Khủng hoảng năng lượng: Trung Quốc đã đạt kỷ lục sản lượng than hàng ngày
Các nhà chức trách cho biết Trung Quốc đang trên đà tăng sản lượng than lên thêm gần 6% để đối phó với tình trạng thiếu điện và nước này thậm chí gần đây đã đạt kỷ lục sản lượng than hàng ngày.
Trung Quốc vừa là nhà sản xuất than lớn nhất thế giới vừa là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới.
Trong một tuyên bố, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) hôm thứ Hai cho biết 153 mỏ đã được lệnh kể từ tháng trước nâng công suất thêm 220 triệu tấn mỗi năm.
So với tổng sản lượng của Trung Quốc năm ngoái (3,84 tỷ tấn), thì công suất than hiện nay tăng 5,7%.
Biện pháp này được thực hiện nhằm "đảm bảo cung cấp than trong mùa đông và mùa xuân tới", cơ quan NDRC giải thích.
Chỉ trong quý hiện tại, sản lượng từ các mỏ than trên dự kiến sẽ tăng 50 triệu tấn, NDRC cho biết.
Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết rằng đất nước của ông sẽ bắt đầu giảm lượng khí thải gây ô nhiễm trước năm 2030, NDRC chỉ ra rằng sản lượng than hàng ngày gần đây đã đạt mức cao kỷ lục 11,5 triệu tấn.
Than, một loại năng lượng đặc biệt gây ô nhiễm, cung cấp khoảng 60% sản lượng điện của Trung Quốc.
Trong những tuần gần đây, gã khổng lồ châu Á đã phải đối mặt với việc cắt điện khiến hoạt động sản xuất công nghiệp ở một số khu vực bị gián đoạn.
Trong số những lý do được đưa ra cho việc cắt giảm này: sự phục hồi kinh tế toàn cầu gây áp lực lên các nhà máy ở Trung Quốc, vốn là công xưởng của thế giới, giới hạn sản lượng than được áp đặt vì các mục tiêu khí hậu và việc giá điện không được thả nổi theo thị trường mà theo quy định của nhà nước.
Chính phủ Bắc Kinh gần đây đã công bố bãi bỏ quy định một phần giá điện bán cho các nhà sản xuất.
Trong khi hội nghị về khí hậu của LHQ (COP26) sẽ diễn ra ở Glasgow (Scotland) vào tháng tới, Chủ tịch Tập Cận Bình vào giữa tháng 9 vừa qua đã hứa rằng đất nước của ông sẽ không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới ở nước ngoài nữa.