Khủng hoảng chi phí sinh hoạt

Khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ là rủi ro ở cấp độ toàn cầu. Đây là một phần kết quả nghiên cứu do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thực hiện và công bố. Nghiên cứu được thực hiện với sự tham vấn từ các tập đoàn quản lý rủi ro hàng đầu, lấy ý kiến của hơn 1.200 chuyên gia về rủi ro toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp.

Nhiều người dân Uganda vẫn sống trong cảnh nghèo đói. Nguồn: Focus Economics.

Nhiều người dân Uganda vẫn sống trong cảnh nghèo đói. Nguồn: Focus Economics.

Nghiên cứu của WEF mô tả cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt là rủi ro ngắn hạn lớn nhất và có thể kéo dài trong 2 năm 2023 và 2024. Giám đốc quản lý Saadia Zahidi của WEF nhận định, năng lượng, thực phẩm, nợ công và thiên tai là những yếu tố dễ nhận thấy nhất trong nhóm rủi ro ngắn hạn; bất kể đó là ở quốc gia giàu hay nghèo.

Lạm phát toàn cầu hiện vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, những hạn chế trong chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 chưa dứt hẳn cũng khiến chi tiêu tiêu dùng tăng lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.

“Chi phí sinh hoạt, chi phí đi vay tăng mạnh trở thành những rủi ro chính làm suy yếu các nỗ lực tháo gỡ khó khăn” - ông S.Zahidi cảnh báo.

Trong khi đó, Giám đốc quản lý rủi ro Carolina Klint từ Tập đoàn Marsh McLennan cho rằng năm 2023 gắn liền với các rủi ro tăng lên liên quan thực phẩm, năng lượng, vật liệu thô và an ninh mạng, tiếp tục gây gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tới các quyết định đầu tư.

Từ đó, WEF kêu gọi các nhà lãnh đạo cùng hành động một cách kiên định, cân bằng tầm nhìn ngắn và dài hạn; để có thể hạn chế được rủi ro ở mức thấp nhất.

Ở thời điểm hiện tại, lạm phát tại 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã hạ nhiệt, tuy rằng một bộ phận người dân vẫn phải chật vật với chi phí sinh hoạt.

Ông David Zih - người dân thành phố Budakeszi, Hungary nói: "Tôi đã hỏi chi phí xây nhà kiểu bình thường, từ tháng 1 đến nay thôi mà giá đã tăng 30%. Vì thế, nhà lều kiểu truyền thống sẽ phù hợp trong thời điểm kinh tế khó khăn này". Còn ông Gabor Adorjan - một người chuyên xây nhà lều truyền thống cho biết, giá nguyên vật liệu rồi nhân công, mọi thứ đều tăng vọt. Tuy nhiên, xây một ngôi nhà lều truyền thống rộng 80m2, đầy đủ tiện nghi cho một gia đình nhỏ chỉ tốn kém khoảng 1/3 so với ngôi nhà gạch bình thường. Vì thế, đội thợ xây dựng của ông nhận được nhiều hợp đồng chỉ trong vòng 10 ngày đầu của tháng 2.

So với các quốc gia châu Âu, người Anh được cho là đang phải chịu đựng một “thập niên mất mát” khi giá cả sinh hoạt tăng mạnh suốt từ giữa năm 2022 tới nay. Vương quốc Anh là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP); lớn thứ 9 tính theo sức mua tương đương (PPP) và xếp thứ 21 về thu nhập bình quân đầu người. GDP của Vương quốc Anh chiếm 3,3% tổng GDP thế giới. Tuy nhiên, lạm phát kéo dài khiến nước Anh chao đảo.

Khủng hoảng kinh tế do lạm phát tăng cao nên chỉ trong một thời gian ngắn, nước Anh đã phải có tới 3 Thủ tướng. Ngày 7/7/2022, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố từ chức. Ngày 6/9 bà Liz Truss trở thành tân Thủ tướng nước Anh nhưng cũng chỉ tại vị được 44 ngày: ngày 20/10 phải từ chức. Hiện ông Rishi Sunak là Thủ tướng, tiếp tục chèo lái nền kinh tế Anh trong cơn khủng hoảng.

Trong khi đó, Tony Danker - chuyên gia kinh tế hàng đầu nước Anh cho rằng: Coi như chúng ta đã mất đứt năm 2022. Năm 2023 cũng không khá hơn gì và chỉ còn hy vọng hồi phục từ 2024 với mức tăng trưởng dự báo 1,6%”. Ông Danker dẫn thông tin từ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), cho rằng lạm phát quý 1/2023 ở Anh có thể sẽ ở con số trên dưới 18% so với cùng kỳ. Chỉ số giá bán lẻ trong quý 1/2023 vẫn cao, ảnh hưởng tới chi phí sinh hoạt của nhiều gia đình, kể cả việc chính phủ trợ cấp 300 Bảng/tháng từ tháng 10/2022 đến hết năm 2024 để trang trải hóa đơn năng lượng.

Giống như nhiều nền kinh tế châu Âu chịu ảnh hưởng của giá khí đốt và điện cao đã khiến lạm phát khó quay đầu giảm, nhưng điều khiến các quan chức chính phủ Anh lo ngại nhất là lạm phát của nước này có nhiều dấu hiệu dai dẳng hơn so với nhiều nước châu Âu khác. Allan Monks - nhà kinh tế học tại JPMorgan cho rằng điều đó thể hiện về mức độ lạm phát cao từ giá năng lượng và các dịch vụ cốt lõi. Trong khi đó, bà Sandra Horsfield (Ngân hàng Investec) bày tỏ lạc quan hơn khi cho rằng chính phủ Anh đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm chống lạm phát trong năm 2022, “điều đó sẽ rất có ích đối với năm 2023”.

Khủng hoảng chi phí sinh hoạt đẩy hàng chục triệu người vào cảnh nghèo cùng cực. Đó là thông tin từ một báo cáo được Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) công bố. Ông Achim Steiner - Tổng Giám đốc UNDP cho biết, phân tích tại 159 quốc gia đang phát triển cho thấy, thực trạng giá cả các hàng hóa chủ chốt tăng cao đã ảnh hưởng đến các khu vực của châu Phi cận Sahara, vùng Balkan, châu Á và nhiều nơi khác. Do đó, UNDP kêu gọi hành động phù hợp; tìm kiếm các khoản phân phối tiền mặt trực tiếp cho những nhóm người dễ bị tổn thương nhất và các quốc gia giàu có hoãn nghĩa vụ trả nợ cho các nước nghèo. “Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói và thậm chí chết đói. Năm 2022 đã qua với nhiều bi kịch đói nghèo. Hy vọng với sự hợp tác quốc tế sâu rộng, 2023 sẽ là năm “khởi động lại niềm tin” - ông Steiner nói.

Thanh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khung-hoang-chi-phi-sinh-hoat-5709623.html