Khủng hoảng nhân đạo thúc đẩy bệnh đậu mùa khỉ

Chủng đậu mùa khỉ mới lây lan nhanh hơn đang bùng phát mạnh ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nhưng kiến thức dịch bệnh, trợ giúp y tế khó đến được với người dân khi đất nước này chìm trong xung đột nhiều năm qua.

Cô Sarah Bagheni ngồi trước lều trại di dời của gia đình ở miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo. Nguồn: AP.

Cô Sarah Bagheni ngồi trước lều trại di dời của gia đình ở miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo. Nguồn: AP.

Điểm bùng phát từ các trại di dời

Cô Sarah Bagheni bị đau đầu, sốt, ngứa và các tổn thương da bất thường trong nhiều ngày, nhưng cô không hề biết rằng, các triệu chứng đó có thể do bệnh đậu mùa khỉ gây ra và cô có thể là một trong số các trường hợp nằm trong tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu đang gia tăng.

Sự gia tăng đáng báo động về các ca bệnh đậu mùa khỉ trong năm nay, với một chủng virus mới được các nhà khoa học ở miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo xác định đã khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đây là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu vào ngày 15/8. Tổ chức này cho biết, biến thể mới có thể đã lây lan ra ngoài 5 quốc gia châu Phi nơi nó đã được phát hiện khi cảnh báo của WHO được đưa ra 1 ngày trước khi Thụy Điển báo cáo trường hợp đầu tiên về chủng mới.

Tại quốc gia Trung Phi rộng lớn Congo, nơi có hơn 96% trong số khoảng 17.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận trên thế giới trong năm nay (khoảng 500 ca tử vong vì căn bệnh này), nhiều người dễ bị tổn thương dường như không biết về sự tồn tại của căn bệnh này hoặc mối đe dọa mà nó gây ra.

Người ta cho rằng, hàng triệu người ở miền đông đất nước không thể tiếp cận được sự trợ giúp hoặc tư vấn y tế do đang xảy ra xung đột, nơi hàng chục nhóm phiến quân đã giao tranh với lực lượng quân đội Congo trong nhiều năm qua vì các khu vực giàu khoáng sản, gây ra cuộc khủng hoảng di cư lớn. Hàng trăm nghìn người như cô Bagheni và chồng đã bị buộc phải vào các trại tị nạn quá tải xung quanh Goma, trong khi nhiều người khác đã phải tị nạn trong thành phố. Điều kiện trong các trại tị nạn rất tồi tệ và hầu như không có cơ sở y tế.

Ông Mahoro Faustin - người điều hành trại Bulengo cho biết, khoảng 3 tháng trước, ban quản lý trại bắt đầu nhận thấy những người trong trại có biểu hiện sốt, đau nhức cơ thể và ớn lạnh - các triệu chứng có thể báo hiệu bệnh sốt rét, sởi hoặc đậu mùa khỉ. Ông Faustin cho biết thêm, không có cách nào để biết có bao nhiêu ca mắc đậu mùa khỉ ở Bulengo vì thiếu xét nghiệm.

Cũng chưa có bất kỳ chiến dịch y tế nào gần đây để tuyên truyền tới hàng chục nghìn người trong trại về đậu mùa khỉ, điều đó khiến ông Faustin lo lắng về những người không được chẩn đoán.

Tiến sĩ Pierre Olivier Ngadjole - cố vấn y tế của nhóm viện trợ quốc tế tại Cộng hòa Dân chủ Congo cho biết, khoảng 70% các ca mắc đậu mùa khỉ mới ở khu vực Goma trong 2 tháng qua được ghi nhận tại một trung tâm điều trị do Medair điều hành là từ các trại di dời. Trường hợp trẻ nhất trong số đó là một em bé 1 tháng tuổi và trường hợp lớn tuổi nhất là một cụ già 90 tuổi.

Khó tiếp cận trợ giúp

Theo cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc (LHQ), có 7 triệu người phải di dời trong nước ở Cộng hòa Dân chủ Congo, trong đó hơn 5,5 triệu người ở phía đông đất nước. Congo có số trại di dời lớn nhất ở châu Phi và là một trong những trại lớn nhất thế giới.

Tiến sĩ Chris Beyrer - Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu của Đại học Duke cho biết, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở miền đông Congo có hầu hết mọi biến chứng có thể xảy ra khi nói đến việc ngăn chặn một đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ. Nó bao gồm chiến tranh, các ngành khai thác mỏ bất hợp pháp thu hút gái mại dâm, dân số tạm trú gần các khu vực biên giới và tình trạng nghèo đói cố hữu. Ông Beyrer cũng cho biết, cộng đồng toàn cầu đã bỏ lỡ nhiều dấu hiệu cảnh báo.

“Chúng tôi đang chú ý đến vấn đề ở thời điểm này, nhưng đậu mùa khỉ đã lây lan từ năm 2017 tại Congo và Nigeria” - ông Beyrer nói, đồng thời cho biết, các chuyên gia từ lâu đã kêu gọi chia sẻ vaccine với châu Phi, nhưng hiệu quả không cao. Ông Beyrer cho rằng, tuyên bố tình trạng khẩn cấp của WHO là “muộn”, khi hơn một chục quốc gia đã bị ảnh hưởng.

Theo ông Beyrer, không giống như Covid-19 hoặc HIV, có một loại vaccine tốt, các phương pháp điều trị và chẩn đoán tốt cho bệnh đậu mùa khỉ, nhưng các vấn đề tiếp cận đang tồi tệ hơn bao giờ hết ở những nơi như miền đông Congo.

Vào năm 2022, đã có các đợt bùng phát ở hơn 70 quốc gia trên khắp thế giới, bao gồm cả Mỹ, khiến WHO cũng phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài đến giữa năm 2023. Phần lớn ở các quốc gia giàu có đã bị đóng cửa trong vòng vài tháng thông qua việc sử dụng vaccine và phương pháp điều trị, nhưng rất ít liều được cung cấp ở châu Phi.

Không rõ chủng mới mạnh đến mức nào, nhưng Congo hiện đang phải chịu đợt bùng phát tồi tệ nhất từ trước đến nay và ít nhất 13 quốc gia châu Phi đã ghi nhận các trường hợp, 4 trong số đó là lần đầu tiên gồm: Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda.

Ông Salim Abdool Karim - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, người chủ trì ủy ban khẩn cấp của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết, đợt bùng phát ở Cộng hòa Dân chủ Congo có sự thay đổi đặc biệt đáng lo ngại ở chỗ, nó ảnh hưởng không cân xứng đến những người trẻ tuổi. Theo báo cáo của CDC châu Phi, trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 70% số ca mắc và 85% tổng số ca tử vong ở nước này.

Theo hãng thông tấn nhà nước Công hòa Dân chủ Congo, tất cả 26 tỉnh của nước này đều đã ghi nhận các trường hợp đậu mùa khỉ, nhưng Bộ trưởng Y tế Samuel-Roger Kamba cho biết, đất nước vẫn chưa có một liều vacicne nào. Ông Kamba kêu gọi “mọi người dân phải cảnh giác theo mọi hướng”.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khung-hoang-nhan-dao-thuc-day-benh-dau-mua-khi-10288402.html