Khung pháp lý cho công nghiệp công nghệ số: Việt Nam đi sau, cần ưu đãi đột phá
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đang được Quốc hội xem xét được kỳ vọng là một bước tiến quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực này, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu Luật Công nghiệp công nghệ số hướng đến là phát triển ngành công nghiệp, công nghệ số trở thành một ngành kinh tế quan trọng, hình thành được hệ sinh thái về doanh nghiệp công nghệ số; cơ bản từng bước chuyển dịch từ lắp ráp gia công sang các khâu có chất lượng, hàm lượng cao hơn; phát triển hạ tầng công nghiệp, công nghệ số một cách hiện đại và đồng bộ; thu hút và hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong ngành này.
Các chuyên gia cho rằng đây là một chính sách cực kỳ quan trọng, nếu không cụ thể, rõ ràng và có một chế độ ưu việt, ưu đãi thì việc phát triển công nghệ số sẽ rất khó khăn.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Phát triển những lĩnh vực này là cơ hội để Việt Nam có năng suất lao động cao hơn cũng như thay đổi về chất cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng quá trình số hóa hiện nay vẫn chưa đạt kỳ vọng, cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, phát triển lĩnh vực này.

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số kỳ vọng sẽ tạo được sự bứt phá cho công nghệ số phát triển
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng Việt Nam đang đi sau so với một số các quốc gia trên thế giới thực hiện công nghiệp công nghệ số.
“Họ đi trước chúng ta rất nhiều lần và nhiều năm rồi, thời gian qua chúng ta cũng tính cho đầu tư cho công nghiệp công nghệ số, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Chúng ta nói nhiều nhưng lĩnh vực đầu tư chưa cụ thể”, ông Hòa nói.
Ông Hòa cho rằng việc hỗ trợ chính sách đầu tư cho các doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp là một tiền đề cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp. Những doanh nghiệp đã làm lâu năm khác những doanh nghiệp khởi nghiệp vì đây được coi là tạo bước đi chập chững, đi đầu để phát triển công nghệ số.
“Chúng ta đã hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước thì cũng có thể hỗ trợ cho đầu tư ra nước ngoài về khoa học, công nghệ, công nghệ số, để người ta có điều kiện học tập kinh nghiệm khoa học, công nghệ của nước ngoài áp dụng vào sản phẩm sản xuất tại Việt Nam”, ông Hòa nêu.
Ông Hòa đề xuất ưu đãi về đất đai, ví dụ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp thì ưu đãi về đất đai, giảm thuế, miễn thuế hay tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng đất đai không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Một chính sách nữa cần quan tâm, theo ông Hòa, là ưu đãi về tín dụng, vì hiện nay các doanh nghiệp không khi nào có đủ vốn tín dụng.
“Đầu tư về tín dụng không những đầu tư lãi suất của ngân hàng thương mại mà ngoài ra chúng ta cũng phải ưu đãi về tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội hoặc ưu đãi về tín dụng trong lĩnh vực khác mà Nhà nước đang quản lý”, ông Hòa nói.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)
Ông Hòa cũng đánh giá cao quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ban đầu là 50% trong thời gian 15 năm. “Đây là một chính sách những doanh nghiệp công nghệ số khi họ thành lập sẽ rất mong muốn được hưởng, để họ quyết liệt, quyết tâm đầu tư sao cho tạo ra nhiều sản phẩm trong nước, cung cấp trong hoạt động công nghệ số”, ông nói.
“Cần phải có một chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cụ thể, đặc thù, vượt trội, khác biệt để nhằm thúc đẩy phát triển một số lĩnh vực công nghệ cao có tính lan tỏa như thiết kế chip bán dẫn, hướng tới mục tiêu Việt Nam chúng ta làm chủ công nghiệp bán dẫn. Chính sách liên kết doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam chúng ta trong nội địa ngành công nghiệp bán dẫn để tạo tiền đề và một môi trường sinh thái tốt, lành mạnh cho Việt Nam”, ông Hòa nói.
ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng đề nghị ghi rõ trong luật về việc ngân sách bố trí 3% tổng ngân sách nhà nước cho KH-CN. Nếu được như vậy, việc phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số của Việt Nam sẽ tốt hơn.
Vấn đề quan trọng nữa ông Hòa góp ý là về chính sách thu hồi và xử lý sản phẩm công nghệ sau khi đã hết thời hạn sử dụng.
Theo ông, khoa học công nghệ số và đặc biệt là công nghệ bán dẫn, những thiết bị thiết yếu, những hóa chất sau khi đã sử dụng vẫn có thể tái chế thành những sản phẩm cần thiết để phục vụ cho nhu cầu phát triển của xã hội. Mặt khác, việc tái chế cũng sẽ đảm bảo môi trường sinh thái, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
“Tôi đề xuất phải có quy định rành mạch, rõ ràng khi những sản phẩm hết thời hạn sử dụng chúng ta thu hồi và xử lý, không để ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân”, ông Hòa nêu.
Một chính sách quan trọng nữa, theo ông Hòa, là việc thu hút nhân lực chất lượng cao. Để thu hút nhân lực chất lượng cao để cạnh tranh thì lương, thuế thu nhập cá nhân, thủ tục về lao động, giấy phép thị thực phải thuận lợi và thông thoáng. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã có chế độ ưu đãi này.
Ông Hòa đề xuất, đối với vấn đề thu hút nhân lực chất lượng cao có quốc tịch nước ngoài thì cấp thẻ tạm trú tạm thời 5 năm. Quy định không quá 5 năm là còn thấp, cần phải luật hóa với Luật Xuất nhập cảnh để quy định rành mạch, rõ ràng.
Ví dụ, nhà khoa học giỏi cần ở Việt Nam lâu dài nhưng không phải nhập quốc tịch, thì cũng cần cho họ kéo dài thời gian chứ không nhất thiết là phải 5 năm. “Nếu cần thiết thì “trải thảm đỏ”, sử dụng người ta và cho người ta ở Việt Nam luôn”, ông Hòa nêu.