Khủng hoảng taxi ở Seoul
Mức lương không hấp dẫn, nhiều người lao động trẻ tuổi chuyển việc là những nguyên nhân khiến thành phố này lâm vào tình trạng thiếu hụt taxi.
Sau khi rời bữa tiệc với công ty vào tối muộn 18/7, Park (24 tuổi, nhân viên văn phòng) cùng đồng nghiệp đứng bên vỉa hè ở khu Gangnam-gu, Seoul (Hàn Quốc) tìm xe về nhà.
Cả hai đặt taxi trên các ứng dụng phổ biến là Kakao T và UT song đều không gặp may. Trên phố, một số taxi chạy ngang hai người song đều báo hiệu đang có khách hoặc đã được đặt trước, theo Korea Herald.
"Taxi gần như là cách duy nhất để về nhà sau nửa đêm. Sau đại dịch, cuộc sống xã hội và công sở của tôi đang dần trở lại bình thường nhưng lại đối mặt tình trạng thiếu taxi", Park nói.
Nam nhân viên văn phòng là một trong số nhiều người ở Hàn Quốc đang thắc mắc chuyện gì đã xảy ra với những chiếc taxi, phương tiện vốn rất phổ biến trước và thậm chí cả trong thời kỳ đại dịch.
Với việc gỡ bỏ các hạn chế phòng dịch, nhu cầu về taxi ở xứ củ sâm cũng tăng lên. Dữ liệu cho thấy nguyên nhân sâu xa của tình trạng hỗn loạn xe taxi là do số tài xế ngày càng giảm.
Theo một báo cáo công bố hồi đầu tháng của Bộ Lao động Hàn Quốc, số tài xế taxi đăng ký bảo hiểm việc làm trong tháng 6 ít hơn 5.700 người so với cùng kỳ năm ngoái. Một báo cáo khác của Hiệp hội taxi Hàn Quốc cho thấy tính đến tháng 5, chỉ còn lại 69.872 tài xế ở Seoul, ít hơn khoảng 10.000 người so với con số 79.230 vào tháng 1/2020.
Theo những người trong ngành, sự sụt giảm tài xế là do làn sóng chuyển việc sang giao hàng, đồ ăn của nhóm tài xế trẻ tuổi. Một tài xế taxi ở Seoul cho biết: "Nhiều xe đang bị xếp xó ở bãi đậu vì không có đủ người lái. Nhiều đồng nghiệp trẻ của tôi đã chuyển sang giao đồ ăn trong đại dịch vì có thể kiếm được nhiều tiền hơn".
Các tài xế cũng đổ lỗi cho giá taxi thấp và cho biết họ có thể mất tiền khi giá xăng lên cao. Hiện, giá mở cửa ở Seoul là 3.800 won và tăng thêm 100 won cho mỗi 132 m.
"Với mức giá hiện tại, hầu như chỉ hòa vốn", một tài xế khác cho biết.
Thiếu tài xế
Khi những người trẻ tuổi rời đi để theo đuổi công việc có mức lương cao hơn, chỉ còn các tài xế lớn tuổi ở lại bởi công việc này không giới hạn độ tuổi.
"Độ tuổi trung bình của tài xế taxi hiện nay là ngoài 60. Những người lớn tuổi đành ở lại vì khó kiếm việc khác, người trẻ thì đổi công việc để kiếm được nhiều tiền hơn. Vẫn chưa có động lực khuyến khích tài xế trẻ tham gia vào công việc này", lãnh đạo một công ty điều hành taxi nhận định.
Khi làm việc khuya, nhiều tài xế cao tuổi cũng gặp các vấn đề về sức khỏe.
"Tôi không thể nhìn rõ vào ban đêm nên thường nghỉ làm vào khoảng 18h. Có lẽ đây cũng là lý do thiếu taxi đêm như vậy, tài xế trẻ thì ngày càng ít", một tài xế 75 tuổi ở Seoul nói.
Để giảm thiểu tình trạng này, vào tháng 4, Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon đã quyết định tạm thời bỏ hình thức làm việc - nghỉ luân phiên (làm 3 ngày nghỉ 1 ngày) đối với taxi tư nhân, tăng nguồn cung taxi hoạt động riêng vào ban đêm và mở rộng các chuyến xe buýt chạy muộn ở Seoul.
Tuy nhiên, những người làm việc trong ngành cho rằng các nhà chức trách nên xem xét nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và đưa ra những thay đổi để tạo ra nhiều lợi nhuận hơn.
Kim Pil-soo, giáo sư tại Đại học Daelim, cho biết trong một video trên YouTube rằng “nguyên nhân cơ bản” của tình trạng thiếu taxi là do Hàn Quốc thiếu sự đổi mới.
Giáo sư Kim nhận định chính phủ Hàn Quốc cũng phải chịu phần nào trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng taxi ở nước này khi cấm Uber taxi, ứng dụng gọi xe Tada. Lệnh cấm khiến ngành công nghiệp taxi nước này phải dựa vào taxi truyền thống và khi các tài xế có giấy phép rời đi, không có ai lấp đầy chỗ trống của họ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khung-hoang-taxi-o-seoul-post1337222.html