Khuyến cáo người dân về các chiêu lừa đảo hợp đồng nghỉ dưỡng

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) vừa khuyến cáo người dân các vấn đề cần lưu ý khi tham gia mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng có tên gọi 'hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ'.

Ngoài tên gọi này, các hợp đồng kinh doanh nghỉ dưỡng dài hạn (thường có thời hạn hợp đồng từ vài năm đến vài chục năm) còn xuất hiện dưới nhiều tên gọi như "hợp đồng nghỉ dưỡng", "hợp đồng dịch vụ tuần nghỉ hạnh phúc", "hợp đồng kỳ nghỉ gia đình", "hợp đồng mua bán thẻ du lịch"...

Theo đó, người mua quyền nghỉ dưỡng, quyền sở hữu kỳ nghỉ được quyền sử dụng căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian dài hạn cho bản thân và những người mà khách hàng đăng ký. Đổi lại, khách hàng sẽ thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng trước khi sử dụng dịch vụ, thường từ 200-800 triệu đồng phụ thuộc vào loại căn hộ và thời gian. Ngoài ra, khách hàng có thể phải chi trả các khoản chi phí khác như phí duy trì, phí thường niên, phí chuyển nhượng, phí trao đổi và bên mua không được hủy ngang hợp đồng.

Đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, hiện nay có 3 loại hình nghỉ dưỡng dài hạn là tuần nghỉ cố định trong năm tại một loại phòng nghỉ cụ thể; tuần nghỉ không cố định hay tuần thả nổi và thẻ kỳ nghỉ hay thẻ tích lũy điểm trừ dần linh động theo nhu cầu của khách hàng.

Về phía doanh nghiệp cung cấp kỳ nghỉ có thể sở hữu hoặc không sở hữu khu nghỉ dưỡng. Trong trường hợp có sở hữu khu nghỉ dưỡng, sở hữu kỳ nghỉ có thể được bán dưới dạng "hình thành trong tương lai" như một hình thức huy động vốn để chủ sở hữu sử dụng tiền thu được vào việc xây dựng khu nghỉ dưỡng.

Hình thức tiếp cận, chào mời khách hàng tham gia mô hình nghỉ dưỡng dài hạn phổ biến được các doanh nghiệp thực hiện thông qua tổ chức sự kiện để tặng quà, tặng kỳ nghỉ miễn phí và khảo sát nhu cầu du lịch của người dân. Phản ánh của người dân cho thấy, hình thức tiếp cận, chào mời khách hàng tham gia dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn phổ biến tại các doanh nghiệp là tổ chức sự kiện để tặng quà, tặng kỳ nghỉ miễn phí và khảo sát nhu cầu du lịch của người dân, đặc biệt là người cao tuổi.

Tại đây, các công ty sử dụng nhiều chiến lược bán hàng tinh vi, bài bản khiến nhiều người dân đặt cọc, ký hợp đồng một cách vội vàng ngay cả khi chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm cũng như chưa được cung cấp, chưa nghiên cứu hợp đồng và che giấu một số thông tin quan trọng như nghĩa vụ của bên mua, các loại phí phát sinh, điều khoản bất lợi trong hợp đồng…

Khi nhận ra sản phẩm trên thực tế không đúng nguyện vọng, người dân yêu cầu bên bán chấm dứt hợp đồng, hoàn trả tiền nhưng không được chấp nhận. Kiểm tra hợp đồng, người dân mới phát hiện bên bán thiết kế nội dung giao dịch tiềm ẩn rủi ro theo hướng bất lợi cho bên mua. Cùng với đó, bên bán không sở hữu khu nghỉ dưỡng nhưng vẫn cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn và thu toàn bộ giá trị hợp đồng của bên mua trước khi cung cấp dịch vụ

Từ một số rủi ro tiềm ẩn được người dân phản ánh trên, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng khi tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm, cần tìm hiểu rõ thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu tại sự kiện. Bên cạnh đó, trước khi quyết định, cần yêu cầu cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng và nghiên cứu kỹ, so sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng.

"Ngoài ra, cần làm rõ các điều kiện, hạn chế đối với bên mua trong việc hưởng, chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng, cũng như các điều khoản bất lợi khác trong hợp đồng", Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo.

Thời gian qua, đơn vị nhận được nhiều đơn, thư của người dân phản ánh liên quan tới hoạt động cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn của bên bán như có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa dối khách hàng; vi phạm pháp luật về du lịch; vi phạm điều cấm của pháp luật; không thực hiện đúng hợp đồng đã giao kết; thực tế giao dịch không đúng với thông tin quảng cáo; cung cấp thông tin gian dối; áp đặt điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng; tăng phí thường niên quá cao; việc đặt phòng nghỉ dưỡng và chuyển nhượng hợp đồng/cho thuê lại kỳ nghỉ không thuận lợi; có dấu hiệu trốn thuế, không minh bạch về kiểm toán...

“Hầu hết người dân đề nghị được hủy bỏ/chấm dứt Hợp đồng nghỉ dưỡng dài hạn đã ký và được bên bán hoàn trả lại giá trị hợp đồng đã thanh toán” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông tin.

Bên cạnh việc gửi đơn, thư phản ánh tới Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, nhiều người dân đã gửi đơn đến Bộ Công an tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về hình sự như hành vi

lừa đảo chiếm đoạt tài sản và khởi kiện ra cơ quan Tòa án nhân dân các cấp để yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu như vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật và do lừa đảo.

Về bản chất, các giao dịch kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn là giao dịch dân sự, chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và thuộc thẩm quyền quản lý, xử lý của nhiều cơ quan quản lý nhà nước theo phạm vi thẩm quyền được giao. Cụ thể, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xem xét ý kiến, phản ánh của người tiêu dùng từ khía cạnh pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật về cạnh tranh; các Bộ, ngành khác và địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền.

Dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tiến hành hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Ngoài ra, thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ; tuyên truyền, phổ biến thông tin, khuyến cáo người dân; tiếp công dân, làm việc với doanh nghiệp, phối hợp với một số bên có liên quan để xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân; hướng dẫn người dân gửi đơn tới các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Công an, Tòa án…

“Đối với yêu cầu của người dân trong việc hủy bỏ/chấm dứt hợp đồng đã giao kết và được hoàn trả lại tiền, do đây là giao dịch dân sự, yêu cầu này cần được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự và thuộc thẩm quyền của cơ quan giải quyết tranh chấp dân sự. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã hướng dẫn người dân gửi đơn tới cơ quan có thẩm quyền như Bộ Công an, Tòa án”, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhấn mạnh.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khuyen-cao-nguoi-dan-ve-cac-chieu-lua-dao-hop-dong-nghi-duong/342222.html