Khung năng lực số cho người học: Người thầy đi trước một bước
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 02/2025/TT-BGDĐT quy định Khung năng lực số cho người học (Thông tư 02).
Đây là căn cứ quan trọng để các cơ sở giáo dục và đào tạo có thể soi chiếu, hoàn thiện khung năng lực số cho thầy - trò, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Cơ sở để soi chiếu
Thông tư 02 có hiệu lực từ ngày 11/3/2025. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục, chương trình giáo dục, đào tạo và người học trong hệ thống giáo dục quốc dân; các tổ chức, cá nhân có liên quan.
TS Trương Tiến Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội nhìn nhận, Khung năng lực số được sử dụng làm cơ sở để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng và phát triển chương trình giáo dục; xây dựng tài liệu học tập, tài liệu hướng dẫn để phát triển năng lực số cho người học.
Đồng thời, làm cơ sở để đánh giá yêu cầu, kết quả đạt được về năng lực số của người học trong các chương trình giáo dục; xây dựng tiêu chí trong kiểm tra, đánh giá, công nhận năng lực số của người học; bảo đảm tính thống nhất về yêu cầu năng lực số của người học; làm cơ sở để đối sánh hoặc tham chiếu giữa các chương trình giáo dục, khung năng lực số.
Từ góc độ cơ sở giáo dục phổ thông, thầy Hoàng Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (TP Huế) cho rằng, đào tạo Khung năng lực số cho học sinh phổ thông theo các nội dung đề ra trong thông tư hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, cách triển khai ưu tiên sử dụng phương án tích hợp vào các môn học trong Chương trình GDPT 2018, không nên tách thành một môn học độc lập.
Năm 2025, ngành Giáo dục tổng rà soát việc thực hiện Chương trình GDPT 2018. Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Huế nhận định, đây là dịp để tích hợp năng lực số phù hợp vào kế hoạch giảng dạy của các cơ sở giáo dục. Song, cần có sự chuẩn bị chu đáo từ đội ngũ giáo viên và điều kiện hạ tầng nhằm triển khai hiệu quả Thông tư này.
Đại học Quốc gia TPHCM đang đẩy mạnh xây dựng Khung năng lực số cho giảng viên trong hệ thống. Vì vậy, PGS.TS Hồ Quốc Bằng - Phó Trưởng ban Đào tạo cho rằng, Thông tư 02 là căn cứ quan trọng để Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có thể soi chiếu, hoàn thiện Khung năng lực số cho đội ngũ giảng dạy, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
“Song song với việc ban hành thông tư, Bộ GD&ĐT nên có hướng dẫn cụ thể để thực hiện thống nhất, đảm bảo một chuẩn đầu ra tương đối thống nhất cho cấp học trong toàn quốc”, PGS.TS Hồ Quốc Bằng gợi mở.
Tích hợp sâu vào từng môn học
Theo PGS.TS Đỗ Văn Hùng - Trưởng khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), các quy định của Thông tư 02 mở và linh hoạt, để quyền quyết định cho các cơ sở đào tạo áp dụng theo tình hình thực tế, đặc thù ngành nghề, lĩnh vực và trình độ khác nhau. Nội dung năng lực số được lồng vào chương trình đào tạo, không phát sinh thêm thời lượng của chương trình, tích hợp sâu năng lực số vào từng môn học thông qua đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng tối đa công nghệ mới trong giảng dạy và học tập.
Các chương trình đào tạo cần có tuyên bố chuẩn đầu ra về năng lực số, để làm cơ sở triển khai các nội dung và hoạt động đào tạo. Qua đó, nhằm đạt được yêu cầu về năng lực số cho người học. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học chủ động xây dựng nội dung đào tạo phù hợp với đặc thù lĩnh vực, lựa chọn các hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp và hiệu quả, đảm bảo đo được năng lực số của người học.
Đối với bậc học từ mầm non đến đại học, PGS.TS Đỗ Văn Hùng khuyến nghị, trên cơ sở khung chung này, cần chi tiết hóa các tiêu chuẩn để phù hợp từng nhóm người học. Lúc này, khung năng lực số đóng vai trò như khung tham chiếu.
Bên cạnh đó, cần xây dựng được khung và bộ công cụ đánh giá phù hợp cho từng đối tượng cụ thể. Các chương trình học không thể tách rời hoạt động và trải nghiệm thực tiễn. Những gì người học tiếp thu được không phải kiến thức được áp đặt từ bên ngoài, mà phải là trải nghiệm thực tế của bản thân.
“Quá trình học phải lấy người học làm trung tâm, không phải người thầy. Đào tạo về năng lực số phải tiếp cận theo hướng này, đây vừa là yêu cầu của đổi mới giáo dục, vừa là tính đặc thù của năng lực số - thiên về ứng dụng và thực hành”, PGS.TS Đỗ Văn Hùng nhấn mạnh và nhận thấy, còn khoảng cách số giữa các vùng miền như thành thị, nông thôn, miền núi, hải đảo.
Do vậy việc triển khai cần có lộ trình từng bước và chính sách hỗ trợ cho các vùng khó khăn như: Đầu tư hạ tầng công nghệ, thiết bị học tập, giáo viên, nền tảng học tập, học liệu số… đảm bảo điều kiện cơ bản cho việc giảng dạy và học tập để đạt được yêu cầu tối thiểu về trình độ năng lực số của người học. Triển khai thành công năng lực số góp phần quan trọng giảm khoảng cách số giữa các vùng miền.
Tại Tọa đàm về Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trao đổi, Khung năng lực số được xây dựng làm căn cứ thống nhất về yêu cầu năng lực số của người học trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Đây là khung tham chiếu về tiêu chuẩn và hướng dẫn cho việc phát triển các năng lực số để các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân xác định nội dung, phương thức giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp, bậc học; đồng thời giúp người học phát triển các kỹ năng cần thiết để sử dụng công nghệ hiệu quả, sẵn sàng đối mặt với thách thức và cơ hội trong thế giới số hóa.
Khung năng lực số còn là nền tảng cho việc học tập suốt đời; bảo đảm tất cả người học có cơ hội tiếp cận và phát triển năng lực số. Qua đó, góp phần giảm thiểu sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ.
Khung năng lực số làm căn cứ xây dựng chương trình, biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình, sách giáo khoa, kế hoạch giảng dạy, các tài liệu dạy học để nâng cao năng lực số khác và xây dựng tiêu chí trong kiểm tra, thi và đánh giá ở từng cấp học, trình độ đào tạo. Qua đó, đảm bảo sự liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo; đảm bảo hệ thống giáo dục đáp ứng được nhu cầu của thời đại số, giúp người học phát triển toàn diện, bền vững.
Theo Thông tư 02, Khung năng lực số cho người học bao gồm 6 miền năng lực với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ từ cơ bản đến chuyên sâu theo 8 bậc. Thông tư cũng quy định về mô tả các miền năng lực và năng lực thành phần; năng lực thành phần theo các bậc của Khung năng lực số cho người học.