Khủng hoảng dân số Nhật Bản: Vì sao tiền không mang tới giải pháp?
Nỗi lo từ gánh nặng sinh nở và trách nhiệm làm mẹ sẽ chấm dứt sự nghiệp khiến ngày càng nhiều phụ nữ Nhật Bản sinh con muộn hơn.
Chika Hashimoto, 23 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Temple ở Tokyo. Cô không phản đối việc lập gia đình trong tương lai. Thế nhưng cô cũng vội vã “chớp cơ hội” khi gặp một anh chàng ưng ý. .
Cô cho biết: “Kết hôn chắc chắn không phải là lựa chọn đầu tiên của tôi. Hoàn thành sự nghiệp và tận hưởng sự tự do của mình quan trọng hơn nhiều so với kết hôn và sinh con.”
Một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học lớn
Hashimoto cho rằng những lo ngại về kinh tế là lý do chính khiến cô và nhiều phụ nữ trẻ Nhật Bản khác đang xem xét lại việc lựa chọn một tương lai chỉ tập trung vào cuộc sống gia đình.
“Nuôi một đứa trẻ thực sự tốn rất nhiều tiền. Không dễ để phụ nữ Nhật Bản cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, vì chúng tôi sẽ phải lựa chọn một trong hai”, cô nói thêm.
Theo hãng tin Al Jazeera, Nhật Bản đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nhân khẩu học lớn nhất thế giới, với số ca sinh hàng năm lần đầu giảm xuống dưới mức 800.000 vào năm 2022.
Tỷ lệ sinh hiện tại ở Nhật Bản là 1,34 - thấp hơn nhiều so với mức 2,07 cần thiết để giữ dân số ổn định. Điều này có nghĩa là dân số ở Nhật có thể giảm từ 125 triệu xuống còn 88 triệu vào năm 2065.
Tỷ lệ sinh giảm của Nhật Bản trở thành tâm điểm chú ý, khi Thủ tướng Fumio Kishida sử dụng những từ ngữ nghiêm trọng khác thường trong một bài phát biểu trước quốc hội vào tháng 1 năm nay.
“Nhật Bản đang đối mặt với câu hỏi rằng liệu chúng ta có thể tiếp tục tồn tại như một xã hội hay không,” ông nói trong bài phát biểu dài 45 phút. Ông cho biết thêm rằng đây là thời điểm có tính quyết định để giải quyết tình trạng suy giảm dân số của quốc gia.
Tuy nhiên thách thức nằm trước mặt người Nhật không hề nhỏ. Nhật Bản hiện là quốc gia đắt đỏ thứ ba thế giới, nếu tính tới chi phí nuôi dạy một đứa trẻ, chỉ đứng sau Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trong khi đó mức lương tại Nhật lại có tiếng là chậm tăng trưởng. Mức lương trung bình hàng năm hầu như đã không tăng lên kể từ cuối những năm 1990, hiện ở mức khoảng 39.000 USD, thấp hơn so với mức trung bình của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD (gần 50.000 USD).
Ngoài ra, phụ nữ Nhật Bản có thu nhập thấp hơn 21,1% so với nam giới vào năm 2021, tức gần gấp đôi mức chênh lệch lương trung bình ở các nền kinh tế phát triển.
Giải pháp của ông Kishida nhằm xử lý vấn đề tỷ lệ sinh đang giảm ở Nhật Bản là tích cực khuyến khích các cặp vợ chồng lập gia đình. Đồng thời ông muốn triển khai các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho “nền kinh tế xã hội ưu tiên trẻ em”.
Trong số các kế hoạch sẽ được vạch ra chi tiết hơn vào thời gian tới, ông Kishida đã cam kết tăng gấp đôi chi tiêu cho trẻ em thông qua việc tăng trợ cấp chăm sóc trẻ và các sáng kiến chăm sóc sau giờ học.
Nỗi lo mất sự nghiệp lớn hơn nhu cầu có gia đình
Maki Kitahara, 37 tuổi, đã thử có con với chồng cũ cách đây vài năm. “Thành thật mà nói, khi ấy tôi sợ rằng sẽ đánh mất sự nghiệp của mình,” cô chia sẻ. “Tôi thường nghe các nhà quản lý nam giới nói về việc phụ nữ kết hôn và mang thai sẽ làm hỏng kế hoạch nhân sự, bao gồm việc phát triển kỹ năng, luân chuyển công việc và thăng tiến. Nỗi sợ hãi của tôi bắt nguồn từ đây.”
Bị thúc đẩy bởi tham vọng nghề nghiệp và mong muốn khám phá thế giới, Kitahara chưa bao giờ cảm thấy phù hợp với quan điểm xã hội về vai trò của người vợ và người mẹ truyền thống ở Nhật Bản.
Điều này phần nào dẫn đến việc cô ly hôn chồng cũ và chuyển đến sống lâu dài ở Dubai. Hiện cô điều hành từ xa một khóa đào tạo năng lực lãnh đạo cho phụ nữ Nhật Bản, thông qua công ty Global Synergy Education Consulting Group, có trụ sở tại Fukuoka.
Kitahara tin rằng cách thức tổ chức của xã hội Nhật Bản, cũng quan niệm truyền thống cho rằng đàn ông là trụ cột gia đình và phụ nữ chỉ nên làm nội trợ, không tạo điều kiện cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đi làm.
“Tôi nghĩ rằng thật kỳ lạ khi chiến lược chính trị hiện tại của Nhật Bản nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh lại được dẫn dắt bởi những người đàn ông lớn tuổi, vốn quen với việc ủy thác việc chăm sóc con cái cho vợ họ. Chúng tôi cần thêm phụ nữ trong lĩnh vực chính trị và kinh doanh ngồi vào thảo luận chính sách, để lên kế hoạch cho tương lai của mình.”
Mối quan hệ giữa hôn nhân và tỷ lệ sinh trở nên đặc biệt rõ ở Nhật Bản, nơi tỷ lệ trẻ em sinh ngoài hôn thú chỉ là 2% mỗi, so với mức trung bình khoảng 40% ở những quốc gia phát triển khác trên thế giới.
Học giả Kozue Kojima từng viết về điều này vào năm 2013: “Khi một phụ nữ độc thân ở Nhật Bản mang thai, dường như cô ấy chỉ có hai lựa chọn: phá thai hoặc miễn cưỡng kết hôn. Việc có con ngoài giá thú hiếm khi được coi là một lựa chọn."
Bài toán khó của nước Nhật
Với việc các cơ hội giáo dục và tham vọng nghề nghiệp ngày càng tăng, phụ nữ Nhật Bản đã quyết định kết hôn và sinh con muộn hơn trong cuộc đời họ. Điều này dẫn tới một hệ quả nữa là họ khó có thể đẻ nhiều con.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, độ tuổi trung bình của các bà mẹ sinh con đầu lòng ở Nhật Bản đã tăng lên ngưỡng 30,9 vào năm 2021 - mức cao nhất kể từ khi dữ liệu thống kê đầu được ghi nhận vào năm 1950.
Yuko Kawanishi, giáo sư xã hội học tại Đại học Lakeland của Tokyo, tin rằng hệ thống việc làm - thường bao gồm seiki (công nhân toàn thời gian) và hiseiki (nhân viên hợp đồng) - là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm nhân khẩu học của Nhật Bản.
Số bà mẹ có con tham gia lực lượng lao động đang tăng lên, đạt 76% vào năm 2021, cao hơn 20% so với năm 2004. Tuy nhiên, chỉ 30% tổng số bà mẹ có việc làm lâu dài.
Bà cho biết: “Đây là một vấn đề kinh tế vĩ mô rất nghiêm trọng, vì nhiều phụ nữ trẻ lo lắng trước khả năng phải làm các công việc không ổn định. Có sự chênh lệch nghiêm trọng về mức độ ổn định, phúc lợi và tiền lương giữa công nhân toàn thời gian và công nhân hợp đồng ở đất nước này.”
Mặc dù Kawanishi đồng cảm với những lo ngại về tương lai nhân khẩu học của Nhật Bản, bà cũng tin rằng cần có những kế hoạch mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề.
“Khi nói về bất kỳ vấn đề nào của xã hội, quy mô dân số chính là yếu tố cốt lõi. Có những việc chúng ta có thể giải quyết được, nhưng cuối cùng vẫn chưa đưa ra giải pháp hiệu quả. Tôi không nghĩ rằng chính sách mà Nhật Bản muốn ủng hộ trong vài tuần qua là đủ quyết liệt để tạo ra tác động thực sự,” bà nói.
Hashimoto đánh giá giải pháp của chính phủ, chủ yếu là tăng hỗ trợ tài chính, chưa hợp lý và cần có thêm nhiều biện pháp khác, mang tính hệ thống hơn, để giải quyết vấn đề chăm sóc trẻ em./.