Khuyến học xanh: Bước chuyển mình trong giáo dục vì sự phát triển bền vững

Sáng 25/4, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội thảo Khuyến học xanh – nhằm thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 'Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050'.

“Xanh hóa” mô hình học tập

Trong bài phát biểu mở đầu, GS.TS. Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã nhấn mạnh rằng các khái niệm “phát triển xanh”, “tăng trưởng xanh” và “phát triển bền vững” đã trở thành mục tiêu chiến lược mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang hướng tới. Bà cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia chưa bao giờ chú trọng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững như thế, bởi đây không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là quy luật cũng như “mệnh lệnh” cấp bách để bảo vệ hành tinh xanh của nhân loại.

Quay trở lại ngày 1/10/2021, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg, các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tăng trưởng xanh đã được xác định rõ ràng. Những mục tiêu này luôn đặt con người làm trung tâm – với vai trò vừa là chủ thể, vừa là đối tượng, lại là động lực chính tạo nên sức mạnh cho chiến lược tăng trưởng xanh của đất nước.

GS.TS. Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: GD&KH.

GS.TS. Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: GD&KH.

Từ tháng 8/2024, tại hội thảo “Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo công dân tốt, cán bộ tốt”, khái niệm “khuyến học xanh” lần đầu tiên được Hội Khuyến học Việt Nam đưa ra. Lúc đó, chương trình nhằm hướng tới đối tượng có độ tuổi “đầu còn xanh” (từ 16 đến 44 tuổi), - nghĩa đen là khuyến học hướng tới đối tượng tuổi "đầu còn xanh".

Theo GS.TS. Nguyễn Thị Doan, "Khuyến học xanh" nhằm thúc đẩy sự phát triển của tư duy xanh, lối sống xanh và kỹ năng xanh của mọi người. Điều này đáp ứng các mục tiêu cụ thể gồm:

Để các hội viên nâng cao nhận thức về phát triển xanh, phát triển bền vững, vận dụng tìm ra nội dung của khuyến học xanh. Từ đó hiểu sâu sắc hơn vai trò của Hội Khuyến học trong thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg; góp phần thực hiện tốt nội dung giáo dục xanh phục vụ phát triển bền vững của đất nước.

Từ nội dung Hội thảo, tiến tới sửa đổi, bổ sung tiêu chí làm "Xanh hóa" các mô hình học tập hiện Hội đang thực hiện, nhưng khi xây dựng tiêu chí, chưa xuất hiện ý tưởng về Khuyến học xanh và thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg.

Phối hợp với các cơ quan có liên quan, đặc biệt với Bộ Giáo dục và Đào tạo thúc đẩy giáo dục xanh, khuyến học xanh trong thời gian tới.

"Đây là vấn đề mới, là sự đổi mới tư duy, cách tiếp cận các vấn đề của quốc gia khi Hội khuyến học chỉ là chất xúc tác, góp phần vào thành công của các chiến lược lớn, bởi vì Học tập suốt đời mà Hội đóng vai trò nòng cốt trong thúc đẩy là chìa khóa, là quy luật dẫn tới bất cứ thành công nào, trong đó có chiến lược tăng trưởng xanh của đất nước" - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nói.

Trình bày tham luận của mình tại hội thảo, GS.TS. Phạm Tất Dong đã nhấn mạnh rằng giáo dục xanh không chỉ là việc thay đổi cơ sở vật chất mà cần được “xanh hóa” cả ở chương trình đào tạo, nội dung và phương pháp giảng dạy. Mô hình giáo dục xanh hướng tới phát triển kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị cho người học – từ thế hệ trẻ cho đến người lớn – nhằm trang bị cho họ những năng lực cần thiết góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.

GS.TS. Phạm Tất Dong.

GS.TS. Phạm Tất Dong.

Theo ông, để xây dựng được mục tiêu giáo dục xanh, Việt Nam cần hướng tới hình mẫu công dân có lối sống xanh và tiêu dùng xanh dựa trên nền tảng tư duy xanh. Điều này yêu cầu bổ sung các năng lực và phẩm chất “xanh” bên cạnh những năng lực cốt lõi đã được Nhà nước quy định.

Ông Phạm Tất Dong cũng nêu bật yêu cầu chuyển đổi toàn diện nền giáo dục quốc dân, từ trường lớp đến chương trình, nội dung giảng dạy, phương pháp học tập, quản lý sức khỏe học đường và cả việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tham gia các chương trình chuyển đổi xanh giáo dục của thế giới để trở thành một thành viên chủ chốt trong các hoạt động giáo dục xanh toàn cầu, từ đó tạo nền tảng cho sự thống nhất về chuyển đổi giáo dục xanh nhằm bảo vệ môi trường sống của trái đất.

Học tập xanh - nền tảng của phát triển bền vững

Tại Hội thảo, PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường đã đưa ra định nghĩa và nhận định rằng “khuyến học xanh” là một hướng tiếp cận mới trong lĩnh vực giáo dục và phát triển cộng đồng. Được xây dựng trên nền tảng của giáo dục suốt đời và tích hợp tư duy phát triển bền vững cùng những hành vi bảo vệ môi trường, khuyến học xanh không chỉ đơn thuần là một phong trào hay chương trình ngắn hạn mà là một chiến lược dài hạn để tạo ra một xã hội học tập xanh.

Việc đầu tư vào khuyến học xanh được xem là đầu tư vào tương lai – tạo dựng thế hệ công dân có tri thức, tinh thần trách nhiệm và khả năng kiến tạo một Việt Nam xanh, sạch và đẹp.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường.

PGS.TS. Trương Mạnh Tiến xác định bốn nội dung trọng tâm cốt lõi tạo nên hệ sinh thái học tập xanh toàn diện:

- Xanh hóa tư duy và hành vi học tập: Thúc đẩy lối suy nghĩ và hành động bền vững trong mọi hoạt động của mỗi người.

- Xanh hóa môi trường học tập: Xây dựng các không gian học tập thân thiện với môi trường.

- Xanh hóa nội dung, phương pháp giảng dạy: Tích hợp các nội dung giáo dục xanh vào chương trình giảng dạy và áp dụng các phương pháp sư phạm hiện đại.

- Xanh hóa cộng đồng học tập: Lan tỏa mô hình học tập xanh đến toàn xã hội, từ học sinh, giáo viên cho tới các tổ chức và doanh nghiệp.

Ông cũng nhấn mạnh rằng để đạt được hiệu quả cao trong công tác khuyến học xanh, cần có sự tham gia đồng bộ của tất cả các bên liên quan – từ chính quyền, nhà trường, tổ chức xã hội, doanh nghiệp cho đến mỗi cá nhân. Mặc dù trong những năm gần đây sự quan tâm đến khuyến học xanh đã ngày càng tăng, nhưng để chuyển từ định hướng chính sách sang hành động cụ thể và thiết thực, cần phải nhìn nhận rõ các thuận lợi hiện có cũng như những thách thức cần khắc phục. Những khó khăn thường gặp bao gồm: thiếu khung chương trình và tài liệu chuẩn hóa, năng lực triển khai chưa đồng đều ở nhiều địa phương, hạn chế về kinh phí và cơ chế tài chính, sự khác biệt trong nhận thức giữa các vùng miền và lĩnh vực, cũng như tâm lý cho rằng khuyến học xanh chỉ là một trào lưu ngắn hạn, thiếu chiều sâu.

Trong bối cảnh đó, ông PGS.TS. Trương Mạnh Tiến đã đưa ra những đề xuất cụ thể nhằm tạo nền tảng cho khuyến học xanh phát huy hiệu quả, như:

- Xây dựng bộ tiêu chí và khung đánh giá cho các hoạt động khuyến học xanh.

- Tổ chức các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến học.

- Tích hợp nội dung khuyến học xanh vào chương trình giáo dục chính quy và không chính quy.

- Hỗ trợ về tài chính và xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển mô hình khuyến học xanh.

- Tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế.

- Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, chia sẻ và lan tỏa các mô hình học tập xanh tiêu biểu.

Theo ông, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi hành vi, yếu tố cốt lõi giúp khuyến học xanh phát triển bền vững. Các mô hình thành công cần được chia sẻ rộng rãi để tạo động lực cho những vùng, những địa phương khác học tập và cải tiến.

"Các đề xuất trên đây đều hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái học tập xanh toàn diện, gắn liền giữa cá nhân – cộng đồng – nhà trường – chính quyền. Để khuyến học xanh không chỉ là khẩu hiệu, mà trở thành phong trào bền vững, Việt Nam cần một chiến lược dài hơi, huy động được sự đồng hành của toàn xã hội và học hỏi kinh nghiệm quốc tế một cách bài bản" - PGS.TS. Trương Mạnh Tiến nói.

Với kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng trường học xanh, NGND Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội khẳng định rằng xây dựng trường học theo mô hình xanh không chỉ nâng cao chất lượng môi trường học tập mà còn góp phần hình thành ý thức bảo vệ môi trường trong lòng học sinh, giáo viên và phụ huynh. Một không gian xanh, trong lành sẽ khơi dậy nguồn cảm hứng học tập, giúp học sinh phát triển toàn diện cả về trí tuệ lẫn nhân cách.

NGND Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. GD&KH.

NGND Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. GD&KH.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, các thầy cô cùng đội ngũ cán bộ quản lý có thể tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường vào chương trình giảng dạy, qua đó giúp học sinh hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ thiên nhiên trong từng môn học. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa như trồng cây, phân loại rác, tái chế cũng như các chiến dịch hưởng ứng Ngày Trái Đất sẽ thúc đẩy nhận thức và hành động thiết thực về môi trường.

Đồng thời, khuyến khích giáo viên và nhân viên sử dụng tài liệu điện tử nhằm giảm thiểu việc in ấn và tiêu thụ giấy cũng là giải pháp hiệu quả để bảo vệ nguồn tài nguyên.

Theo NGND Nguyễn Thị Hiền, những hành động cụ thể từ phía học sinh cũng rất quan trọng: các em cần duy trì vệ sinh lớp học và trường học, không xả rác bừa bãi, sử dụng bình nước cá nhân thay vì dùng đồ dùng dùng một lần, tham gia các cuộc thi vẽ tranh, sáng tác thơ hoặc viết bài hát với chủ đề bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, việc tái chế sách vở và đồ dùng học tập không chỉ hạn chế lãng phí mà còn góp phần bồi đắp ý thức tự giác bảo vệ môi trường trong mỗi em.

H.A

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/khuyen-hoc-xanh-buoc-chuyen-minh-trong-giao-duc-vi-su-phat-trien-ben-vung-98302.html