Khuyến cáo phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa Hè và mùa bão lụt

Theo Cục An toàn thực phẩm, người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động thực vật độc như nấm độc, côn trùng lạ, độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ...

Bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy đang điều trị tích cực cho nạn nhân ngộ độc nấm rừng tại Tây Ninh. (Ảnh: TTXVN phát)

Bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy đang điều trị tích cực cho nạn nhân ngộ độc nấm rừng tại Tây Ninh. (Ảnh: TTXVN phát)

Trước tình hình ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng do thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh và độc tố tự nhiên trong nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã khuyến cáo các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa Hè và mùa bão, lụt.

Theo Cục An toàn thực phẩm, nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của động thực vật chứa độc tố tự nhiên; ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch...

Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Công văn số 1281/ATTP-NĐTT đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan trên địa bàn chủ động khẩn trương xây dựng kế hoạch công tác bảo đảm an toàn thực phẩm mùa Hè và mùa bão, lụt trên địa bàn quản lý.

Các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, nước đá, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất…

Đồng thời, lực lượng chức năng phát hiện sớm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm và công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị tăng cường thông tin, tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm để nâng cao trách nhiệm chuyển đổi hành vi mất an toàn thực phẩm, tập trung vào một số nội dung như tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn.

Đối với các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lụt cao, cần theo dõi các dự báo, diễn biến tình hình bão, lụt trên địa bàn và chủ động kế hoạch dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, thuốc men, các hóa chất sát khuẩn của ngành y tế.

Ngành chức năng tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín, nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải khử trùng, đặc biệt là trong thời gian bão, lụt xảy ra.

Lực lượng chức năng tuyên truyền để người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động thực vật độc như nấm độc, côn trùng lạ, độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ...; chú ý bảo đảm an toàn trong chế biến và sử dụng thịt cóc; tập trung chú trọng đối với đồng bào vùng ven biển, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Đồng thời, phổ biến các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất…

Bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nấm mọc từ xác ấu trùng ve sầu tại xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: TTXVN phát)

Bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nấm mọc từ xác ấu trùng ve sầu tại xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngành chức năng yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh.

Tiếp tục triển khai các nội dung tại Công văn của Cục An toàn thực phẩm số 278/ATTP-NĐTT ngày 15/2/2023 về việc tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên và Công văn số 643/ATTP-NĐTT ngày 29/3/2023 về việc tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do Clostridium botulinum, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở điều trị và các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng.

Các đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng… đến tay người dân.

Các đơn vị chủ động dự trữ thuốc men, hóa chất, phương tiện, nhân lực, phương án sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/khuyen-cao-phong-chong-ngo-doc-thuc-pham-trong-mua-he-va-mua-bao-lut/867287.vnp