Khuyến khích hoạt động quyên góp, thiện nguyện tuân thủ quy định pháp luật
Pháp luật khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia làm từ thiện, cứu trợ người dân bị thiên tai, bão lũ, nhưng làm từ thiện cũng phải có cơ sở, nguyên tắc và tuân thủ quy định của pháp luật, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Chiều 10/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ về nhóm vấn đề lao động, thương binh, xã hội.
Liên quan việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành về theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) nêu hệ lụy từ sự tùy tiện trong việc quyên góp, cũng như công tác quản lý chưa được chặt chẽ dẫn đến việc sử dụng tiền quyên góp chưa đúng mục đích, làm mất đi ý nghĩa nhân văn của hoạt động thiện nguyện, mất đi niềm tin của các nhà hảo tâm và của nhân dân.
Đại biểu đề nghị, với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ làm gì để góp phần quản lý, điều chỉnh các hoạt động thiện nguyện quyên góp, cứu trợ trong thời gian tới, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước?
Sai phải xử lý theo pháp luật
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, đã có những “lùm xùm” chung quanh việc huy động nguồn lực và làm thiện nguyện. Về cơ bản, các tổ chức, cá nhân đã thực hiện việc chuyển hàng, tiền và tiếp nhận ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, dịch bệnh, song vẫn cũng còn “chỗ này, chỗ kia”.
Theo Bộ trưởng, Nghị định 64 năm 2018 của Chính phủ đã đưa ra nguyên tắc khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia làm từ thiện, cứu trợ người dân bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh… Trong đó cũng quy định về phía nhà nước, giao cho Bộ Tài chính có trách nhiệm thay mặt nhà nước đứng ra làm việc thiện nguyện, nhận các khoản kêu gọi tài trợ và tổ chức triển khai các công tác và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách huy động và các chính sách thiện nguyện. Đồng thời, trong Nghị định 64 cũng quy định rất rõ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là cơ quan đứng ra huy động và tổ chức các hoạt động thiện nguyện này.
Tuy nhiên, trong Nghị định và quy định pháp luật có khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác tham gia, nhưng thời gian vừa qua chưa quy định cụ thể cách thức huy động các tổ chức, cá nhân tham gia như thế nào, vận động, quyên góp ra sao, tổ chức cấp phát như thế nào. Do đó, thời gian vừa qua, về cơ bản thì các tổ chức và cá nhân cũng đã thực hiện việc chuyển hàng, tiếp nhận, ủng hộ đến với người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ, dịch bệnh. Tuy nhiên vẫn có thể xảy ra một số vấn đề.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, quan điểm là khuyến khích nhưng làm từ thiện phải có cơ sở, có nguyên tắc, có quy định, và phải được quy định bởi luật pháp. Thời gian qua, trên cơ sở những khó khăn, lùm xùm, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Nghị định 64 và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 93 ngày 27/10/2021, trong đó quy định rất rõ nguyên tắc, tiêu chí, cách làm, từ việc vận động, quyên góp bằng tiền thì qua ngân hàng như thế nào, nếu quyên góp bằng hiện vật thì ai là người tiếp nhận, và khi triển khai ở cơ sở thì ai là người đứng ra cùng các tổ chức, cá nhân này thực hiện.
“Sau ngày 1/12 này, chúng tôi tin rằng Nghị định 93 bắt đầu có hiệu lực thì chắc chắn việc tổ chức thiện nguyện sẽ đi vào nề nếp. Còn trong quá trình vừa qua, tổ chức, cá nhân nào làm sai thì sẽ xử lý theo quy định pháp luật”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Phải rõ ràng, minh bạch khi quyên góp, thiện nguyện
Giải trình làm rõ về việc tổ chức thiện nguyện, quyên góp trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Nghị định 64 qua một thời gian thực hiện đã bộc lộ một số nhược điểm, như vấn đề về tính minh bạch, công khai đối với các hoạt động thiện nguyện, rồi quy định về quản lý, sử dụng và phân phối hàng hóa, tiền, vấn đề mở tài khoản, vấn đề đăng ký vận động…
Những hạn chế, nhược điểm đó được khắc phục bởi Nghị định 93 mà Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu cho Chính phủ ban hành, trong đó có nhiều điểm mới, thứ nhất là đã hạn chế những tồn tại, khuyết điểm của Nghị định 64 và quy định rõ các đối tượng từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, đến các tổ chức, cá nhân, các đơn vị liên quan vận động, tài trợ và thực hiện việc thiện nguyện.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ việc quản lý tiền, các loại hàng hóa như vàng, ngoại tệ, cũng như phân bổ các loại hàng hóa và tiền cho các đối tượng thụ hưởng, bên cạnh quy định vấn đề ghi chép đầy đủ quá trình hoạt động và được mở tài khoản ở ngân hàng thương mại theo đợt vận động hoặc tại kho bạc, và sau các đợt vận động đó thì các tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc đóng tài khoản, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Với hàng hóa, tiền hoặc tài sản đã nhận, Nghị định cũng quy định việc phân phối số hàng hóa đó một cách minh bạch và đồng thời cũng quy định chế độ báo cáo một cách rất chặt chẽ. Thí dụ như trước khi vận động thì phải đăng ký với Ủy ban nhân dân nơi vận động và trong thời hạn 3 ngày thì Ủy ban nhân dân phải phối hợp giải quyết vấn đề vận động đó. Việc phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ cũng như các tổ chức, cá nhân, chính quyền địa phương trong quá trình vận động cũng đã được quy định rất chặt chẽ.
Theo Bộ trưởng, Nghị định 93 cũng quy định kể cả các hình thức đóng góp tự nguyện như giảm giá nước, giá điện và giá các loại dịch vụ khác, đồng thời quy định về vấn đề thanh tra và kiểm sát, trong đó giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình được tổ chức thanh tra, cùng các bộ, ngành khác tham gia quá trình thực hiện thanh tra, giám sát hoạt động vận động, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Tiếp nhận 6 tố giác liên quan nghệ sĩ huy động quyên góp từ thiện
Về ý kiến của một số đại biểu Quốc hội nêu liên quan kết quả tiếp nhận, giải quyết tố cáo các sai phạm trong hoạt động quyên góp từ thiện, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay Bộ Công an đã giao cho Cục Cảnh sát hình sự tiến hành thụ lý, kiểm tra, xác minh các nguồn tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động quyên góp tiền từ thiện cứu trợ trong đợt mưa lũ xảy ra ở miền trung năm 2020 của một số nghệ sĩ để làm rõ một số vụ việc theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng thông tin, hiện nay đang triển khai các công việc kiểm tra, xác minh và Cục Cảnh sát hình sự đang phối hợp với các ngân hàng để tiến hành rà soát, xác định những tài khoản đã huy động từ thiện để làm rõ việc tiếp nhận, quyên góp và quá trình giải ngân.
Cùng với đó, cơ quan công an cũng phối hợp với Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi xác minh, làm rõ số tiền, hàng các nghệ sĩ đã tiến hành cứu trợ từ thiện tại các địa phương. Đồng thời, đã mời một số cá nhân, tổ chức làm việc, đề nghị cung cấp các thông tin có liên quan để sớm kết luận vụ việc theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Công an cũng cho biết thêm, hiện Cục Cảnh sát hình sự cũng đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự toàn quốc rà soát, nắm tình hình hoạt động từ thiện diễn ra trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng các hoạt động kêu gọi từ thiện thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, qua rà soát tại các địa phương, hiện nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 6 tố giác tội phạm của công dân có liên quan đến việc huy động tiền từ thiện của các nghệ sĩ. Qua đó, đã tổ chức tiếp nhận, phân loại các tố giác trên theo đúng quy trình của pháp luật về tố tụng hình sự. “Mọi công việc hiện nay đều đang được tiến hành đúng theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Qua công tác rà soát, nắm tình hình, Bộ trưởng Công an cũng cho biết thêm, Bộ sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi quy định pháp luật liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân bổ, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, các sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo hướng bổ sung các quy định về hoạt động này, bảo đảm công khai, minh bạch.