Khuyến công hỗ trợ nhanh, doanh nghiệp phục hồi sớm

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Định Văn Thái Toàn cho biết, với mục tiêu 'hỗ trợ nhanh - phục hồi sớm', chương trình khuyến công thời gian qua đã kịp thời đồng hành với các cơ sở công nghiệp nông thôn khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Tiếp sức cho công nghiệp nông thôn

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò và ý nghĩa của hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh những năm qua?

- Thời gian qua, hoạt động khuyến công Bình Định với mục tiêu “hỗ trợ nhanh - phục hồi sớm” đã kịp thời đồng hành với các cơ sở công nghiệp nông thôn khôi phục sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt chức năng làm cầu nối, tiếp sức, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển mạnh mẽ.

Khuyến công góp phần quan trọng trong việc khuyến khích và phát huy các nguồn lực vào đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn theo định hướng quy hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội một cách đáng kể. Sau khi đưa máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất thì sản phẩm đã được cải tiến, chất lượng, mẫu mã được nâng cao; nhiều sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp, sản phẩm OCOP; các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao được năng lực quản lý, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển một cách bền vững.

Bên cạnh việc hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, hoạt động khuyến công còn chú trọng đến công tập huấn phổ biến các chính sách về khuyến công và nâng cao năng lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, trang bị những kiến thức cần thiết trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh, phân tích thị trường và quản trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn năng lực cạnh tranh trên thị trường.

- Chương trình khuyến công hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn năm nay có điểm gì mới, thưa ông?

- Năm nay, Trung tâm nhận được nhiều đề án đăng ký tham gia chương trình khuyến công nhất. Đến nay có 78 đề án/11 địa phương đăng ký với tổng kinh phí thực hiện là 37 tỷ đồng, trong đó đề nghị Nhà nước hỗ trợ khoảng 15,4 tỷ đồng. Để bảo đảm hoàn thành các đề án trong tháng 10.2023 theo yêu cầu của UBND tỉnh, Sở Công thương đã tiến hành thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt đợt 1 với tổng kinh phí hỗ trợ 2,842 tỷ đồng.

- Nhu cầu hỗ trợ khoảng 15,4 tỷ đồng, nhưng sau thẩm định UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ 2,842 tỷ đồng (đợt 1). Ông nhận định gì về con số này?

- Tổng kinh phí khuyến công năm 2023 được Bộ Công thương và UBND tỉnh Bình Định phê duyệt, giao hỗ trợ 5,1 tỷ đồng. Trong đó khuyến công quốc gia hỗ trợ 800 triệu đồng (15,6%) và phần còn lại là của địa phương (84,4%). Các cơ sở được hỗ trợ 90 - 200 triệu đồng/đề án. Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ một phần, khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu, dù con số hỗ trợ chưa thực sự lớn nhưng vẫn có tính chất động viên, tạo đà phát triển cho các doanh nghiệp.

Tập trung vào những đề án điểm, có tính lan tỏa

- Quá trình triển khai các đề án khuyến công gặp phải khó khăn gì, thưa ông?

- Nhìn nhận khách quan, hiện các nội dung hoạt động khuyến công chưa được triển khai toàn diện, nội dung hoạt động chủ yếu hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Chưa thu hút được các doanh nghiệp triển khai các đề án có sức lan tỏa lớn, làm động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.

Công ty TNHH Sinh Phát VN đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến khi được hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023

Công ty TNHH Sinh Phát VN đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến khi được hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023

Bên cạnh đó,nhận thức của các cơ sở, doanh nghiệp về hoạt động khuyến công chưa đầy đủ, một số ít cơ sở còn e ngại khi được hướng dẫn xây dựng đề án, thủ tục hỗ trợ kinh phí khuyến công.

-Để hoàn thành mục tiêu trong năm 2023 và cả những năm tiếp theo, cần hành động như thế nào thưa ông?

- Nhằm năng cao hiệu quả khuyến công, thời gian tới Trung tâm khuyến công sẽ tăng cường quản lý, coi khuyến công là một trong các giải pháp trọng tâm để chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh theo hướng công nghiệp, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh trong lĩnh vực khuyến công, nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển. Tập trung vào những đề án khuyến công điểm, có tính lan tỏa như các ngành nghề, sản phẩm chế biến sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Chủ động đề xuất điều chỉnh khi xây dựng Kế hoạch khuyến công hàng năm phù hợp với thực tế để nâng cao hiệu quả của Chương trình. Nâng cao chất lượng trong việc lựa chọn các cơ sở công nghiệp nông thôn được thụ hưởng các chương trình, đề án khuyến công. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chương trình, đề án khuyến công bảo đảm nguồn kinh phí khuyến công được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích và đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, phối hợp, lồng ghép các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia với chương trình khuyến công; tích cực tìm kiếm, tranh thủ sự đồng tình hợp tác, ủng hộ của các tổ chức, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các chuyên gia giỏi để huy động các nguồn lực và nguồn vốn hợp pháp ngoài nguồn ngân sách nhằm đẩy mạnh hoạt động khuyến công.

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/khuyen-cong-ho-tro-nhanh-doanh-nghiep-phuc-hoi-som-i335466/