Khung pháp lý hiện hành về bảo vệ đất của EU
Đất đóng vai trò cơ bản trong hoạt động của các hệ sinh thái trên cạn bằng cách cung cấp và điều tiết các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng và có vai trò rất lớn đối với an ninh lương thực, bảo vệ đa dạng sinh học, bền vững năng lượng cũng như giảm thiểu biến đổi khí hậu. Mặc dù chưa có công cụ pháp lý toàn diện về bảo vệ đất trong Liên minh châu Âu (EU), nhưng liên minh lá cờ xanh vẫn đã và đang nỗ lực để củng cố cơ sở pháp lý cho lĩnh vực này cùng với những mục tiêu về môi trường.
Sự phát triển của pháp luật về đất đai
Nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực và bảo vệ hệ sinh thái
Tích hợp đất vào tất cả các chính sách môi trường và nông nghiệp
Theo ScienceDirect, hiện tại chưa có công cụ pháp lý toàn diện về bảo vệ đất ở EU. So với tài nguyên nước và không khí đã được luật EU bảo vệ từ nhiều năm nay, đất vẫn bị coi là “anh em họ hàng nghèo” trong khuôn khổ chính sách môi trường của châu Âu. Mặc dù các chính sách khác nhau của EU (ví dụ về nước, chất thải, hóa chất, ngăn ngừa ô nhiễm công nghiệp, bảo vệ thiên nhiên, thuốc trừ sâu) đã và đang góp phần vào việc quản lý đất, nhưng chúng vẫn chưa đủ để bảo đảm mức độ bảo vệ thích hợp cho tất cả các loại đất ở châu Âu. Dẫu vậy, Ủy ban châu Âu từng phát triển Chiến lược Bảo vệ đất vào năm 2006 nhằm tìm ra câu trả lời cho các mối đe dọa cấp bách nhất đối với đất, tức là các mối đe dọa liên quan đến sự suy giảm chất hữu cơ, xói mòn đất và ô nhiễm đất.
Ngoài ra, các văn bản pháp lý đơn lẻ liên quan đến bảo vệ đất cũng đã được ban hành trước đây như Chỉ thị về bùn thải năm 1986 là công cụ pháp lý đầu tiên góp phần vào việc bảo vệ đất bằng cách điều chỉnh việc sử dụng bùn thải trong nông nghiệp theo cách có tính đến nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng và chất lượng của đất. Chỉ thị năm 1996 về Ô nhiễm tổng hợp và kiểm soát phòng ngừa bao gồm các yêu cầu qua trung gian đối với hoạt động của một số nhà máy công nghiệp và nó được thay thế vào năm 2010 bằng Chỉ thị 2010/75/EU về phát thải công nghiệp (IED), là công cụ chính của EU điều chỉnh lượng khí thải gây ô nhiễm từ các cơ sở công nghiệp. Theo đó, các cơ sở này được khuyến khích sử dụng các kỹ thuật tốt nhất hiện có để hạn chế lượng khí thải vào không khí, nước và đất. IED sẽ được phát triển và sửa đổi thêm vào năm 2022. Hơn nữa, luật hóa chất của EU và luật bảo vệ nước cũng giúp ngăn chặn sự xâm nhập của các chất nguy hiểm vào đất. Với hệ thống REACH (registration, evaluation, authorisation and restriction of chemicals) về đăng ký, đánh giá, cấp phép và hạn chế hóa chất, một phân tích vòng đời toàn diện sẽ được thực hiện đối với các chất độc hại có tác động xấu cao đến đất trong tương lai.
Chưa hết, Chỉ thị Nitrates năm 1991 (Chỉ thị 91/676/EEC) đưa ra những hạn chế về lượng nitơ tối đa, đặc biệt là ở những khu vực nguy hiểm đối với việc giảm nồng độ. Chỉ thị khung về nước năm 2000 (Chỉ thị 2000/60/EC) đặt ra tiêu chuẩn chất lượng môi trường nhằm đạt được trạng thái sinh thái tốt cho bề mặt và nước ngầm và mục tiêu hành động môi trường của nó là thực hiện điều kiện này trong vòng 15 năm, mục đích gián tiếp ngăn chặn nồng độ chất ô nhiễm trong đất. Ngoài ra, châu Âu còn đưa vấn đề bảo vệ đất vào việc bảo vệ các khu vực bảo tồn đặc biệt qua Chỉ thị Môi trường sống (Chỉ thị 92/43/EEC). Mục đích là tạo cơ sở cho việc xem xét toàn diện tất cả các thành phần tự nhiên của môi trường sống bao gồm đất và góp phần duy trì sự đa dạng sinh học của đất.
Nói chung, mặc dù đã có nhiều chính sách lên quan đến đất ở EU nhưng chính sách bảo vệ đất đặc biệt vẫn còn sơ khai. Theo quan điểm của Ủy ban châu Âu, đất là vấn đề xuyên suốt - các biện pháp bảo vệ đất cần được tích hợp vào tất cả các chính sách môi trường và nông nghiệp khác để bảo vệ và sử dụng đất bền vững.
Đưa ra nhiều chiến lược tham vọng
Tuy nhiên EU đang theo đuổi Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) - chiến lược tăng trưởng với nhiều biện pháp tham vọng trên các lĩnh vực nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh bền vững, đồng thời trở thành lục địa trung hòa về khí hậu đầu tiên vào năm 2050.
EGD nhắm mục tiêu ít nhiều trực tiếp đến một số khía cạnh của việc bảo vệ đất và có ý định cải thiện tình trạng đáng báo động đối với đất ở châu Âu. “Chiến lược đất của EU cho năm 2030 - Đạt được lợi ích của đất lành mạnh đối với con người, lương thực, thiên nhiên và khí hậu” của Ủy ban châu Âu vào tháng 11. 2021 cho thấy con đường để xử lý đất trong tương lai.
EU còn đưa ra Chiến lược đa dạng sinh học mới cho năm 2030 mang tên “Mang thiên nhiên trở lại cuộc sống của chúng ta”. Đây là kế hoạch toàn diện, đầy tham vọng và dài hạn nhằm bảo vệ thiên nhiên, đẩy lùi sự suy thoái của các hệ sinh thái vào năm 2030, cũng như quản lý chúng một cách bền vững. Nó giải quyết các nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học, bao gồm việc sử dụng đất không bền vững, và thừa nhận vai trò của các sinh vật trong đất trong việc “điều chỉnh và kiểm soát các dịch vụ hệ sinh thái chính như độ phì nhiêu của đất, chu kỳ dinh dưỡng và điều hòa khí hậu”… Chưa hết, Chiến lược Lâm nghiệp mới của EU cho năm 2030 được Ủy ban châu Âu đưa ra năm 2021 cũng thừa nhận các đặc tính của đất và các dịch vụ hệ sinh thái đất phải được bảo vệ.