Khủng hoảng Ukraine tác động tới cục diện Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Chuyên gia nhận định rằng những gì đang diễn ra tại Ukraine thực sự đẩy nhanh sự sụp đổ của trật tự thế giới cũ.

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại đây đang làm nảy sinh nhiều vấn đề địa chính trị. Nhiều ý kiến nhận định rằng, chiến dịch quân sự này đi kèm với các đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sẽ tác động tới cục diện không chỉ tại khu vực châu Âu – Đại Tây Dương mà còn cả các mối quan hệ trong thế giới đương đại; trong đó có cả tình hình tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Để có thêm góc nhìn về chủ đề này, phóng viên thường trú VOV tại Ấn Độ đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia phân tích Manoj Joshi, nghiên cứu viên cao cấp của Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát, Ấn Độ.

Chuyên gia phân tích Manoj Joshi, nghiên cứu viên cao cấp của Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát, Ấn Độ.

Chuyên gia phân tích Manoj Joshi, nghiên cứu viên cao cấp của Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát, Ấn Độ.

PV: Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đang dẫn tới các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga. Dư luận đang nói tới việc một trật tự thế giới mới sẽ ra đời sau biến cố này. Ông nghĩ sao về tương lai này?

Ông Manoj Joshi: Điều đang xảy ra trước khi Trật tự Thế giới mới xuất hiện, đó là chúng ta nhìn thấy Trật tự Thế giới vốn tồn tại đang đổ vỡ. Thế giới hiện nay đang phân tách, dẫn tới sự rối loạn. Chúng ta thấy vai trò của Liên Hợp Quốc cũng bị suy yếu đi. Vậy nên, mô tả chính xác hơn về những gì đang diễn ra tại Ukraine thực sự đang đẩy nhanh sự sụp đổ của trật tự thế giới cũ. Và chúng tôi không biết khi nào trật tự mới sẽ ra đời. Đó là một điều rất khó dự báo.

PV: Vậy theo ông, những căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine liệu có dẫn tới một cuộc Chiến tranh Lạnh mới?

Ông Manoj Joshi: Tôi nghĩ đó không phải là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Vấn đề ở đây là tồn tại sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ ở mức độ nhất định. Còn còn năng lực cạnh tranh về kinh tế của Nga thì vẫn còn hạn chế. Vì vậy không thể xem đây là nhân tố chính trong bức tranh toàn cảnh. Trong Chiến tranh Lạnh kiểu cũ, ta thấy 2 hệ thống chính trị đối lập tồn tại mà có rất ít sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Gần như không có gì chung tồn tại giữa Mỹ và Liên Xô cả.

Còn bây giờ thì có rất nhiều sự phụ thuộc giữa các nước. Nếu Trung Quốc xuất hiện trong bức tranh này, đó sẽ là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Nhưng hiện tại tôi nghĩ Trung Quốc đang cố gắng cân bằng mối quan hệ của họ với Nga và với phần còn lại của thế giới.

PV: Ông nghĩ sao về việc Nga và Trung Quốc có thể lập liên minh sau khủng hoảng ở Ukraine?

Ông Manoj Joshi: Tôi nghĩ nền kinh tế Nga sẽ bị ảnh hưởng nặng nề sau khủng hoảng Ukraine. Trung Quốc sẽ giới hạn liên minh của họ ở mức độ nào đó. Nga có thể sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Đó là thực tế. Nhưng chúng ta đều biết, Trung Quốc có quan hệ tốt với Tây Âu. Trung Quốc cũng có quan hệ kinh tế mạnh với Mỹ và Nhật Bản. Nên tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ sẵn lòng để vượt qua lằn ranh này bởi họ sẽ phải phá vỡ mối quan hệ với các đối tác lớn khác.

PV: Thưa ông, lãnh đạo của Nhóm Bộ tứ Quad gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã phải tổ chức cuộc họp trực tuyến mới đây nhằm bàn về khủng hoảng Ukraine. Sự trung lập của Ấn Độ trong vấn đề này có lẽ là ngoài mong đợi của 3 thành viên còn lại. Vậy đây có phải là ‘vết rạn’ đối với Nhóm Bộ tứ Quad hay không?

Ông Manoj Joshi: Tôi không nghĩ vậy. Tôi cho rằng Mỹ hiểu sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Nga. Tôi nghĩ các nước Quad cũng hiểu điều đó. Và các thành viên Quad hiểu rằng Quad phải tập trung vào công việc ở Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Những gì đang xảy ra ở đây cũng giống như những gì xảy ra ở châu Âu. Tôi không nghĩ đó là vấn đề. Tất cả đều hiểu được bản chất. Dĩ nhiên, nếu mọi thứ tồi tệ hơn, có thể điều gì đó xảy ra trong Nhóm Bộ tứ nhưng vào lúc này thì không.

PV: Thủ tướng Ấn Độ Modi có nói trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Nhóm Bộ tứ rằng khối này nên tập trung vào các vấn đề của khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Ông bình luận như thế nào về phát ngôn này?

Ông Manoj Joshi: Đây là điểm đáng chú ý. Quad phải tập trung giải quyết vấn đề của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Quad phải tập trung vào vấn đề kết nối, vấn đề kinh tế, sản xuất và phân phối vaccine, hợp tác về công nghệ và phải phối hợp bên trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Không nên xen vào chuyện ở châu Âu.

PV: Vậy tác động của cuộc chiến tranh tại Ukraine lên khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương là gì?

Ông Manoj Joshi: Một hệ quả của cuộc khủng hoảng này là việc châu Âu Đang tăng chi tiêu quốc phòng để nâng cao năng lực phòng thủ. Vì thế, nếu châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng, thì Mỹ sẽ có nhiều nguồn lực hơn dành cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Nếu châu Âu không làm vậy, Mỹ sẽ phải dành công sức, tiền của để giúp châu Âu. Nhưng hiện tại, châu Âu có vẻ sẵn sàng để tự đảm bảo an ninh cho mình.

Châu Âu là khu vực phát triển. Họ làm chủ được rất nhiều công nghệ, và nếu châu Âu trở nên tự chủ về mặt an ninh, khi đó Mỹ sẽ có dư nguồn lực để dành cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tôi nghĩ hệ quả của cuộc khủng hoảng này có thể dẫn tới việc Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bởi châu Âu sẽ tự đảm nhận an ninh của mình về trung hạn.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Phan Tùng/VOV - New Delhi

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/khung-hoang-ukraine-tac-dong-toi-cuc-dien-an-do-duong-thai-binh-duong-post930951.vov