Khủng hoảng Ukraine gia tăng áp lực lên tình hình lạm phát
Diễn biến căng thẳng trong quan hệ Nga-Ukraine có thể đẩy giá cả nhiều mặt hàng lên cao hơn nữa tại thời điểm mà lạm phát đang gia tăng với tốc độ nhanh nhất hàng chục năm qua.
Giới chuyên gia kinh tế đang liên tục đánh giá tác động của tình trạng căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng.
Theo các chuyên gia, tình trạng căng thẳng này có thể sẽ không đẩy nền kinh tế toàn cầu quay lại suy thoái, nhưng sự xáo trộn trên thị trường, mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt và khả năng gián đoạn nguồn cung đang đẩy giá năng lượng và nhiều mặt hàng nông sản gia tăng.
Kết quả là người tiêu dùng sẽ phải chi trả nhiều hơn cho xăng và thực phẩm. Ông Ben May, Giám đốc phụ trách nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của công ty phân tích và dự báo kinh tế Oxford Economics (Vương quốc Anh), dự đoán lạm phát có thể sẽ tại “đỉnh” mới mà chỉ vài ngày trước chỉ nằm trong tưởng tượng. Dưới đây là những mặt hàng có thể trở nên đắt đỏ hơn nhiều dưới tác động của diễn biến tại Ukraine.
* Nhiên liệu
Giá dầu toàn cầu đã tăng vượt mức 105 USD/thùng trong phiên 24/2, chạm mức cao nhất kể từ năm 2014. Tại Mỹ, giá dầu đã tiến gần đến mốc 100 USD/thùng.
Điều này sẽ khiến giá xăng tăng cao hơn, làm đội chi phí cho người tiêu dùng. Tại Mỹ, trung bình giá xăng đã tăng từ 3,33 USD/gallon một tháng trước và 2,66 USD/gallon và thời điểm này năm ngoái lên 3,54 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít). Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách kiềm chế đà tăng giá năng lượng, trong bối cảnh nhu cầu tăng cao và nguồn cung thắt chặt.
Giá khí tự nhiên, loại nhiên liệu được dùng để sưởi ấm và sản xuất điện, cũng đang leo thang. Trong phiên 24/2, giá khí đốt tiêu chuẩn tại châu Âu đã tăng đến 29% lên 114,65 euro (127,80 USD) một megawatt giờ hour, theo số liệu từ cơ quan phân tích thông tin thị trường Independent Commodity Intelligence Services.
Mức giá này dù vẫn thấp hơn mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay ghi nhận trước dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, nhưng vẫn sẽ tác động mạnh đến khả năng tài chính của người tiêu dùng nếu giá cứ tiếp tục leo thang.
Ngân hàng Bank of America trước đó ước tính các hộ gia đình châu Âu sẽ phải trả thêm 650 euro (724 USD) cho năng lượng trong năm nay, khiến chi tiêu trung bình tăng lên 1.850 euro (2.061 USD).
Giá năng lượng cao hơn cũng sẽ làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp. Nhiên liệu bay sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với các hãng hàng không, từ đó có thể đẩy giá vé máy bay tăng cao, trong khi các nhà chế tạo tiêu thụ nhiều điện, như các nhà sản xuất thép, cũng sẽ bị “vắt kiệt hầu bao”. Tình hình này sẽ tác động khắp nền kinh tế.
* Thực phẩm
Giá thực phẩm toàn cầu đã lên gần mức cao nhất 10 năm qua. Giờ đây, căng thẳng Nga-Ukraine có thể khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Nga là nước xuất khẩu lúa mỳ hàng đầu thế giới, trong khi Ukraine cũng là một nước xuất khẩu lúa mỳ và ngô lớn. Cả hai nước này cũng đang xuất khẩu dầu thực vật. Giá lúa mỳ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012 trong phiên 24/2. Giá ngô và đậu tương cũng tăng mạnh.
Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước mua nhiều múa mỳ của Nga nhất. Nhưng đây sẽ không phải là những nước duy nhất bị ảnh hưởng nếu các chuyến hàng bị trì hoãn hay các lệnh trừng phạt làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu.
Theo chuyên gia về hàng hóa của ngân hàng Rabobank Michael Magdovitz, Ukraine vẫn cần phải xuất khẩu 15 triệu tấn ngô và khoảng 5-6 triệu tấn lúa mỳ trong vụ mùa này.
Hiện giờ các nước mua hàng như Trung Quốc đang tìm các nguồn cung thay thế từ châu Âu và Mỹ. Nếu tình hình bất ổn tại Ukraine vẫn kéo dài, nguồn cung hạn chế ở những nơi này có thể còn trở nên căng thẳng hơn nữa.
Ông Helima Croft, người phụ trách chiến lược hàng hóa toàn cầu của ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets của Canada, cho biết nguy cơ lạm phát giá thực phẩm đang trở nên trầm trọng vì Nga và Ukraine chiếm 25% lượng lúa mỳ xuất khẩu trên toàn cầu, trong khi mình Ukraine chiếm đến 13% lượng ngô xuất khẩu.
Bên cạnh đó, RBC cho biết người nông dân còn có thể phải chịu một “đòn giáng” khác, khi Nga là nhà sản xuất ammonium nitrate lớn nhất thế giới. Đây là một thành phần chủ chốt trong phân bón.
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack mới đây cho biết người tiêu dùng châu Âu có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn người tiêu dùng Mỹ bởi sự gia tăng mạnh của giá thực phẩm.
* Kim loại
Giá nhiều mặt hàng kim loại được sử dụng trong một loạt các sản phẩm tiêu dùng đang tăng mạnh, khi giới đầu tư đang đào sâu vào những hệ lụy từ căng thẳng Nga-Ukraine và dự đoán xem liệu các lệnh trừng phạt có thể ảnh hưởng đến ngồn cung hay không.
Các chuyên gia phân tích của công ty cung cấp thông tin năng lượng và hàng hóa S&P Global Platts (Vương quốc Anh) cho biết Nga là nước sản xuất lớn đối với nhiều mặt hàng kim loại như nhôm, nickel và đồng. Theo giới chuyên gia, hoạt động thương mại với Nga gần như chắc chắn sẽ chịu nhiều lệnh trừng phạt, và điều này có thể “bóp nghẹt” hơn nữa các nguồn cung trên thị trường toàn cầu vốn đã sẵn thắt chặt. Trong phiên 24/2, giá nhôm đã xác lập mức cao kỷ lục mới tại thị trường London.
Tập đoàn Rusal của Nga, vốn đã bị Mỹ trừng phạt trước đó, là một trong những nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới. Nếu các lệnh trừng phạt mới được ban hành, giá nhôm có thể sẽ tăng vọt lên các mức cao mới.
Gần đây, giá kim loại đang trên đà tăng vì các nhà sản xuất tại châu Âu phải cắt giảm sản lượng do giá điện tăng cao. Kể cả khi Rusal không bị trừng phạt, thì đà tăng mạnh gần đây của giá năng lượng cũng có thể khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Các kim loại như nhôm được sử dụng trong hàng ngàn sản phẩm trên toàn thế giới, từ hộp chứa thực phẩm và nước uống, cho đến các phương tiện và các mặt hàng điện tử./.