Khủng hoảng thiếu hụt chip điện tử

Thiếu hụt chip máy tính toàn cầu là sự việc chưa từng có trong lịch sử công nghệ hiện đại. Cuộc khủng hoảng khiến người tiêu dùng gặp khó trong việc tìm mua các mặt hàng cơ bản như smartphone, thiết bị gia dụng...

Ngày càng có nhiều nhà sản xuất trên khắp thế giới gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung cấp chất bán dẫn, khiến quá trình sản xuất và giao hàng bị đình trệ, dấy lên mối lo ngại về nguy cơ tăng giá hàng hóa đối với người tiêu dùng.

Thiếu hụt chip toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2023. (Nguồn: Nikkei)

Thiếu hụt chip toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2023. (Nguồn: Nikkei)

Ập đến bất ngờ

Đại dịch Covid-19 là nguyên nhân đầu tiên khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái hồi năm ngoái, phá vỡ chuỗi cung ứng và thay đổi mô hình mua sắm của người tiêu dùng. Vì vậy, để đương đầu với đại dịch, các nhà sản xuất ô tô buộc phải cắt giảm đơn đặt hàng chip trong năm 2020, còn các công ty sản xuất chip cũng giảm bớt hoạt động sản xuất.

Nhưng sự phục hồi nhanh chóng và dự báo sai về nhu cầu của người mua xe hơi đã khiến các nhà sản xuất ô tô phải vội vã đặt hàng số lượng lớn. Trong khi đó, nguồn cung chip bán dẫn lại không đủ.

Ngoài ra, lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ đối với các tập đoàn công nghệ Trung Quốc, cộng với người tiêu dùng đã mua nhiều máy tính xách tay, máy chơi game và các sản phẩm điện tử khác trong thời kỳ đại dịch dẫn đến lượng hàng tồn kho ngày càng eo hẹp.

Mặc dù chip máy tính không quá phức tạp hoặc đắt tiền, nhưng lại là bộ phận không thể thiếu trong việc chế tạo các thiết bị điện tử và mặt hàng gia dụng.

Tình trạng thiếu hụt đang diễn ra ngày càng tồi tệ, lan rộng từ ngành công nghiệp xe hơi đến thị trường điện tử tiêu dùng.

Ước tính của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn có trụ sở tại Mỹ cho biết khoảng 75% công suất sản xuất toàn cầu ở Đông Á, đi đầu là công ty TSMC (Đài Loan) và Samsung (Hàn Quốc). Các công ty bán dẫn của Mỹ chiếm 47% doanh số bán chip toàn cầu, nhưng chỉ 12% sản lượng toàn cầu được sản xuất tại đây.

Sự thiếu hụt là do các công ty châu Á đầu tư quá ít vào các nhà máy sản xuất chip 8 inch. Các công ty này thời gian qua phải vật lộn để tăng cường sản xuất khi nhu cầu về điện thoại và máy tính xách tay 5G tăng nhanh hơn dự kiến.

Qualcomm Inc, công ty chuyên sản xuất chip dành cho smartphone của Samsung, là một trong những nhà sản xuất chip lớn đang vật lộn để theo kịp nhu cầu của người sử dụng. Nhà cung cấp chính Foxconn của Apple cũng cảnh báo về việc thiếu chip ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cho khách hàng.

Tác động rộng khắp

Cuộc khủng hoảng chip ảnh hưởng trước tiên đến ngành công nghiệp xe hơi, đặc biệt là đối với năng suất và doanh số của các hãng lớn như General Motors, Ford và Volkswagen.

Theo công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, việc thiếu hụt chip điện tử ảnh hưởng đến quy trình sản xuất ra 1,3 triệu ô tô và xe tải trên thế giới trong quý I/2021. Báo cáo của công ty cũng cho thấy vụ cháy nhà máy sản xuất chip Renesas ở Nhật Bản hồi tháng Ba, cũng như sự gián đoạn các nhà máy sản xuất chip do thời tiết mùa Đông khắc nghiệt ở Texas, sẽ khiến tình trạng thiếu hụt trở nên trầm trọng.

Tháng trước, nhà sản xuất ô tô mini của Anh cho biết họ đã đình chỉ dây chuyền sản xuất trong ba ngày vì khan hiếm chip. Mới đây, Ford cũng cảnh báo lượng sản phẩm có nguy cơ giảm xuống còn 1,1 triệu xe trong năm nay.

Vào cuối năm ngoái, tác động của cuộc khủng hoảng sự thiếu hụt chip lan rộng sang các mặt hàng điện tử tiêu dùng.

Tháng trước, báo cáo tài chính của Apple chỉ ra rằng tập đoàn sẽ phải chịu tổn thất từ ba đến bốn tỷ USD trong hai quý đầu năm, gây tác động lớn nhất đến các sản phẩm Mac và iPad.

Mới đây, “gã khổng lồ” công nghệ Xiaomi của Trung Quốc tăng giá một số mẫu TV, với lý do giá các linh kiện chính tăng cao hơn trước. Trong khi đó, hai tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc và Sony của Nhật Bản cũng đồng loạt tăng giá sản phẩm.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng đã bắt đầu ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất thiết bị gia dụng của Trung Quốc. Nhà sản xuất đồ điện gia dụng lớn nhất thế giới, Midea Group cho biết giá chip sử dụng để chế tạo thiết bị gia dụng sẽ tăng cao nếu tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu vẫn tiếp diễn.

Chịu tác động lớn nhất từ cuộc khủng hoảng chip vẫn là người tiêu dùng. Mặc dù nhu cầu đối với các mặt hàng điện tử tiêu dùng và ô tô có xu hướng khá nhạy cảm với giá cả, nhưng nguồn cung giảm có thể làm tăng 1-3% giá của các mặt hàng bị ảnh hưởng. Điều này có thể tạm thời làm tăng lạm phát vào cuối năm nay.

Sức ép về chip đã đẩy giá xe ở Mỹ lên cao. Mức giá mới trung bình lên đến 37.200 USD trong quý đầu tiên, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, tình trạng gián đoạn sản xuất do khan hiếm chip sẽ còn tiếp diễn. CEO của hãng sản xuất chip Infineon (Đức) Reinhard Ploss đánh giá sẽ mất khoảng hai năm để cung và cầu chip được cân bằng.

THỦY VY

(theo SCMP/Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-thieu-hut-chip-dien-tu-145824.html