Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc gây áp lực lên khoản nợ 1.600 tỷ USD
Sự can thiệp ngày càng sâu của chính quyền các tỉnh ở Trung Quốc vào thị trường bất động sản đang làm dấy lên lo ngại một vụ vỡ nợ từ các công ty tài chính trực thuộc.
Cuộc khủng hoảng nhà đất ngày càng nghiêm trọng ở Trung Quốc đang gây áp lực lên khoản nợ 1.600 tỷ USD trái phiếu trong nước khi chính quyền các địa phương thực hiện các biện pháp tài chính để cứu những nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn.
Vào đầu năm nay, thông qua các công ty tài chính LGFV của chính quyền, các tỉnh ở Trung Quốc đã trở thành khách hàng mua bất động sản chính tại các dự án đã hoàn thiện của những doanh nghiệp vỡ nợ, bao gồm cả Tập đoàn Evergrande.
Sự can thiệp ngày càng sâu của chính quyền địa phương đang làm cho các nhà phân tích thị trường lo ngại.
Moody's Investor Services, đơn vị chuyên đánh giá các công cụ nợ có thu nhập cố định cho rằng, điều này có thể ảnh hưởng đến hồ sơ tín dụng của các doanh nghiệp cấp vốn Nhà nước này.
Hiện tại chưa có LGFV nào bị vỡ nợ nhưng theo phân tích của Bloomberg không loại trừ một vụ vỡ nợ sẽ xảy ra.
Chính sách nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc phần lớn đã đẩy chi phí vay trong nước xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Mức chênh lệch tín dụng trung bình trên một số trái phiếu địa phương LGFV hoạt động kém nhất đã tăng gần gấp đôi, lên gần 10 điểm phần trăm, kể từ giữa tháng 1/2022.
Những nỗ lực “giải cứu” trực tiếp như trên đang làm dấy lên những lo ngại về tình hình tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước. Cơn khủng hoảng bất động sản và các khoản chi do Covid-19 tăng mạnh đang làm cạn kiệt nguồn vốn của các công ty được Chính phủ tài trợ vốn.
Một vụ vỡ nợ có thể gây ra một sự biến động khác trên thị trường, nơi 11.600 tỷ Nhân dân tệ (1.600 tỷ USD) trái phiếu của các LGFV, chiếm khoảng 1/3 trái phiếu doanh nghiệp địa phương của Trung Quốc.
Bà Zerlina Zeng, nhà phân tích tín dụng cấp cao tại CreditSights, Singapore cho rằng, Chính phủ Trung Quốc cần dựa vào các LGFV trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Nhưng khi chính sách thay đổi, nguy cơ vỡ nợ trái phiếu có thể xảy ra.
Theo bà Zerlina Zeng, Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ tập trung vào việc xử lý các khoản nợ đang tăng lên của chính quyền địa phương, đồng thời kiểm soát rủi ro vỡ nợ trong 6 tháng tới.
Các chuyên gia ước tính, tổng số nợ của các LGFV, gồm các khoản vay ngân hàng, đã lên tới 60.000 tỷ Nhân dân tệ, bằng khoảng một nửa GDP của Trung Quốc. Việc vỡ nợ sẽ gây ra hậu quả lớn.
Quang Đăng (dịch)