Khủng hoảng khí hậu khiến 'đêm nhiệt đới' kéo dài
Phát biểu trong chuyến thăm Samoa cuối tuần qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), ông Antonio Guterres, cho biết 'số phận' của các đảo trên Thái Bình Dương phụ thuộc vào việc giới hạn ngưỡng tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Gần 200 quốc gia đã cam kết phấn đấu thực hiện mục tiêu này trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Tuy nhiên, theo LHQ, thế giới đang 'không đi đúng hướng' để đạt mục tiêu trên.
Ông Guterres nêu rõ, dù khu vực Thái Bình Dương chỉ tạo ra 0,02% lượng khí thải carbon toàn cầu, nhưng các quốc đảo trong khu vực lại đang “ở tuyến đầu” của cuộc khủng hoảng khí hậu, phải ứng phó với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, từ các cơn bão nhiệt đới mạnh đến các đợt nắng nóng kỷ lục ở đại dương. Mực nước biển tại Thái Bình Dương đang dâng cao, thậm chí nhanh hơn mức trung bình trên toàn cầu, đe dọa tới hàng triệu người dân, khiến các nền kinh tế chịu tác động nghiêm trọng.
Trong khi đó, theo các chuyên gia của LHQ, biến đổi khí hậu do con người gây ra đang khiến hơn 30% dân số thế giới đối mặt với nhiều “đêm nhiệt đới” hơn, có nghĩa là nhiệt độ ban đêm vượt qua ngưỡng 25 độ C (tính từ 6 giờ chiều hôm trước cho đến 9 giờ sáng hôm sau) gây tác hại tới sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có bệnh nền. LHQ cũng cho rằng, 2,4 tỷ người trên thế giới phải chịu “đêm nhiệt đới” ít nhất 2 tuần mỗi năm trong 10 năm qua.
Hàn Quốc được cho là trường hợp đặc biệt nhất khi mà hiện tượng “đêm nhiệt đới” đã kéo dài 26 ngày liên tiếp tại thủ đô Seoul của nước này, xác lập kỷ lục đêm nhiệt đới dài nhất từ trước tới nay. Ngày 25/8, Cục Khí tượng và Thủy văn Hàn Quốc cho biết nhiệt độ thấp nhất lúc 6 giờ 40 phút sáng ngày 18/8 tại Seoul là 28,4 độ C, tức đã xảy ra hiện tượng “đêm nhiệt đới”.
Tại Seoul, hiện tượng này xảy ra lần đầu trong mùa hè năm nay vào ngày 12/7. Sau đó “đêm nhiệt đới” xuất hiện trở lại và kéo dài liên tục, vượt con số kỷ lục đêm nhiệt đới kéo dài liên tiếp 24 ngày ghi nhận hồi năm 1994. Hiện tượng này được giải thích là do nắng nóng khiến bề mặt Trái đất nóng lên vào ban ngày và không hạ hết nhiệt vào ban đêm. Thêm vào đó, mây dày ngăn cản hiện tượng làm mát bức xạ.
Như vậy, tính đến ngày 25/8, tổng số ngày diễn ra hiện tượng “đêm nhiệt đới” tại Seoul là 26 ngày.