Khủng hoảng bộc lộ rõ sự rạn nứt trong nền tảng tài chính của các ngân hàng Mỹ

Sự sụp đổ đột ngột của Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature đã khiến ngành ngân hàng của Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn, đồng thời cũng làm lộ ra những rạn nứt trong nền tảng tài chính của một số ngân hàng nhỏ hơn.

Tiền gửi đang ngày một khan hiếm

Một tháng sau cuộc khủng hoảng, các ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã báo cáo doanh thu quý I/2023 với lợi nhuận cao và có khả năng tiếp tục thu lợi lớn hơn ngay cả khi nền kinh tế suy thoái. Tuy nhiên, các ngân hàng nhỏ hơn không được may mắn như vậy. Lượng tiền gửi đang giảm trong khi chi phí giữ chân khách hàng đang tăng lên, ăn vào lợi nhuận. Cùng với đó, những lo ngại về giá trị của các khoản đầu tư và khoản cho vay, đặc biệt là những khoản cho vay bất động sản vẫn còn.

Cuối tuần trước, Moody's đã hạ xếp hạng của 11 ngân hàng trong nước với lý do "môi trường hoạt động và điều kiện tài trợ xấu đi". Trong các cuộc trao đổi với các nhà đầu tư về kết quả tài chính mới nhất của họ vào tuần trước, các nhà lãnh đạo ngân hàng trong nước đã cố gắng coi cuộc khủng hoảng ngân hàng như “một khoảnh khắc đã qua”. Các ngân hàng cũng tránh xa các đối thủ vẫn đang trong cơn bão, như First Republic, ngày 24/4/2023 đã báo cáo doanh thu mất đi 102 tỷ USD tiền gửi của khách hàng.

Tuy nhiên trong những tuần gần đây, các khách hàng gửi tiết kiệm đã tìm kiếm sự an toàn bằng cách rút tiền của họ ra khỏi nhiều ngân hàng nhỏ và chuyển sang gửi ở các tổ chức tín dụng quy mô lớn hơn. Theo các nhà phân tích tại UBS, tiền gửi đã giảm trung bình khoảng 1% tại khoảng 20 ngân hàng vừa và nhỏ đã báo cáo doanh thu trong quý đầu tiên vào tuần trước.

Việc cạn kiệt tiền gửi tại Ngân hàng Thung lũng Silicon đã phơi bày những rủi ro mà các ngân hàng nhỏ hơn trên khắp nước Mỹ đang phải đối mặt.

Việc cạn kiệt tiền gửi tại Ngân hàng Thung lũng Silicon đã phơi bày những rủi ro mà các ngân hàng nhỏ hơn trên khắp nước Mỹ đang phải đối mặt.

Sau sự thất bại của SVB, các khách hàng công nghệ đã rời khỏi các ngân hàng nhỏ hơn. Kenneth A. Vecchione - Giám đốc điều hành của Western Alliance, một ngân hàng ở Arizona bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng hỗn loạn, cho biết ngân hàng đã mất hơn 40% tiền gửi từ các khách hàng công nghệ nhưng vẫn “ít hơn dự đoán”.

Nhìn chung, tiền gửi tại ngân hàng đã giảm 11% trong quý đầu tiên, vì những ngân hàng như của ông đang “chịu ảnh hưởng từ sự thất bại của SVB”. Ông Vecchione cho biết tiền gửi sau đó đã ổn định và tăng trưởng trở lại trong vài tuần đầu tiên của tháng 4.

Các ngân hàng thắt chặt tiêu chuẩn cho vay

Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản, các ngân hàng đã tăng lãi suất cho vay mạnh hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi. Điều đó đã củng cố thu nhập tại nhiều ngân hàng trong quý đầu năm, bao gồm cả PNC Financial Services, ngân hàng lớn thứ 6 của Mỹ.

PNC được gọi là ngân hàng nội siêu lớn, có trụ sở tại Pittsburgh, đã cho biết lợi nhuận quý đầu tiên của họ đã tăng gần 20% so với một năm trước đó, nhưng có thể sẽ không kéo dài.

Những khoản cho vay đó có được từ lượng tiền gửi của khách hàng, vốn đang ngày một giảm đi. Những người tiết kiệm đang tìm đến các quỹ thị trường tiền tệ và các lựa chọn khác có lãi suất cao hơn, buộc các ngân hàng phải trả nhiều tiền hơn để giữ tiền gửi của khách. Tại PNC, tiền gửi không hưởng lãi đã giảm 5% trong quý đầu tiên, trong khi tiền gửi có lãi tăng 2%.

Xu hướng này đang diễn ra trong toàn ngành ngân hàng, làm giảm tỷ suất lợi nhuận và khiến các ngân hàng ngại cho vay hơn. Các nhà phân tích của UBS lưu ý rằng, sự thay đổi trong tiền gửi “không có từ nào tốt hơn, thật tệ hại”.

William S. Demchak - Giám đốc điều hành của PNC cho biết: “Chi phí cận biên của các quỹ đối với hệ thống ngân hàng Mỹ đã tăng lên rất nhiều do hậu quả của sự hỗn loạn của ngành ngân hàng”. Cùng với đó, các ngân hàng cũng đang thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay, mặc dù đã coi những thay đổi này là điều chỉnh chứ không phải là một trở ngại lớn.

Mối lo lắng từ bất động sản thương mại ngày càng tăng

Các ngân hàng nội địa cung cấp phần lớn những khoản vay cho thị trường bất động sản thương mại, và khi sự chú ý nhiều hơn đến những rủi ro tiềm ẩn trong bảng cân đối tài chính của các ngân hàng, những khoản vay này đang khiến các nhà đầu tư lo lắng. Sự kết hợp giữa tình trạng văn phòng trống và làn sóng tái cấp vốn sắp tới với lãi suất cao hơn rõ rệt đã buộc nhiều ngân hàng phải dành nhiều tiền hơn để phòng ngừa rủi ro vỡ nợ.

Zions Bancorporation đã tăng dự phòng rủi ro tín dụng hơn 30% trong quý đầu tiên so với năm ngoái, còn KeyBank có trụ sở tại Cleveland đã chứng kiến “sự gia tăng mạnh mẽ” về nhu cầu dịch vụ đặc biệt trong quy trình xử lý các khoản vay khó khăn, khi các dự án văn phòng đang trở thành hạng mục cho vay lớn nhất trong dịch vụ đặc biệt của ngân hàng.

Hoàng Lê (theo The New York Times)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khung-hoang-boc-lo-ro-su-ran-nut-trong-nen-tang-tai-chinh-cua-cac-ngan-hang-my-126610-126610.html