Khủng hoảng chính trị Tunisia: Mỹ cảnh báo, dư luận quốc tế và 4 kịch bản có thể xảy ra

Một ngày sau những diễn biến chính trị mới nhất tại Tunsisia, nhiều quốc gia, tổ chức đã lên tiếng kêu gọi quốc gia từng là nơi khởi phát phong trào Mùa Xuân Arab này sẽ sớm khôi phục an ninh và ổn định.

Các sĩ quan ủng hộ đảng chính trị lớn nhất của Tunisia, đảng Hồi giáo ôn hòa Ennahda đứng trước trụ sở Quốc hội để phản đối quyết định của tổng thống Saied ngày 26/7. (Nguồn: Reuters)

Các sĩ quan ủng hộ đảng chính trị lớn nhất của Tunisia, đảng Hồi giáo ôn hòa Ennahda đứng trước trụ sở Quốc hội để phản đối quyết định của tổng thống Saied ngày 26/7. (Nguồn: Reuters)

Nền dân chủ của Tunisia phải đối mặt với thử thách lớn nhất kể từ cuộc cách mạng năm 2011, sau khi Tổng thống Kais Saied cách chức Thủ tướng Hichem Mechichi, đồng thời đình chỉ hoạt động của Quốc hội Tunisia. Động thái này bị các chính đảng chỉ trích là "đảo chính".

Lực lượng quân đội Tunisia đã tiến vào thủ đô, bao vậy trụ sở Quốc hội, trong khi lực lượng cảnh sát bố ráp trụ sở kênh truyền hình Al-jazeera.

Ngày 26/7, Tổng thống Tunisia Kais Saied tiếp tục cách chức Bộ trưởng Quốc phòng và quyền Bộ trưởng Tư pháp nước này.

Dư luận quốc tế

Ngày 26/7, Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Tunisia Othman Jerandi về những diễn biến chính trị mới nhất tại quốc gia Bắc Phi.

Trong khuôn khổ cuộc điện đàm, Tổng thư ký AL khẳng định ủng hộ người dân Tunisia, bày tỏ hy vọng quốc gia này sẽ sớm khôi phục an ninh và ổn định.

Về phần mình, người đứng đầu ngành ngoại giao Tunisia cho biết, Tổng thống Saied sẽ tạm thời đứng đầu chính phủ cho đến khi một thủ tướng mới được bổ nhiệm.

Cùng ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cảnh báo việc Tổng thống Tunisia giải tán chính phủ: "Chúng tôi quan ngại về diễn biến tại Tunisia. Chúng tôi đang liên lạc ở cấp cao... Chúng tôi kêu gọi sự bình tĩnh và hỗ trợ các nỗ lực của Tunisia hướng tới phù hợp với "các nguyên tắc dân chủ".

Liên minh châu Âu (EU) cũng đã lên tiếng hối thúc tất cả các bên chính trị tại Tunisia tôn trọng "hiến pháp, thể chế và pháp luật" của nước này.

Trong một phát biểu, người phát ngôn Ủy ban châu Âu nêu rõ: "Chúng tôi đang theo dõi sát sao những diễn biến mới nhất tại Tunisia. Chúng tôi cũng kêu gọi họ giữ bình tĩnh và tránh mọi hình thức bạo lực nhằm đảm bảo sự ổn định của đất nước".

Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio và Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã có cuộc điện đàm, thảo luận về tình hình tại Tunisia.

Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Italy, hai bên khẳng định lại cam kết chung là hành động vì sự ổn định chính trị và kinh tế của Tunisia.

Cũng trong ngày 26/7, hãng thông tấn Qatar (QNA) đưa tin, nước này kêu gọi tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng chính trị Tunisia tránh leo thang và "đi theo con đường đối thoại để vượt qua khủng hoảng này".

Kịch bản có thể xảy ra

Trước những diễn biến căng thẳng tại Tunisia, Reuters dự đoán khả năng xảy ra các cuộc bạo lực đường phố giữa những người ủng hộ Tổng thống và những người do đảng Ennahda đối lập huy động, báo trước một giai đoạn bất ổn hoặc một cuộc tranh giành quyền lực quân sự.

Trong ngày 26/7, người đứng đầu đảng Ennahda lớn nhất tại Quốc hội Tunisia, cũng là Chủ tịch cơ quan lập pháp này Rached Ghannouchi đã phát động cuộc biểu tình phản đối ông Saied, trong khi những người ủng hộ quyết định của Tổng thống đương nhiệm cũng đổ xuống đường.

Khả năng thứ hai, ông Saied sẽ nhanh chóng bổ nhiệm một Thủ tướng mới để giải quyết tình hình dịch Covid-19 đang gia tăng và nguy cơ khủng hoảng tài chính. Hết thời hạn 30 ngày giải tán Quốc hội, các hoạt động trở lại bình thường và có thể diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội mới.

Trường hợp thứ ba, ông Saied sẽ tăng cường kiểm soát quyền lực và lực lượng an ninh, hoặc sẽ sử dụng cuộc khủng hoảng này để thúc đẩy giải pháp ưu tiên mà ông cho là hợp hiến - một hệ thống mà Tổng thống dựa trên bầu cử nhưng có vai trò nhỏ hơn Quốc hội.

Kịch bản cuối cùng, Tổng thống Saied có khả năng lặp lại mô hình các cuộc khủng hoảng trước đó kể từ sau cuộc cách mạng năm 2011, theo đó, các đối thủ chính trị đồng ý tìm kiếm sự thỏa hiệp thông qua đối thoại.

Kể từ tháng 1/2021, Tunisia đã rơi vào bế tắc chính trị trong bối cảnh tranh chấp giữa ông Saied và Thủ tướng vừa bị cách chức về một cuộc cải tổ chính phủ mà Tổng thống bác bỏ.

Đất nước này cũng đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế và sự gia tăng của ca mắc Covid-19 trong bối cảnh có những cảnh báo về khả năng sụp đổ của hệ thống y tế.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-chinh-tri-tunisia-my-canh-bao-du-luan-quoc-te-va-4-kich-ban-co-the-xay-ra-152814.html