Khủng hoảng tâm lý gia tăng ở tuổi 30 tại Singapore
Áp lực tài chính, kiệt sức vì công việc và gánh nặng chăm sóc gia đình đang đẩy thế hệ 30 tuổi tại Singapore đến giới hạn chịu đựng.

Số ca tự tử ở người độ tuổi 30 tại Singapore tăng vọt trong năm 2024. Ảnh: iStock.
Singapore đang chứng kiến một làn sóng khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng thậm chí dẫn đến tự tử đáng lo ngại trong nhóm người ở độ tuổi 30 - độ tuổi được gọi là “thế hệ kẹp giữa” (sandwich generation), khi vừa phải xây dựng sự nghiệp, vừa nuôi con nhỏ, lại vừa chăm sóc cha mẹ già.
Theo các chuyên gia, sự gia tăng kiệt sức, căng thẳng tâm lý và áp lực xã hội đang khiến tầng lớp này rơi vào khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng.
Số liệu tạm thời công bố cuối tuần qua cho thấy: trong năm 2024, có 75 người ở độ tuổi 30 đã tự tử, tăng từ 66 người năm trước và là nhóm tuổi có số ca tự tử cao nhất trong năm, CNA cho biết.
Theo tổ chức Samaritans of Singapore (SOS), người ở độ tuổi 30 đang phải đối mặt với sự kết hợp phức tạp của các áp lực: từ bất ổn nghề nghiệp, căng thẳng tài chính, xung đột gia đình đến các vấn đề sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, hành vi cực đoan liên quan đến tinh thần hiếm khi bắt nguồn từ một nguyên nhân đơn lẻ. Bác sĩ Sharon Lu, chuyên gia tâm lý lâm sàng tại Viện Sức khỏe Tâm thần Singapore, nhận định: “Tự tử là kết quả của sự tương tác giữa nhiều yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội và văn hóa, cộng thêm sự thiếu hụt khả năng hồi phục tinh thần. Trầm cảm có thể là một phần trong chuỗi áp lực, nhưng người không trầm cảm vẫn có thể nghĩ đến việc tự tử”.
“Nhiều người cùng lúc phải nuôi dạy con, giữ gìn mối quan hệ vợ chồng, chăm sóc cha mẹ lớn tuổi. Thêm vào đó là áp lực từ kỳ vọng xã hội và mục tiêu thành tựu cá nhân. Tất cả đều khiến họ dễ rơi vào trạng thái cô lập xã hội”, bà phân tích.
Bác sĩ tâm thần David Teo, Phó Giám đốc y khoa tại Connections MindHealth Singapore, cho biết nhiều người trong độ tuổi này cảm thấy vỡ mộng nếu cuộc sống không đi theo quỹ đạo mà họ kỳ vọng từ những năm 20 tuổi. “Những mục tiêu và ước mơ chưa thành khiến họ cảm thấy thất bại, bất lực”, ông nói.
Đặc biệt, mạng xã hội góp phần gia tăng áp lực so sánh bản thân. “Họ thường xuyên so đo cuộc sống của mình với người khác và cảm thấy mình bị tụt lại phía sau”, Teo nói thêm. Ngoài ra, các bệnh lý thể chất mạn tính hay vấn đề tâm lý mới khởi phát cũng thường xuất hiện ở giai đoạn này.
Các chuyên gia cảnh báo những dấu hiệu căng thẳng nguy hiểm bao gồm: rối loạn giấc ngủ, ăn uống thất thường, mệt mỏi kéo dài, hay cáu gắt, lo âu tột độ, và cảm giác tội lỗi triền miên.
“Người ở độ tuổi 30 thường xuyên phải "đóng nhiều vai" cùng lúc: nhân viên tận tụy, người con ngoan, cha mẹ có trách nhiệm, người bạn đời gắn bó… nhưng lại không có không gian cho bản thân”, bác sĩ Lu nhấn mạnh.
Áp lực xã hội từ việc mua nhà, thăng tiến, ổn định hôn nhân càng khiến họ dễ rơi vào trạng thái cô lập và tự đánh giá bản thân là “kẻ thất bại”.
Trước làn sóng trầm cảm và tự tử gia tăng, các chuyên gia kêu gọi xây dựng môi trường hỗ trợ tinh thần lành mạnh, bắt đầu từ việc quan tâm và trò chuyện.
“Đừng ngại hỏi thẳng: ‘Bạn có đang nghĩ đến việc tự tử không?’”, bà Chua, đại diện SOS, khuyến nghị. “Câu hỏi đơn giản nhưng đầy nhân văn ấy có thể mở ra cánh cửa chia sẻ”.
Bác sĩ Teo khuyến khích duy trì kết nối với bạn bè, người thân, cộng đồng đức tin. Tự chăm sóc cũng là điều cốt lõi: ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục, ăn uống lành mạnh và dành thời gian cho bản thân.
“Viết nhật ký, đi bộ trong công viên, nghe nhạc sau giờ làm… những hành động tưởng chừng nhỏ bé ấy lại có thể giúp ‘reset’ cảm xúc một cách hiệu quả”, chuyên gia tư vấn Chan May Peng gợi ý.
Nguồn Znews: https://znews.vn/khung-hoang-tam-ly-gia-tang-o-tuoi-30-tai-singapore-post1571939.html