Nhà viết kịch lão luyện Nguyễn Đăng Chương cũng cho rằng, có những cảnh, diễn viên không khóc mà người xem khóc bởi họ cảm nhận được nỗi đau đến tận cùng, nhân vật khóc nhiều đến tưởng chừng nước mắt cạn khô. Nỗi đau ở đây khiến tâm hồn được thanh lọc. Giữa cuộc sống bộn bề hôm nay, khi con người bị cuộc sống cuốn đi bởi quá nhiều thứ, vở diễn này khiến chúng ta lắng lại, nhìn lại những cống hiến, hy sinh của cha anh, cảm thấy cầm làm nhiều điều tốt đẹp hơn, có ích hơn cho cuộc đời.

PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu, Điện ảnh Hà Nội thì nhận định: “Con đò của mẹ” đã lấp lánh nhiều chất ngọc, nhưng chất ngọc ấy còn lấp lánh hơn, vở diễn sẽ chinh phục người xem nhiều hơn khi được hoàn thiện hơn trong thời gian tới…

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/khuc-trang-ca-ve-nguoi-linh-tinh-bao-va-me-viet-nam-anh-hung-625248/