Khủng hoảng năng lượng: 'Cơn bão' càn quét toàn cầu

Khác xa với cú sốc đại dịch, thế giới đang bước vào một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng thấy, kể từ năm 1970 đến nay. Giá khí đốt ở châu Âu và châu Á đang ở mức cao nhất mọi thời đại; giá dầu ở mức cao nhất trong 3 năm và giá than tăng cao do tình trạng thiếu năng lượng ở Trung Quốc, Ấn Độ và Đức.

Chuyện gì đang diễn ra?

Tại Anh, tình trạng thiếu tài xế xe tải chở nhiên liệu đã dẫn đến việc mua bán hỗn loạn trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt. Sau Brexit, nhiều tài xế xe tải ở châu Âu đã về nước và không bao giờ quay trở lại. Vấn đề chung của nước Anh là cái gọi “mùa hè không có gió”, trong đó sản lượng điện tái tạo thấp hơn nhiều so với bình thường. Điều này gây ra một áp lực đáng kể cho việc sản xuất điện vì khoảng 24% điện năng được sản xuất từ gió. Nước Anh đã chuyển đổi từ than đá thành một nguồn điện và với nguồn cung cấp khẩn cấp thấp sẽ rất khó để đột ngột chuyển sang sử dụng than đá. Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn cam kết phát triển năng lượng gió và nói rằng ông muốn Vương quốc Anh trở thành “Ả Rập Xê-út về năng lượng gió” với các trang trại gió ngoài khơi đủ tạo ra điện để cung cấp cho mọi gia đình ở Vương quốc Anh trong vòng một thập kỷ.

 Các quốc gia đang lên kế hoạch để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu

Các quốc gia đang lên kế hoạch để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu

Giá dầu đã tăng vọt do mùa hè không có gió và những khó khăn của Anh và Đức trong việc tiếp cận khí đốt của Nga. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã đồng ý thúc đẩy sản xuất, nhưng chỉ trong các bước cầm chừng. Nếu Anh và Đức giải quyết vấn đề cung cấp khí đốt của họ với Nga, có lẽ vào giữa năm 2022, giá khí đốt và dầu sẽ trượt dài. Điều này sẽ gây áp lực lớn lên 20 đến 30 hợp đồng cung ứng dài hạn béo bở của Úc với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ hết hạn sau một vài năm. Có thể các quốc gia khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng khí đốt, chẳng hạn như Việt Nam và Ấn Độ, sẽ gặp khó khăn.

Sự suy thoái của thị trường khí đốt đang buộc các nước chuyển sang sử dụng than để sản xuất điện và cho ngành công nghiệp. Giá than nhiệt ở châu Á tiếp tục đạt mức cao kỷ lục. Ở châu Á, than không đủ đáp ứng nhu cầu dự kiến. Một mùa Đông lạnh giá, sau đó là một mùa hè nóng nực và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn đã dẫn đến nhu cầu của người Trung Quốc lớn hơn. Nó là nguyên nhân chính của một cuộc khủng hoảng điện đang nổi lên ở Trung Quốc. Trung Quốc, các kho dự trữ cạn kiệt; Ấn Độ cũng đối mặt với tình trạng khó khăn tương tự. Ở châu Âu, việc đóng cửa sớm các nhà máy hạt nhân và giá khí đốt kỷ lục được thiết lập để thúc đẩy việc sử dụng than. Giá than nhiệt điện đang đạt mức cao kỷ lục ở châu Âu, và ở Úc, giá than Newcastle tăng 250% và gần với mức cao kỷ lục năm 2008.

Cuộc khủng hoảng này cho thấy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ mất nhiều thời gian hơn và phức tạp hơn dự kiến. Nó sẽ phủ bóng lên các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26 sẽ bắt đầu tại Glasgow vào ngày 31/10 tới.

Cách ứng phó của các nước chủ chốt

Trung Quốc: Ngày 12/10, Trung Quốc - quốc gia đang cắt điện trên diện rộng, tuyên bố sẽ cho phép các nhà máy nhiệt điện than chuyển chi phí phát điện cao cho một số người tiêu dùng cuối cùng thông qua giá điện theo định hướng thị trường. Việc này được kỳ vọng sẽ khuyến khích các nhà máy phát điện thua lỗ tăng sản lượng. Các chính quyền địa phương đã được khuyến khích giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người sử dụng cá nhân để trang trải chi phí điện gia tăng. Các công ty ở trung tâm công nghiệp đã được yêu cầu hạn chế tiêu thụ, cư dân phải chịu cảnh mất điện và các buổi trình diễn ánh sáng hàng năm đã bị hủy bỏ. Ở Quảng Đông, chính quyền thậm chí còn cấm sử dụng thang máy trong các tòa nhà văn phòng từ tầng 3 trở xuống.

Ấn Độ: Trong một động thái có thể đẩy giá toàn cầu vốn đã cao lên, Ấn Độ, nơi dự trữ than trong các nhà máy điện đã giảm xuống mức thấp chưa từng có, đã yêu cầu các nhà sản xuất điện nhập khẩu tới 10% nhu cầu than của họ và cảnh báo các quốc gia rằng nguồn cung cấp điện của họ sẽ bị hạn chế nếu bị phát hiện bán điện trên các sàn giao dịch điện để kiếm tiền khi giá tăng. Bộ Điện lực Ấn Độ cho biết đã chỉ đạo các công ty điện lực tăng cường cung cấp cho thủ đô Delhi, nơi đã được cảnh báo về một cuộc khủng hoảng điện có thể xảy ra. Ở cấp tiểu bang, các chính quyền đang khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm và triển khai cắt điện theo lịch trình để giảm tiêu thụ. Thời gian ngừng hoạt động theo lịch trình được đưa ra ở Punjab, kéo dài tới sáu giờ, đã gây ra các cuộc biểu tình.

Châu Âu: Giá khí đốt ở châu Âu đang ở mức kỷ lục, đẩy giá điện bán buôn tăng 200% trong 9 tháng đầu năm nay. Vương quốc Anh, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nguồn cung cấp ở Biển Bắc cạn kiệt và trữ lượng khí đốt hạn chế, đang cân nhắc cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng vay tiền để giúp họ thanh toán hóa đơn điện. Tại Tây Ban Nha, nơi giá điện đã tăng gấp ba lần kể từ tháng 12 năm ngoái, chính phủ đã công bố các biện pháp khẩn cấp để giới hạn giá năng lượng và lợi nhuận của công ty. Pháp và Ý đã cam kết thanh toán để giúp đỡ các hộ gia đình nghèo nhất. Cơ quan điều hành EU đang tìm hiểu xem liệu các nước thành viên EU có nên mua chung nguồn cung cấp khí đốt khẩn cấp hay không. Pháp và Tây Ban Nha đang dẫn đầu các lời kêu gọi cải cách thị trường năng lượng tự do hóa của khối, mặc dù các quan chức EU đã đưa ra tín hiệu phản ứng trái chiều đối với bất kỳ thay đổi sâu rộng nào.

Mỹ: Nước này đang thận trọng để ý đến các vấn đề năng lượng đang diễn ra ở châu Âu, trong bối cảnh ngày càng lo ngại rằng cuộc khủng hoảng có thể tràn sang Mỹ vào mùa Đông này. Giá xăng tại Mỹ đã tăng 47% kể từ đầu tháng 8, trong khi giá dầu cũng đang được đẩy lên cao. Ngân hàng Bank of America đã dự đoán nhu cầu tăng vọt do thời tiết lạnh giá có thể đẩy giá dầu thô Brent vượt qua 100 USD/thùng, đây sẽ là mức cao nhất trong 7 năm qua. Giá xăng tăng - một vấn đề chính trị gây đau đầu cho Tổng thống Joe Biden trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm tới - đã khiến Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cho biết, Mỹ có thể khai thác kho dầu khẩn cấp để giảm giá dầu và nhiên liệu động cơ.

Nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng vọt sau khi các nền kinh tế lớn bắt đầu phục hồi sau đại dịch.

Việt Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khung-hoang-nang-luong-con-bao-can-quet-toan-cau-165935.html