Khủng long ở Mỹ có sừng lưỡi kiếm giống thần lừa lọc Loki

Khoảng 78 triệu năm trước, tại một đồng bằng ven biển cận nhiệt đới, nay thuộc phía bắc bang Montana (Mỹ), có một loài khủng long 4 chân ăn cỏ có thân hình hơi giống một con tê giác với bộ sừng đồ sộ, giống lưỡi kiếm của thần lừa lọc Loki trong thần thoại Bắc Âu.

Ngày 20/6, các nhà khoa học cho biết loài khủng long mới được xác định này có tên là Lokiceratops rangiformis, dài khoảng 6,7 m, nặng khoảng 5,5 tấn. Nó sử dụng chiếc mỏ khỏe ở phía trước miệng để tìm kiếm các thảm thực vật phát triển thấp như dương xỉ và thực vật có hoa.

Lokiceratops có 2 chiếc sừng cong dài hơn 40 cm phía trên mắt, những chiếc sừng nhỏ trên má, cùng những lưỡi kiếm và gai dọc theo tấm khiên đầu mở rộng của nó.

Trên diềm xếp nếp này, nó có ít nhất 20 chiếc sừng, trong đó có một cặp sừng cong hình lưỡi dao không đối xứng, mỗi chiếc dài khoảng 61 cm. Đó là những chiếc sừng diềm lớn nhất từng được quan sát thấy trên một con khủng long.

Những chiếc sừng giống như lưỡi kiếm này gợi nhớ đến vũ khí của thần lừa lọc Loki trong thần thoại Bắc Âu. Đặc điểm này đã được thể hiện trong tên khoa học của nó. Lokiceratops rangiformis có nghĩa là "khuôn mặt có sừng của Loki" và "có hình dạng giống như tuần lộc", ám chỉ thực tế là diềm xếp nếp của nó có những chiếc sừng có độ dài khác nhau ở mỗi bên, giống như gạc tuần lộc.

 Loài khủng long có sừng Lokiceratops thời kỳ Kỷ Phấn trắng, có hóa thạch được khai quật ở vùng đất cằn cỗi Montana, Mỹ. Ảnh: Sergey Krasovskiy

Loài khủng long có sừng Lokiceratops thời kỳ Kỷ Phấn trắng, có hóa thạch được khai quật ở vùng đất cằn cỗi Montana, Mỹ. Ảnh: Sergey Krasovskiy

Đây là một trong vô số loài khủng long có sừng, được gọi là ceratopsians, đã đi lang thang phía tây Bắc Mỹ trong Kỷ Phấn trắng vào thời điểm một vùng biển nội địa lớn chia đôi lục địa.

Theo nhà cổ sinh vật học Joe Sertich thuộc Viện nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian và Đại học bang Colorado, đồng tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí PeerJ, sừng và diềm của Lokiceratops rất có thể được sử dụng để đe dọa đối thủ, thu hút bạn tình hoặc nhận ra các thành viên cùng loài.

Hóa thạch Lokiceratops được khai quật tại một địa điểm ở bang Montana, cách biên giới Mỹ với Canada khoảng 3,6 km về phía nam. Lokiceratops sinh sống ở vùng đồng bằng ven biển có rừng, hồ và đầm lầy dọc theo bờ biển phía đông của Laramidia, vùng đất bao gồm phía tây Bắc Mỹ.

Ceratopsian có 2 nhóm chính: chasmosaurines, bao gồm loài khủng long có sừng lớn nhất Torosaurus và Triceratops; và centrosaurines, như Lokiceratops. Khủng long ở 2 nhóm này có thể có chế độ ăn khác nhau, giảm thiểu sự cạnh tranh về tài nguyên. Khủng long ceratopsian có miệng chứa hơn 200 chiếc răng có thể cắn đứt thực vật.

Điều đáng ngạc nhiên là Lokiceratops lại là một trong 5 loài khủng long có sừng có chung hệ sinh thái. Bốn loài còn lại là centrosaurine, trong đó có hai họ hàng gần của Lokiceratops là Medusaceratops và Albertaceratops. Nhà cổ sinh vật học và đồng tác giả nghiên cứu Mark Loewen của Đại học UtahLoewen mô tả điều này giống như việc tìm thấy 5 loài voi sống trên cùng một thảo nguyên ở Kenya.

Nhà cổ sinh vật học Sertich cho biết, sự hiện diện của tất cả các loài động vật này cùng nhau cho thấy có sự tiến hóa nhanh chóng của các loài centrosaurine mới xảy ra ở một khu vực địa lý hạn chế.

Các loài khủng long khác trong hệ sinh thái này bao gồm khủng long mỏ vịt ăn cỏ Probrachylophosaurus và một loài khủng long ăn thịt lớn, chỉ được biết đến từ răng hóa thạch và chưa được đặt tên, cùng dòng dõi với T-rex sau này. Lokiceratops là loài ăn thực vật lớn nhất trong hệ sinh thái này.

Ngọc Ánh (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khung-long-o-my-co-sung-luoi-kiem-giong-than-lua-loc-loki-post300248.html