Khủng hoảng Nga – Ukraine khiến đồng USD trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết
ng USD đã tăng lên mức cao nhất kể từ mùa xuân năm 2020 vào tuần trước khi những lo ngại gia tăng về việc cuộc khủng hoảng của Nga ở Ukraine sẽ lan rộng sang nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính.
Đồng USD đóng vai trò là trụ cột của nền kinh tế toàn cầu và được coi là đồng tiền an toàn nhất để nắm giữ. Vì vậy, trong những thời điểm không chắc chắn, các nhà đầu tư thường rất thích tích trữ USD.
Đồng USD đã chiếm 60% dự trữ toàn cầu vào năm 2021. Ảnh: Getty Images.
Điều gì đang xảy ra hiện nay: Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất kể từ mùa xuân năm 2020 vào tuần trước khi những lo ngại gia tăng về việc cuộc khủng hoảng của Nga ở Ukraine sẽ lan rộng sang nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính.
Một lý do giải thích cho sự gia tăng mạnh mẽ của đồng USD đó là các nhà đầu tư quyết định không muốn giữ đồng EUR nữa do châu Âu cũng đang xung đột với Nga bởi sự phản đối tại Ukraine. Các nhà đầu tư đã bán phá giá đồng tiền chung của khối và thay vào đó mua đồng USD.
Chiến lược gia Francesco Pesole của ING đã nói rằng: “Các thị trường châu Âu không hấp dẫn trong thời điểm này, đơn giản vì nền kinh tế của họ có nhiều liên quan với Ukraine và Nga.”
Chứng khoán Mỹ đã hoạt động tốt hơn so với chứng khoán châu Âu kể từ khi Nga tấn công Ukraine vì nền kinh tế Mỹ có khả năng cách ly nhiều với chiến tranh và những hậu quả của nó.
Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đạt mức cao kỷ lục vào tuần trước do lo ngại về những tác động sẽ xảy ra với năng lượng xuất khẩu từ Nga. Mỹ, nước sản xuất năng lượng lớn, đang bị ảnh hưởng bởi chi phí cao hơn, nhưng mức độ ảnh hưởng này thấp hơn so với các nền kinh tế lớn khác.
Nền kinh tế Mỹ vẫn đang khỏe mạnh mặc dù lạm phát cao và theo dữ liệu công bố hôm thứ 6 cho thấy 678.000 việc làm đã được bổ sung vào tháng 2 - phá vỡ các dự báo.
Thêm vào đó, đồng USD đã tăng giá sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói rằng ngân hàng trung ương có mục tiêu bắt đầu tăng lãi suất vào cuối tháng này, mặc dù tình hình ở Ukraine đã làm mờ triển vọng. Lãi suất cao hơn sẽ giúp thu hút vốn từ nước ngoài, đặc biệt nếu các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu buộc phải trì hoãn việc tăng lãi suất của chính họ lâu hơn.
Trong thời kỳ khủng hoảng, không có nhà đầu tư tiền tệ và các nhà hoạch định chính sách nào muốn nắm giữ đồng EUR. Đồng USD đã chiếm 60% dự trữ toàn cầu vào năm 2021.
Cuộc chiến của Nga đã biến đổi nền kinh tế toàn cầu
Chỉ chưa đầy một tuần, khủng hoảng ở Ukraine đã làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu, khi các biện pháp trừng phạt nhanh chóng của phương Tây đã cô lập Nga, làm sụp đổ tiền tệ và tài sản tài chính của nước này, đồng thời khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt.
Trước đó, nền kinh tế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD của Nga là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Một tháng trước, quốc gia này đã kinh doanh năng lượng bội thu, xuất khẩu hàng triệu thùng dầu thô mỗi ngày với sự trợ giúp từ các công ty dầu mỏ lớn. Các thương hiệu phương Tây đang kinh doanh rất thuận lợi ở Nga và các nhà đầu tư đang cho các công ty của họ vay vốn.
Giờ đây, một loạt các biện pháp trừng phạt đã khiến các ngân hàng lớn nhất của Nga bị cô lập và các công ty phương Tây đang chạy trốn khỏi đất nước hoặc đóng cửa cửa hàng. Chứng khoán Nga đã bị loại khỏi các chỉ số toàn cầu, và giao dịch của một số công ty Nga đã bị tạm dừng ở New York và London.
Các lệnh trừng phạt đã khiến hai ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank và VTB, không được giao dịch bằng USD. Phương Tây cũng đã loại bỏ nhiều ngân hàng Nga - bao gồm cả VTB - khỏi SWIFT, một dịch vụ toàn cầu kết nối các tổ chức tài chính và tạo điều kiện cho các khoản thanh toán nhanh chóng và an toàn.
Liên minh đang cố gắng ngăn chặn việc ngân hàng trung ương Nga bán USD và các ngoại tệ khác để bảo vệ đồng rúp và nền kinh tế của nước này. Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, tổng tài sản trị giá 1 nghìn tỷ USD của Nga hiện đã bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt.
Oliver Allen, nhà kinh tế thị trường tại Capital Economics, cho biết: “Các nền dân chủ phương Tây đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi theo đuổi chiến lược gây áp lực kinh tế mạnh mẽ lên Nga thông qua việc loại bỏ nước này khỏi thị trường tài chính toàn cầu một cách hiệu quả”.
“Nếu Nga tiếp tục con đường hiện tại của mình, rất dễ dàng nhận thấy các biện pháp trừng phạt mới nhất có thể chỉ là những bước đầu tiên trong việc cắt đứt nghiêm trọng và lâu dài các mối quan hệ tài chính và kinh tế của Nga với phần còn lại của thế giới.”
Pesole nói: “Thị trường và ngân hàng trung ương muốn giữ đồng USD vì nó là một loại tiền tệ rất thanh khoản. Nó có khả năng giao dịch cao. Nó được hỗ trợ bởi một nền kinh tế rất mạnh và vững chắc.”
Đồng USD mạnh hơn có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty kiếm được tiền ở nước ngoài, nhưng mối quan tâm lớn hơn là sự đi lên của đồng USD sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các nền kinh tế mới nổi, vốn thường phải trả nợ bằng USD.
Đã có một số lo lắng về việc liệu sự bùng nổ kinh tế của Nga có khiến các nhà đầu tư từ bỏ các thị trường rủi ro hơn như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ hay Mexico hay không và sự leo thang của đồng USD có thể gây thêm áp lực.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine có thể làm lung lay sự thống trị của đồng USD, củng cố quyết tâm của Moscow - cùng với Bắc Kinh - phát triển các cơ chế tài chính thay thế sẽ khiến các lệnh trừng phạt của phương Tây trở nên kém hiệu quả hơn theo thời gian.
Nhưng Pesole cho rằng: “Không có dấu hiệu nào cho thấy sự thống trị của đồng USD đang bị thu hẹp và trong tương lai, đồng USD chắc chắn vẫn sẽ giữ vị trí số một trên thị trường thế giới.”
Huy Hoàng (Theo CNN)