Khủng hoảng kép bủa vây nước Mỹ

Đã hơn 1 tuần trôi qua, nhưng nước Mỹ vẫn đang chìm trong làn sóng của những cuộc biểu tình, cướp bóc, bạo lực phản đối nạn phân biệt chủng tộc trên nhiều thành phố trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa 'buông tha'.

Mỹ chao đảo vì dịch bệnh COVID-19 và biểu tình

Mỹ đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với số người mắc lên hơn 1,9 triệu người, số tử vong vượt qua 100.000 trường hợp. Mỗi ngày nước Mỹ ghi nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm mới, số tử vong lên tới hơn 1.000 người. Để ứng phó với dịch bệnh, cũng như nhiều quốc gia khác, Mỹ ban hành lệnh hạn chế. Tuy nhiên quyết định này vấp phải sự phản đối của nhiều người và là nguyên nhân đưa hàng nghìn người Mỹ xuống đường biểu tình. Sự giận dữ của người Mỹ gia tăng sau cái chết của người đàn ông da màu tên là George Floyd ở Minnesota do một viên cảnh sát ghì cổ. Video kéo dài 8 phút ghi lại những giờ phút cuối cùng của Floyd khi ông liên tục nói: “Tôi không thể thở được” đã gây chấn động nước Mỹ.

Làn sóng biểu tình phản đối phân biệt sắc tộc bùng lên mạnh hơn, biến thành các cuộc bạo loạn, cướp bóc, thậm chí đã lan sang cả bên kia bờ Đại Tây Dương tới tận châu Âu và có nguy cơ tăng trong thời gian tới. Lợi dụng tình hình này, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh đã trở thành mục tiêu bị cướp phá, đột nhập. Cảnh sát đã bắt giữ hàng nghìn người, đã có thêm người thiệt mạng trong các vụ bạo loạn.

Nhiều thành phố và ngay cả Thủ đô Washington cũng được đặt trong tình trạng giới nghiêm. Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi cái chết của Floyd là một “thảm kịch”, đồng thời lên án biểu tình bạo lực là hành động của “những kẻ cướp bóc, vô chính phủ”. Bất chấp các biện pháp cứng rắn của cảnh sát, lệnh giới nghiêm và cả lời kêu gọi của gia đình Floyd, xin mọi người hãy ngừng đập phá, dòng người biểu tình những vụ cướp phá và hỗn loạn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Biểu tình phản đối phân biệt sắc tộc dâng cao tại Mỹ.

Biểu tình phản đối phân biệt sắc tộc dâng cao tại Mỹ.

Bạo lực sắc tộc - “bài toán” khó giải của Mỹ?

Có vẻ dịch bệnh COVID-19 vẫn là “phép toán” dễ giải hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng sắc tộc vốn âm ỉ nhiều năm nay ở nước Mỹ, chỉ chờ cơ hội là bùng lên. Tổng thống D.Trump tuyên bố sẽ sử dụng quân đội và các lực lượng chặn đứng dòng người biểu tình. Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai khoảng 1.600 binh sĩ quân đội tới Thủ đô Washington sau khi liên tục xảy ra các cuộc biểu tình kích động bạo lực trong đêm. Điều này như “đổ thêm dầu vào lửa” càng thổi bùng cơn thịnh nộ về vấn đề phân biệt chủng tộc ở Mỹ bởi bạo lực không thể giải quyết được bằng vũ lực.

Theo thống kê, trong đại dịch COVID-19, hơn 100.000 người Mỹ đã chết vì dịch bệnh, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân da đen cao gấp 2,4 lần so với người Mỹ da trắng. Ngoài ra, còn hàng loạt vấn đề được cộng đồng người Mỹ gốc Phi cho là bất bình đẳng như thu nhập, việc làm, chăm sóc sức khỏe... Quan trọng nhất là tư tưởng phân biệt chủng tộc ăn sâu cắm rễ trong xã hội Mỹ đã khiến một bộ phận người dân Mỹ cảm thấy bế tắc, thất vọng.

Bên trong rối loạn, bên ngoài Mỹ nhận nhiều chỉ trích từ các tổ chức và các quốc gia khác. Đại diện Cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, EU “sốc và kinh hoàng” khi biết vụ việc, đồng thời ông kêu gọi chính quyền Mỹ kiềm chế sử dụng vũ lực. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bày tỏ quan ngại trước tình trạng bạo lực trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ. Bộ Ngoại giao Nga yêu cầu Mỹ “thực hiện các biện pháp khẩn cấp” để ngăn chặn bạo lực của cảnh sát đối với các nhà báo sau thông tin nhiều nhà báo nước ngoài đã bị thương trong các vụ trấn áp của cảnh sát để giải tán biểu tình ở Thủ đô. Điều đáng lo ngại hơn, là với hàng nghìn người tụ tập trong các cuộc biểu tình, làn sóng dịch thứ nhất chưa qua, Mỹ có thể sẽ “đón tiếp” một đợt dịch COVID-19 mới.

Nhà xã hội học và thành viên của Viện Nghiên cứu Brookings ở Thủ đô Washington, Ramshawn Ray nhận định, điểm khác biệt lớn nhất giữa hai cuộc khủng hoảng hiện tại là COVID-19 có thể biến mất nhờ vắc-xin hoặc đột phá về y tế nhưng nạn phân biệt chủng tộc thì chưa bao giờ biến mất khỏi cuộc sống của người dân Mỹ... TS. Clyder W.Yancy cho rằng, với người Mỹ gốc Phi như anh hiện nay, nguy cơ dịch bệnh không phải là hàng đầu mà chính là màu da của mình.

Trần Hải

((theo LAtimes, ABCnews, NYT))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khung-hoang-kep-bua-vay-nuoc-my-n175166.html