Ngăn chặn nguy cơ xung đột vũ trang tăng cao là vấn đề cấp bách với thế giới

Chiến tranh đang trở thành 'hiện trạng mới' trên toàn cầu với các cuộc xung đột vũ trang tăng cao và xảy ra ở khắp các khu vực. Ngăn chặn nguy cơ chiến tranh đã trở thành vấn đề cấp bách với thế giới.

Ít nhất 55 cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra

Mới đây, 51 người đoạt giải Nobel đã ký vào một bức thư ngỏ kêu gọi Nga và Ukraine, Hamas và Israel cùng các bên tham chiến khác trong hàng chục cuộc xung đột trên toàn thế giới cần ngừng bắn ngay lập tức, trao đổi tù nhân và bắt đầu đàm phán hòa bình. Thông điệp lưu ý rằng có ít nhất 55 cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra trên thế giới. Họ nhấn mạnh lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, số người thiệt mạng và bị thương ở châu Âu có thể vượt ngưỡng 1 triệu người. Những người đoạt giải Nobel kêu gọi chuyển giải pháp giải quyết xung đột cho thế hệ tương lai nếu các chính trị gia hiện tại không thể thống nhất.

Xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas ở dải Gaza vẫn diễn biến căng thẳng

Xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas ở dải Gaza vẫn diễn biến căng thẳng

Trước đó, Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo (PRIO) đã công bố một báo cáo cho thấy trong năm 2023, thế giới đã trải qua số lượng xung đột vũ trang cao nhất kể từ năm 1946. Cụ thể, 59 cuộc xung đột đã được ghi nhận trên khắp thế giới, trong đó gần một nửa (28) xảy ra ở châu Phi. Sau châu Phi, các khu vực trên thế giới bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi xung đột vũ trang là châu Á (17), Trung Đông (10), châu Âu (3) và châu Mỹ (1).

Bà Siri Aas Rustad, nhà nghiên cứu tại PRIO và là tác giả chính của báo cáo trên cho biết: “Bạo lực trên thế giới chưa bao giờ cao đến vậy kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Các số liệu cho thấy, bức tranh xung đột ngày càng trở nên phức tạp, với số lượng lớn hơn các bên tham gia trong cùng một quốc gia”. Theo báo cáo của PRIO, tổng số người chết trong 3 năm qua vẫn cao nhất trong 3 thập kỷ qua.

Nhìn trên toàn cầu, các “điểm nóng” vẫn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến tình hình địa chính trị toàn cầu. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ 3 và hiện vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm đi vào đàm phán hòa bình. Không những thế, nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Nga với khối quân sự NATO đang tăng lên bởi sự can dự ngày càng trực tiếp của liên minh quân sự này vào cuộc xung đột ở Ukraine. Nếu điều đó xảy ra, nhân loại sẽ phải đối mặt với chiến tranh thế giới thứ ba và nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tại Trung Đông, cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas bùng phát sau khi Hamas tấn công Israsel bằng tên lửa vào tháng 10-2023 vẫn tiếp diễn. Hiện nay, cuộc xung đột này không còn được coi là mang tính địa phương nữa mà có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực và thế giới. Ở cấp độ khu vực, việc các nhóm như Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen cùng các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn ở Iraq, Syria tham gia vào xung đột đã đẩy tình hình Trung Đông “nóng” hơn bao giờ hết. Cuộc chiến cũng lôi kéo những nhân tố bên ngoài can thiệp vào khu vực, đơn cử là các cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau giữa Houthi và Mỹ, Anh, Pháp từ đầu năm 2024.

Trên Bán đảo Triều Tiên, vấn đề hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tiếp tục gây tranh cãi. Trong khi đó, sau 2 năm nắm quyền, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã thực hiện nhiều điều chỉnh chiến lược, kiên quyết bác bỏ việc ưu tiên hợp tác với Triều Tiên, vốn là nền tảng của chính phủ dưới thời người tiền nhiệm Moon Jae-in, đồng thời bắt tay vào cách tiếp cận ngày càng đối đầu với Bình Nhưỡng.

Vấn đề cấp bách với thế giới

Chiến tranh và xung đột vũ trang tác động tiêu cực đến thế giới theo nhiều cách. Trước hết, nó thúc đẩy tăng chi phí quân sự và chạy đua vũ trang trên toàn cầu. Báo cáo thường niên được công bố gần đây của Viện Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm 2023 đạt mức đáng kinh ngạc: 2,443 nghìn tỷ USD. Đây là mức tăng chi tiêu quốc phòng hằng năm cao nhất từ trước đến nay kể từ năm 2009 và thế giới chưa bao giờ, ít nhất là trong suốt thời gian tồn tại của SIPRI, lại chi tiêu nhiều tiền như vậy cho việc tăng cường tiềm lực quân sự. Cần nói thêm rằng, mức tăng trưởng trung bình của ngân sách quốc phòng năm 2023 cao hơn gấp đôi mức tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu (khoảng 3%). Nếu những động lực đó được duy trì ổn định thì đến giữa những năm 2030, tổng chi tiêu quốc phòng hằng năm trên toàn cầu có khả năng vượt quá 5 nghìn tỷ USD và đến giữa thế kỷ này, tổng cộng sẽ là 10 nghìn tỷ USD.

Trong khi đó, một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới đã bắt đầu và trở thành đại diện cho cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp quy mô của Mỹ và Nga, trong khi Bắc Kinh tiếp tục bác bỏ ý tưởng tham gia vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí. Iran thì đang tiến gần hơn tới việc sở hữu vũ khí hạt nhân và Hàn Quốc cũng đang nói về điều đó. Việc phổ biến vũ khí hạt nhân đang được phát triển nhanh chóng và khi xu thế này lan rộng, khả năng sử dụng chúng sẽ tăng lên. Điều này gợi nhớ đến giai đoạn Chiến tranh Lạnh, khi mọi người sống dưới sự đe dọa của những “đám mây hình nấm”.

Từ góc độ kinh tế, trang mạng Nikkei Asia cảnh báo chiến tranh đang trở thành “hiện trạng mới” trên toàn cầu và các quốc gia cũng như doanh nghiệp đều cần phải tính đến sự lan rộng của xung đột và tác động tiêu cực của nó đối với các nền kinh tế. Trước đây, tác động tức thời của chiến tranh thường chỉ được cảm nhận ở các quốc gia ở gần nơi xảy ra giao tranh. Còn ngày nay, tác động đó có thể dễ dàng mang tính toàn cầu, như cuộc xung đột ở Ukraine đã làm gián đoạn nguồn cung trên thị trường năng lượng và thực phẩm thế giới, hay như việc lực lượng Houthi tấn công vào tàu thuyền qua Biển Đỏ nhằm thể hiện sự ủng hộ với lực lượng Hamas trong cuộc đối đầu với Israel đã làm gián đoạn tuyến vận tải biển trong khu vực, đẩy chi phí vận tải toàn cầu lên cao.

Ngăn chặn nguy cơ chiến tranh đã trở thành vấn đề cấp bách với thế giới. Để duy trì hòa bình, ổn định trên toàn cầu, trước hết cần đề cao vai trò duy trì hòa bình và an ninh thế giới của Liên hợp quốc. Các nước cần thực hiện nghiêm túc và đầy đủ những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia; không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, không có các hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng làm gia tăng căng thẳng.

Khi thế giới đang phải đối diện với nhiều biến động lớn, Hội đồng Hòa bình Thế giới - tổ chức đóng vai trò nòng cốt trong triển khai các hoạt động đấu tranh bảo vệ nền hòa bình chung của nhân loại cần tiếp tục củng cố, tăng cường hơn nữa sự đoàn kết, triển khai nhiều hơn các sáng kiến và đẩy mạnh hoạt động phản đối chiến tranh, ngăn ngừa xung đột, ngăn chặn chạy đua vũ trang, thúc đẩy phi quân sự hóa nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột quân sự tại các khu vực trên thế giới.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ngan-chan-nguy-co-xung-dot-vu-trang-tang-cao-la-van-de-cap-bach-voi-the-gioi-post582998.antd