Khung pháp lý là rào cản trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG
Mặc dù các doanh nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) đã thể hiện cam kết mạnh mẽ và triển khai thực thi các tiêu chuẩn ESG ở mức độ cao, song vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt liên quan đến khung pháp lý, thông tin và nguồn lực tài chính.
Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp ngành VLXD do Vietnam Report thực hiện trong giai đoạn 2024-2025, nhận thức và mức độ thực thi các chiến lược phát triển bền vững đã có những bước tiến đáng kể. Cụ thể, 100% doanh nghiệp tham gia khảo sát khẳng định phát triển bền vững là trọng tâm chiến lược kinh doanh trong năm 2025, phản ánh sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy quản trị.

Các rào cản về thông tin và nguồn lực tài chính cũng gây trở ngại đáng kể cho doanh nghiệp trong việc thực thi ESG.
ESG - Environmental, Social, and Governance (Môi trường, Xã hội và Quản trị) là một khung đánh giá nhằm đo lường tính bền vững và trách nhiệm đối với môi trường, xã hội của doanh nghiệp. Khái niệm về ESG ra đời vào đầu những năm 2000, gắn liền với sự phát triển của các phong trào đầu tư có trách nhiệm và quan tâm đến bền vững.
Theo Vietnam Report, tỷ lệ doanh nghiệp triển khai toàn diện các cam kết ESG tăng từ 23,2% trong năm 2024 lên 30,8% vào năm 2025, cho thấy sự tích hợp ngày càng sâu rộng của các tiêu chí ESG vào hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp thực thi một phần cam kết ESG tăng nhẹ từ 59,3% lên 61,5%, trong khi nhóm doanh nghiệp chỉ dừng ở giai đoạn lập kế hoạch giảm mạnh từ 17,5% xuống còn 7,7%. Những con số này là minh chứng cho thấy các doanh nghiệp đã xây dựng lộ trình rõ ràng và chuyển sang giai đoạn thực thi thực tiễn, phù hợp với định hướng phát triển xanh của ngành VLXD tại Việt Nam.
Mặc dù các doanh nghiệp đã thể hiện cam kết mạnh mẽ và triển khai thực thi các tiêu chuẩn ESG ở mức độ cao, họ vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt liên quan đến khung pháp lý, thông tin và nguồn lực tài chính. Khảo sát cho thấy, 53,8% doanh nghiệp nhận định khung pháp lý chưa minh bạch là rào cản chính trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG.
Bên cạnh đó, các rào cản về thông tin và nguồn lực tài chính cũng gây trở ngại đáng kể cho doanh nghiệp trong việc thực thi ESG. Theo khảo sát, 46,2% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn do thiếu hướng dẫn cụ thể về đo lường, đánh giá và báo cáo kết quả ESG, trong khi hệ thống thu thập dữ liệu chưa hoàn thiện và phần lớn doanh nghiệp vẫn sử dụng phương pháp thủ công, dẫn đến sai lệch thông tin và khó khăn trong việc theo dõi tiến độ.
Đồng thời, 38,5% doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối mặt với hạn chế về tài chính khi đầu tư vào công nghệ xanh đòi hỏi nguồn vốn lớn. Mặc dù, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý cho tín dụng xanh, nhưng quy trình thẩm định vay vốn phức tạp và lãi suất ưu đãi chưa đủ hấp dẫn khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn cần thiết.
Hơn nữa, các tổ chức tài chính còn thiếu kinh nghiệm và sự linh hoạt trong việc hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh quy mô nhỏ. Những rào cản này không chỉ làm chậm tiến độ chuyển đổi xanh mà còn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, nơi các tiêu chuẩn ESG ngày càng trở thành yêu cầu bắt buộc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành VLXD giai đoạn 2024-2025 đã thể hiện sức bật đáng kinh ngạc, vượt qua khó khăn để vươn tới những động lực tăng trưởng mới nhờ làn sóng đô thị hóa, đầu tư công mạnh mẽ và các chính sách hỗ trợ kịp thời. Các doanh nghiệp trong ngành đang chuyển mình linh hoạt, đón đầu xu hướng công nghệ, ưu tiên phát triển bền vững và mở rộng cánh cửa xuất khẩu, đáp ứng hành vi tiêu dùng ngày càng tinh tế.
Những bước tiến này không chỉ khẳng định vị thế vững chắc của ngành trong thị trường nội địa mà còn đặt nền tảng cho một tương lai phát triển bền lâu, sẵn sàng hội nhập và tỏa sáng trên bản đồ kinh tế toàn cầu.