Khuyến công Bình Thuận: Thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn
Trong 8 năm qua (từ 2013 - 2020), trên địa bàn Bình Thuận đã triển khai hàng chục đề án khuyến công, qua đó tích cực thúc đẩy sản xuất công nghiệp nông thôn từng bước phát triển…
Khuyến công Bình Thuận
Thống kê cho thấy, tổng kinh phí khuyến công được hỗ trợ thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2020 trên địa bàn tỉnh lên đến 19,627 tỷ đồng. Bao gồm 27 đề án khuyến công quốc gia với kinh phí 12,873 tỷ đồng, trung bình 3,4 đề án/năm). Đối với cấp địa phương là 43 đề án và 7 nội dung khác có kinh phí 6,754 tỷ đồng, trung bình 7,4 đề án/năm.
Thời gian qua, chương trình khuyến công đã tập trung đào tạo nghề, truyền nghề như phối hợp các đơn vị thụ hưởng tổ chức đào tạo nghề may công nghiệp, may len, mộc dân dụng cho 570 học viên. Theo nhu cầu tuyển dụng của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên tại Bình Thuận, sau đào tạo tất cả lao động đều có việc làm và thu nhập ổn định. Song song đó, chương trình khuyến công còn hướng đến nâng cao năng lực quản lý, thành lập và khởi sự doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn ở địa phương. Các khóa đào tạo đã giúp doanh nghiệp có thêm kiến thức cơ bản để vận dụng quản lý, điều hành, hoạch định chiến lược sản xuất - kinh doanh và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động…
Thiết thực hơn, khuyến công Bình Thuận xúc tiến hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, áp dụng sản xuất sạch hơn vào hoạt động. Hầu hết đề án hỗ trợ tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng. Như sản xuất gạch không nung, bao bì carton, hạt điều, thanh long, nước đá, chế biến nước mắm, thực phẩm, thủy sản… từ đó mang lại hiệu quả cao hơn, giúp cơ sở thụ hưởng từng bước sản xuất bán tự động, dần chuyển sang sản xuất công nghiệp. Đồng thời giảm bớt lao động thủ công, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm giá thành sản phẩm, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.
Đặc biệt với chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, trong giai đoạn 2013 - 2020 địa phương đã tổ chức 4 đợt bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Sau khi được công nhận, một số sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận còn tham gia bình chọn và đạt giải khu vực phía Nam, cấp quốc gia. Qua đây, chương trình cũng tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn có cơ hội được trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiềm năng của địa phương đến khách hàng trong lẫn ngoài nước. Và nhờ đó góp phần phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng đối với những sản phẩm đặc trưng, lợi thế của vùng đất cực Nam Trung bộ.
Bước sang giai đoạn 2021 - 2025, hoạt động khuyến công Bình Thuận sẽ tiếp tục hướng đến hỗ trợ đối tượng là các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tập trung thúc đẩy phát triển công nghiệp khu vực nông thôn theo cả chiều rộng và chiều sâu, từ đó tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương. Mặt khác chương trình còn hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô và theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm, lợi thế vùng miền nhằm gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường…
Hoạt động khuyến công được triển khai trên địa bàn Bình Thuận còn hướng tới hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp cũng như di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường… Trong giai đoạn vừa qua, chương trình đã hỗ trợ 5,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia nhằm góp phần hoàn chỉnh quy hoạch, kết cấu hạ tầng một số cụm công nghiệp. Cụ thể là đầu tư kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp Nghị Đức (Tánh Linh) với kinh phí hỗ trợ 2,5 tỷ đồng và Cụm công nghiệp Sông Bình (Bắc Bình) với kinh phí hỗ trợ 3 tỷ đồng.
Đ.Quốc