Khủng hoảng gây hậu quả thảm khốc với chiến dịch tiêm chủng ở Sudan
Hơn 1 triệu vaccine phòng bại liệt cho trẻ em tại Sudan đã bị phá hủy do nạn cướp bóc hoành hoành trong bối cảnh xung đột bạo lực gia tăng kể từ tháng 4.
Trong một email trả lời hãng tin Reuters ngày 5/5, bà Hazel De Wet, Phó Giám đốc Văn phòng Chương trình Khẩn cấp của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cho biết: “Một số cơ sở trữ lạnh vaccine đã bị cướp phá, hư hỏng và phá hủy, bao gồm hơn một triệu vaccine phòng bệnh bại liệt ở Darfur".
Cơ quan này đang tiến hành một loạt chiến dịch tiêm vaccine phòng bại liệt ở Sudan sau đợt dịch bùng phát vào cuối năm 2022.
Bệnh bại liệt, căn bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi, có thể dẫn đến bại liệt và tử vong. Mặc dù châu Phi tuyên bố không còn bệnh bại liệt vào năm 2020 nhưng kể từ năm ngoái, Malawi, Mozambique và Sudan đã ghi nhận các trường hợp bại liệt bị lây từ nước ngoài.
Dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy đã có 28 cuộc tấn công vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Sudan kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng trước giữa lực lượng vũ trang Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF). Bạo lực đã khiến cho ít nhất 500 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.
Nhiều tổ chức nhân đạo đã phải đối mặt với nạn cướp bóc gia tăng. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết họ đã mất nguồn cung cấp trị giá 13-14 triệu USD.
Trong bối cảnh xung đột bạo lực tại Sudan không có dấu hiệu chấm dứt, giới quan sát lo ngại hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này sẽ “sụp đổ hoàn toàn”. Dịch vụ tại hơn 70% bệnh viện ở những khu vực bị ảnh hưởng do xung đột đã ngừng hoạt động. Tổng cộng, 13 trong số các bệnh viện đã bị đánh bom, trong khi 19 bệnh viện khác buộc phải sơ tán.
Các tổ chức y tế và cứu trợ cho biết cuộc xung đột có nguy cơ trở thành một thảm họa nhân đạo khi hàng chục nghìn người chạy trốn sang các nước láng giềng Nam Sudan, Chad, Ai Cập và Ethiopia để tìm nơi an toàn.
“Chúng tôi đang ở trong tình trạng sụp đổ hoàn toàn. Dự trữ thuốc của chúng tôi đã cạn kiệt, các cơ sở y tế đã bị phá hủy và lực lượng y tế cũng thiệt mạng trong giao tranh”, Atiya Abdullah Atiya, một thành viên chủ chốt của Hiệp hội Bác sĩ Sudan, cho biết trong một cuộc điện thoại tới SciDev.Net.
Theo bà Atiya, tình trạng thiếu nhân viên, vật tư y tế và mất điện liên tục có nguy cơ đóng cửa các bệnh viện đang hoạt động còn lại, trong khi số nạn nhân của các cuộc đụng độ đang diễn ra tiếp tục gia tăng.