Khuyến khích 'bác sĩ gia đình'
Chiều 1/7, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị góp ý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (SĐ) liên quan đến lĩnh vực y tế, an sinh xã hội...
Tham gia hội nghị có đại diện: Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Bảo hiểm y tế), Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, Bộ Tư pháp. Lãnh đạo các Sở của TP Hà Nội: Tư pháp, Y tế, Lao động – Thương binh – Xã hội, Tài chính; Tài nguyên – Môi trường.
Các chuyên gia Luật Thủ đô của Thành phố Hà Nội: Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn; TS. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn; TS. Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, Dương Văn Cương; Tiến sĩ, Trưởng ban Pháp luật Nhà nước Lê Thiều Hoa, tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, góp ý Khoản 1, Điều 26 (Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân): “Xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến và hiện đại, theo mô hình ba cấp, phù hợp với quy mô dân số, địa bàn phục vụ. Tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới. Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống bác sĩ gia đình của Thủ đô, đảm bảo chăm sóc liên tục, toàn diện sức khỏe của Nhân dân. Phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện công lập và ngoài công lập. Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan Nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội về chính quyền Thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện của các Trường đại học Y…”, đại diện Bộ Y tế cho rằng, theo Luật Khám, chữa bệnh, không còn bệnh viện hạng đặc biệt; cần xem lại sự phù hợp việc chuyển các bệnh viện tuyến cuối thuộc Bộ Y tế quản lý (khoảng hơn 20 bệnh viện); nên chuyển giao 2 bệnh viện về địa phương theo lộ trình của Chỉnh phủ.
Đại diện Bộ Y tế cũng nhấn mạnh về vai trò “bác sĩ gia đình”. Vị đại diện nêu, ngoài nguồn bảo hiểm, ngân sách Thành phố nên bảo đảm cho hoạt động y học gia đình, cả công và tư, khuyến khích y tế tư nhân. “Cần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho y học gia đình, từ đó, tăng cường được y tế cơ sở” , vị đại diện đề xuất.
Liên quan đến Khoản 5 (Hội đồng Nhân dân Thành phố quy định) Điều 26 dự thảo Luật, các ý kiến thống nhất đề xuất sửa:
a. Cơ chế tài chính, danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình.
Khoản 6 Điều 26 dự thảo Luật: “Chính phủ quy định chi tiết việc phân bổ và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, chi trả dịch vụ cấp cứu ngoại viện, khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người cao tuổi trên địa bàn Thủ đô theo lộ trình do chính quyền Thành phố Hà Nội đề nghị”.
Về quy định này, các ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung nguồn thu bảo hiểm y tế, tăng mức đóng theo lộ trình. Như lý giải của đại diện Bộ Y tế, quỹ bảo hiểm y tế được quản lý ở Trung ương, giao dự kiến chi cho các tỉnh và có hạn mức chi. Do đó, bài toán tài chính cần làm rõ. Với bảo hiểm y tế liên quan đến nguồn thu bảo hiểm y tế.
"Người dân đóng bảo hiểm theo mức, mức trần là 4,5% lương cơ bản. Ngành Y tế Hà Nội nên nghiên cứu có cơ chế theo lộ trình tăng mức đóng cao hơn mức này để tăng mức thu bảo hiểm y tế, tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế để có nguồn lớn hơn chăm sóc sức khỏe người dân. Chi không chỉ cho người dân, có thể cả cho người di biến động"- đại diện Bộ Y tế bày tỏ.
Về điểm d, đ Khoản 7 Điều 26, các chuyên gia, đại diện Ngành y tế cho rằng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để góp thêm ý kiến.
Với điểm d, Điều 27 (Chính sách xã hội, an sinh xã hội của Thủ đô): “Tiêu chí ưu tiên để lựa chọn các đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội tại Thủ đô, dặc biệt tại các khu công nghiệp tập trung; quyết định việc sử dụng vốn đầu tư phát triển địa phương để hỗ trợ xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi cho người lao động có thu nhập thấp”, các ý kiến nhất trí đề xuất, nên bỏ từ “tập trung” vì không có khái niệm này.
Khoản 3 Điều này: “Tổ chức, các cá nhân dầu tư vào cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện trên địa bàn Thủ đô được hưởng các ưu đãi sau đây:”, chuyên gia góp ý, cần xác định rõ là tổ chức, cá nhân đầu tư.
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô. Sau gần 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của thành phố Hà Nội, song cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khuyen-khich-bac-si-gia-dinh-342314.html