Khuyến học để tương lai tươi sáng
Có nhiều tấm gương thầm lặng cống hiến để thúc đẩy phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài (KHKT) trong dòng họ và cộng đồng, với mong ước bồi đắp tri thức cho thế hệ trẻ để có tương lai tươi sáng hơn.
Gieo mầm tri thức từ dòng họ
Ông Phan Văn Xuyến, ở xã Mộ Đức, luôn hết lòng với phong trào khuyến học của dòng họ Phan. Năm 2005, ông Xuyến thành lập Ban Khuyến học dòng họ Phan và duy trì hoạt động suốt 20 năm qua. Không dừng lại ở quy mô dòng tộc địa phương, năm 2024, ông Xuyến vận động tổ chức Đại hội họ Phan cấp huyện và thành lập Ban Khuyến học họ Phan huyện Mộ Đức (cũ), góp phần lan tỏa tinh thần học tập đến cộng đồng.

Ông Phan Văn Xuyến (đầu tiên, bên trái) cùng các thành viên Ban điều hành Quỹ Khuyến học - Khuyến tài Phan Văn Mười Định trao học bổng cho con cháu trong dòng họ. Ảnh: T.PHƯƠNG
Với vai trò Giám đốc điều hành Quỹ Khuyến học - Khuyến tài (KHKT) Phan Văn Mười Định, ông Xuyến tích cực vận động, xây dựng nguồn quỹ được 1,1 tỷ đồng, đảm bảo cho công tác KHKT của dòng họ. "Năm 2024, tiến sĩ Phan Đạo - con trai cụ Phan Văn Mười Định đã đóng góp 1 tỷ đồng cho Quỹ KHKT, số tiền này gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi hằng năm để tặng học bổng cho con cháu trong dòng họ. Bên cạnh vận động con cháu trong dòng họ chăm lo học tập, tôi luôn có mặt kịp thời để hỗ trợ, động viên các cháu có biểu hiện chểnh mảng việc học hoặc những gia đình gặp khó khăn trong việc cho con đi học. Nhờ vậy, con cháu trong dòng họ có điều kiện tiếp tục đến trường”, ông Xuyến cho biết.
Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ về vật chất, sự đồng hành của ông Xuyến còn có ý nghĩa lớn lao về mặt tinh thần. Theo ông Xuyến, hiếu học không chỉ là đạt thành tích cao trong học tập, mà còn là cách vượt qua nghịch cảnh để sống tốt, trở thành người có ích cho quê hương, đất nước. Nghĩ thế nên ông Xuyến luôn hết lòng vì phong trào khuyến học của dòng họ. Thành quả đáng tự hào là dòng họ Phan là hiện tại có 5 tiến sĩ, 3 thạc sĩ, 21 kỹ sư, cử nhân và nhiều sinh viên đang học tập tại các trường đại học hàng đầu cả nước. Đặc biệt, hình ảnh Tiến sĩ Phan Đạo, 60 tuổi vẫn đang phấn đấu đạt hàm giáo sư, nói lên rằng việc học “không bao giờ cùng” và minh chứng sống động để con cháu của dòng họ noi theo.
Thúc đẩy phong trào khuyến học ở vùng cao
Nếu như ông Phan Văn Xuyến nổi bật với mô hình dòng họ học tập thì ông Phạm Văn Néo, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Ba Tơ (cũ), lại là người có công xây dựng và thúc đẩy phong trào học tập trong cộng đồng đồng bào các dân tộc thiểu số. Hơn 10 năm gắn bó với công tác KHKT, ông Phạm Văn Néo đã có nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện để học sinh tiếp bước đến trường. Một trong những vấn đề khiến ông trăn trở là tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng hay đi học “giã gạo”. Với tinh thần trách nhiệm, ông cùng các cấp hội trực tiếp đến từng nhà vận động học sinh ra lớp, thậm chí chở học sinh đến trường để duy trì sĩ số.

Ông Phạm Văn Néo (hàng sau, thứ 3, từ phải qua) gắn bó với công tác khuyến học miền núi. Ảnh: T.PHƯƠNG
Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, ông Néo cùng các thành viên trong hội khuyến học xuống tận cơ sở, truyền đạt bằng hành động thực tế, từ đó từng bước thay đổi nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc học. Từ sự giúp sức của ông Néo, huyện Ba Tơ (cũ), nơi có hơn 82% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đã đạt được những kết quả ấn tượng với 93/123 dòng họ đăng ký tham gia mô hình "Dòng học học tập". Trong đó, có 66 dòng họ đã được công nhận đạt chuẩn “Dòng họ học tập”.
Còn với ông Bùi Xuân Hùng, Trưởng ban Khuyến học dòng họ Bùi ở làng Ba La, xã An Phú, mặc dù đã gần 80 tuổi nhưng ông vẫn luôn nhiệt huyết với phong trào KHKT của dòng họ. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hùng không quên lấy ra cuốn sổ được ghi chép tỉ mỉ kết quả vận động quyên góp quỹ khuyến học của dòng họ. Ông Hùng cho hay, dòng họ Bùi ở làng Ba La từ xưa đến nay luôn có tinh thần hiếu học. Dù trước đây điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng mỗi gia đình và cả dòng họ luôn có sự quan tâm cho việc học tập. Nhiều cháu đỗ đạt cao, trở thành những công dân thành đạt và có ích cho xã hội. Đây là niềm vinh dự rất lớn mà dòng họ Bùi tiếp tục kế thừa và phát huy.
Để phong trào KHKT phát triển, Ban Khuyến học họ Bùi có quy chế hoạt động cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống hiếu học của dòng họ, kết hợp với hội đồng gia tộc tích cực vận động các gia đình chăm lo cho con em học hành tiến bộ. Mỗi phụ huynh trong dòng họ Bùi có trách nhiệm động viên, nhắc nhở con em tích cực học tập. Đồng thời, việc xây dựng quỹ khuyến học đã trở thành ý thức tự giác của con, cháu gần xa trong mỗi dịp lễ, Tết hay giỗ tổ.
Quỹ khuyến học dòng họ Bùi đã huy động hơn 30 triệu đồng/năm. Từ nguồn quỹ này, Ban Khuyến học dòng họ Bùi tổ chức tuyên dương, phát thưởng cho con cháu vào ngày 12/3 âm lịch hằng năm tại nhà thờ họ. “Trong dòng họ, nhiều cháu có hoàn cảnh khó khăn, tôi thường xuyên động viên các cháu và gia đình, ưu tiên xét học bổng, khen thưởng mỗi năm, tạo động lực để các cháu cố gắng vươn lên học tập tốt”, ông Hùng chia sẻ.
Em Bùi Văn Tâm, học sinh lớp 9, Trường THCS Nghĩa Dõng, là một trong những trường hợp được ông Hùng quan tâm, giúp đỡ. Dù gia đình khó khăn, nhưng Tâm vẫn cố gắng học tập. Ngoài giờ lên lớp, Tâm luôn phụ giúp ba mẹ làm việc nhà. “Phần thưởng của dòng họ là động lực để em không ngừng nỗ lực trong học tập và rèn luyện, để mỗi năm đều được báo công tại nhà thờ”, Tâm bày tỏ.
Kiên trì vì sự nghiệp khuyến học
Các ông Phan Văn Xuyến, ông Phạm Văn Néo và ông Bùi Xuân Hùng đã có cách làm sáng tạo, kiên trì vì sự nghiệp giáo dục. Qua đây cho thấy, dù ở miền núi hay đồng bằng, nếu sự bền bỉ thực hiện thì sẽ thúc đẩy phát triển phong trào KHKT, xây dựng xã hội học tập, góp phần dựng xây quê hương, đất nước.

Ông Bùi Xuân Hùng (ngoài cùng, bên phải) động viên em Bùi Văn Tâm cố gắng học tập. Ảnh: T.ÂN
Sự học là hành trình dài và chỉ thật sự có ý nghĩa khi được truyền lại bằng niềm tin, tấm lòng và sự đồng hành liên tục. “Khuyến học không chỉ là tặng học bổng, mà là tạo động lực, khơi nguồn nội lực và gieo mầm niềm tin. Đó là sự đầu tư bền vững nhất cho tương lai của một dân tộc” - câu nói ấy đã phản ánh sinh động qua những việc làm đầy ý nghĩa, trách nhiệm tâm huyết với công tác khuyến học như các ông Phan Văn Xuyến, Phạm Văn Néo, Bùi Xuân Hùng...
Giờ đây, khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đi vào vận hành, ông Néo không còn đảm nhiệm vai trò Hội Khuyến học huyện Ba Tơ (cũ). Tuy nhiên, với tâm huyết của người đã có hơn chục năm gắn bó với công tác KHKT tại địa phương, với vai trò người có uy tín, ông tiếp tục đến các thôn để vận động người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong đó công tác giáo dục vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/khuyen-hoc-de-tuong-lai-tuoi-sang-54259.htm