Khủng hoảng dồn dập ở các nước nghèo đẩy số tiền cho vay giải cứu của IMF lên mức cao kỷ lục
Tính đến cuối tháng 8, lượng tiền mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã giải ngân đối với các chương trình cho vay giải cứu đạt mức cao kỷ lục, 140 tỉ đô la Mỹ, khi tổ chức này chạy đua ứng phó nhiều cuộc khủng hoảng nợ và tiền tệ xảy ra cùng lúc, khiến ít nhất 5 nước đã rơi vào tình trạng vỡ nợ và dự kiến sẽ có thêm nhiều nước rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga-Ukraine và làn sóng tăng lãi suất trên toàn cầu đã khiến hàng chục nước phải tìm kiếm sự trợ giúp của IMF. Một phân tích của Financial Times dựa vào dữ liệu của IMF cho thấy trong tám tháng đầu năm nay, giá trị các khoản vay giải cứu được IMF giải ngân đã lên tới 140 tỉ đô la Mỹ trong 44 chương trình riêng biệt.
Con số này, dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa trong những tháng tới giữa lúc chi phí vay nợ của nhiều nước đang tăng cao, đã vượt mức dư nợ tín dụng của IMF vào cuối năm 2020 và 2021 khi giá trị các khoản cho vay đạt mức cao kỷ lục hàng năm.
Các chuyên gia dự báo các đợt tăng lãi suất tiếp theo của các ngân hàng trung ương ở các thị trường lớn sẽ đẩy chi phí vay nợ trên thế giới tăng cao hơn nữa và có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Một số nhà phân tích nói rằng năng lực cho vay của IMF có thể sớm bị kéo căng đến mức giới hạn vì các nước nghèo buộc phải gõ cửa IMF khi họ bị cắt đứt khỏi sự tiếp cận thị trường nợ quốc tế.
Tổng cam kết cho vay của IMF, bao gồm cả các khoản vay đã phê duyệt nhưng chưa giải ngân, đang ở mức hơn 268 tỉ đô la Mỹ.
Trong tuần qua, Kevin Gallagher, Giám đốc Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu ở Đại học Boston (Mỹ), công bố một bản báo cáo với các tác giả khác, cảnh báo 55 nước nghèo nhất thế giới phải đối mặt với chi phí trả nợ tổng cộng 436 tỉ đô la Mỹ từ năm 2022 đến năm 2028, với khoảng 61 tỉ đô la Mỹ trong năm nay và năm 2023, và gần 70 tỉ đô la Mỹ vào năm 2024.
IMF đã hạ thấp các mối lo ngại này. Bikas Joshi, Giám đốc bộ phận chiến lược, chính sách và thẩm định của IMF, cho biết tổng số cam kết cho vay IMF vẫn “chỉ là một phần nhỏ của gần 1.000 tỉ đô la Mỹ khả dụng”.
Ông nói lượng tiền cho vay đang tăng lên tương ứng với những rủi ro gia tăng ở các nước đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ IMF.
Tổng số cam kết cho vay của IMF sẽ còn tăng cao hơn nữa khi tổ chức này đang gấp rút đàm phán với một số nước về các gói cho vay giải cứu.
Zambia và Sri Lanka, cả hai nước đều đã vỡ nợ trong đại dịch Covid-19 cùng với Lebanon, Nga và Suriname (một quốc gia ở Nam Mỹ), đang đàm phán các gói vay giải cứu từ IMF như một phần trong nỗ lực tái cơ cấu các khoản nợ của họ. Ghana, Ai Cập và Tunisia đang bắt đầu đàm phán với IMF để nhận được các gói vay hỗ trợ tương tự.
IMF đã thông qua khoản cho vay giải cứu 1,1 tỉ đô la Mỹ cho Pakistan vào cuối tháng 8. Argentina dự kiến sẽ nhận được 3,9 tỉ đô la Mỹ trong vài tuần tới từ IMF như một phần của chương trình cho vay giải cứu 41 tỷ đô la Mỹ.
Theo quy định của IMF, các nước thành viên thường chỉ có thể nhận được hỗ trợ cao nhất là 145% hạn ngạch đóng góp của họ cho IMF, tương đương với tỷ trọng của mỗi nước trong nền kinh tế toàn cầu.
Điều này có nghĩa là chỉ có tối đa khoảng 370 tỉ đô la Mỹ có thể sử dụng để cho vay đối cho các nước thu nhập thấp và trung bình trong tổng khả năng cho vay là khoảng 940 tỉ đô la Mỹ của IMF.
Nhưng giới hạn đó thường bị vượt quá. Gói giải cứu mà IMF dành cho Argentina, được phê duyệt vào tháng 3 để tái cơ cấu các khoản nợ từ khoản cho vay giải cứu kỷ lục 50 tỉ đô la Mỹ của IMF phân bổ cho nước này vào năm 2018, cao gấp hơn 10 lần hạn ngạch đóng góp của Argentina. Các nhà phân tích tại Ngân hàng Goldman Sachs dự báo Ai Cập sẽ sớm nhận được gói cho vay giải cứu 15 tỉ đô la Mỹ, cao gấp 6 lần hạn ngạch đóng góp của nước này ở IMF. Một phần của khoản vay này sẽ được sử dụng để mua lúa mì để sản xuất bánh mì bán với gia trợ cấp cho người dân.
Ai Cập, quốc gia có hơn 103 triệu dân, đang cạn kiệt nguồn ngoại tệ cần thiết để mua các mặt hàng thiết yếu như ngũ cốc và nhiên liệu.
IMF đang bổ sung các cơ chế cho vay mới để tăng khả năng cho vay. Theo truyền thống, IMF cho các nước nghèo vay với lãi suất thấp từ hai phương tiện chính là Tài khoản nguồn lực chung (GRA) và Quỹ tín thác về giảm nghèo và tăng trưởng (PRGT).
Gần đây, IMF đã thành lập Quỹ tín thác bền vững và phục hồi, được thiết kế để giúp các nước có thu nhập thấp và các nước thu trung bình dễ bị tổn thương ứng phó với những thách thức mang tính hệ thống như biến đổi khí hậu. Bikas Joshi, Giám đốc bộ phận chiến lược, chính sách và thẩm định của IMF, cho biết đến nay, quỹ này đã nhận được cam kết tài trợ trị giá 40 tỉ đô la Mỹ, so với mục tiêu 45 tỉ đô la Mỹ.
Một chương trình cho vay khác để ứng phó với các cú sốc lương thực có thể được IMF phê duyệt trước hội nghị thường niên vào tháng tới. Chương trình cho vay này sẽ giúp các nước nghèo chống chọi với chi phí lương thực đang tăng vọt.
Theo Financial Times
Chánh Tài